Giải pháp "Hệ thống cảnh báo vi phạm chiều cao tĩnh không ứng dụng trong giao thông đường thủy" của nhóm tác giả: PGS.TS Đào Văn Đông, TS Lê Nguyên Khương, TS Trần Anh Bình đã đạt giải Nhất giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTECH) và giải thưởng WIPO năm 2017.
Tối 17/4/2018, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức lễ trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec) và giải thưởng WIPO năm 2017. Tham dự lễ trao giải có: ông Phan Xuân Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec), ông Nguyễn Ngọc Đông- Thứ trưởng Bộ GTVT, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng nhiều cơ quan, ban, ngành…
Trường Đại học Công nghệ GTVT tham gia Hội thi với giải pháp "Hệ thống cảnh báo vi phạm chiều cao tĩnh không ứng dụng trong giao thông đường thủy- LAWA-UTT" đã đạt giải Nhất thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông và là một trong hai giải pháp xuất sắc nhất được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trao giải thưởng WIPO 2017.
Xuất phát từ thực trạng mỗi năm ở nước ta có có khoảng 10÷15 vụ phương tiện thủy đâm va vào cầu vượt sông, các vị trí xảy ra thường ở những cầu có chiều cao tĩnh không thấp và khẩu độ khoang thông thuyền hẹp. Đa phần các vụ tai nạn trên đều gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, nhiều vụ tai nạn đã làm giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy bị tê liệt, gây thiệt hại to lớn về kinh tế, xã hội. Đặc biệt có những cầu bị đâm va nhiều lần như cầu Đuống (Hà Nội), cầu Bình Lợi (TP. Hồ Chí Minh); cầu Ghềnh (Đồng Nai) và mới đây có vụ tàu 3000 tấn đâm vào cầu An Thái gây nguy cơ sập cầu. Việc điều tiết đảm bảo giao thông cho tàu, thuyền khi đi qua cầu vẫn sử dụng phương pháp truyền thống là bố trí các trạm điều tiết phía thượng lưu và hạ lưu cầu. Do chưa được ứng dụng những thành tựu KH-CN mới nên dẫn đến chi phí rất tốn kém và hiệu quả chưa cao. Ở trong nước đến thời điểm hiện nay chưa có giải pháp nào cảnh báo chủ động tới các chủ điều khiển phương tiện giao thông có chiều cao vượt quá chiều cao tĩnh không cho phép. Với ý tưởng sử dụng công nghệ laser để phát hiện phương tiện lưu thông vượt quá chiều cao tĩnh không cho phép, Nhóm nghiên cứu đã đề xuất và phát triển thành công hệ thống cảnh báo sớm tàu thuyền có chiều cao vi phạm giới hạn tĩnh không của cầu, với hy vọng giảm thiểu tai nạn và nâng cao hiệu quả quản lý trong giao thông đường thủy nội địa. Hệ thống cảnh báo LAWA-UTT đã được chế tạo và thí nghiệm thành công tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải. Cuối năm 2016, hệ thống đã được Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam đồng ý cho lắp đặt tại cầu Đuống – Hà Nội. Đầu năm 2017, nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý phương tiện và hạn chế tối đa tai nạn do vi phạm chiều cao thông thuyền gây ra, Sở GTVT tỉnh Nam Định đã phê duyệt giải pháp và đầu tư lắp đặt toàn bộ hệ thống cho Đò Quan, Nam Định.
Với giải thưởng danh giá này khẳng định hướng đi đúng đắn của Trường Đại học Công nghệ GTVT trong thực hiện mục tiêu đào tạo và nghiên cứu theo định hướng ứng dụng và thực hiện sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT trong việc nghiên cứu khoa học theo hướng ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề thực tiễn của ngành GTVT và đất nước.
Một số hình ảnh tại Lễ trao giải:
PGS.TS Đào Văn Đông, TS Lê Nguyên Khương, TS Trần Anh Bình nhận Cúp, Bằng khen giải Nhất giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTECH)
PGS.TS Đào Văn Đông thay mặt Nhóm nhận giải thưởng WIPO 2017
PGS.TS Đào Văn Đông thay mặt Nhóm nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ