Chiến lược phát triển trường tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng ứng dụng; từng bước xây dựng trường trở thành trường đại học thông minh; trung tâm nghiên cứu khoa học, sáng tạo khởi nghiệp, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế hàng đầu cả nước, có đủ năng lực cạnh tranh, hợp tác bình đẳng và hội nhập quốc tế, phục vụ chiến lược phát triển ngành GTVT, đất nước và cộng đồng xã hội.
Đồng thời cũng nhằm thực hiện quy hoạch phát triển trường thành trường đại học trọng điểm Quốc gia theo Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 03.12.2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Giao thông Vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.
Coi trọng hợp tác doanh nghiệp và ưu tiên phát triển nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ
- Vấn đề nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và xây dựng mối quan hệ chiến lược giữa nhà trường và doanh nghiệp được nhà trường thực hiện ra sao thưa ông?
- Bên cạnh sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhà trường luôn coi trọng và ưu tiên phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và xây dựng quan hệ chiến lược với các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy cũng như phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp và cộng đồng xã hội.
Trong quá trình thực hiện sứ mạng của mình, nhà trường luôn coi doanh nghiệp như là những tổ chức “cơ hữu” quan trọng trong hệ thống cơ cấu tổ chức của mình.
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ GTVT
Với tỉ lệ thực hành, thực tập chiếm tới 40% trong toàn bộ chương trình đào tạo tại các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, tại các nhà máy xí nghiệp và công trường xây dựng, nhà trường luôn được các doanh nghiệp trong và ngoài nước tin tưởng đến hợp tác đào tạo và tuyển dụng sinh viên.
Sự tin tưởng từ cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước vào mô hình đào tạo của Nhà trường được hiện thực hóa thông qua nhiều văn bản ký kết. Hiện nay, nhà trường đã ký hợp tác với 50 doanh nghiệp trong và ngoài nước với các hoạt động chủ yếu như doanh nghiệp tài trợ máy móc, thiết bị, tài liệu phục vụ đào tạo thực hành; cung cấp địa bàn thực hành, thực tập cho sinh viên; cấp học bổng tài trợ doanh nghiệp và tuyển dụng sinh viên; tham gia vào quá trình đổi mới nội dung chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tiễn của doanh nghiệp và tham gia vào quá trình hướng dẫn thực hành, thực tập và khóa luận tốt nghiệp. Trong quá trình này, nhà trường đã chủ động tìm đến doanh nghiệp và thảo luận cùng doanh nghiệp về những lợi ích đạt được mỗi bên, thống nhất lộ trình, khung chương trình và chất lượng đào tạo.
Trên cơ sở những kết quả ban đầu, hiện nhà trường cũng đang hợp tác và đào tạo theo đặt hàng và cung ứng nhân lực khối ngành xây dựng, cơ khí, vận tải giao nhận hàng hóa… cho rất nhiều các doanh nghiệp trong nước như FECON, Đèo Cả, LICOGI 16, DUAFAT… và các doanh nghiệp nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, trong đó, đặc biệt có một số ngành số lượng đào tạo không đáp ứng kịp nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp như logistics, xây dựng cầu đường, cơ khí ô tô...
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải
Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, trong thời gian qua, Trường thực hiện trên 10 dự án hợp tác với Chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc (UNDP), Ủy ban châu Âu, Đức, Nhật Bản, Pháp, Ấn Độ, Mỹ… Đa số các đề tài/dự án đều tập trung theo hướng nghiên cứu ứng dụng, giải mã công nghệ để giải quyết các vấn đề thực tiễn của ngành và đất nước như công nghệ mới, vật liệu mới, giao thông xanh, năng lượng xanh...
Với sự đầu tư mạnh cho nghiên cứu, trong 5 năm qua các nhà khoa học của trường đã công bố trên 1.500 bài báo khoa học, trong đó có gần 1.000 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín (ISI, Scopus). Năm 2019-2020 trường lọt top 30 trường đại học Việt Nam có công bố quốc tế tốt nhất, trong đó đứng thứ 13 về tổng số trích dẫn.
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, trường đã tổ chức 40 hội nghị/hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, đặc biệt các năm 2019, 2021, Nhà trường đã phối hợp với Hội các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE - Global) tổ chức Hội nghị quốc tế về địa kỹ thuật, kết cấu và kỹ thuật công trình (CIGOS); phối hợp với Hội vô tuyến điện tử Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học quốc tế về mạng và các hệ thống thông minh (ICISN) thu hút hàng trăm tác giả đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia, công bố hàng trăm kết quả nghiên cứu được đăng trong kỷ yếu của nhà xuất bản khoa học uy tín Springer. Đây cũng là diễn đàn giao lưu học thuật, chia sẻ kinh nghiệm, giúp các nhà khoa học trong nước nâng cao năng lực nghiên cứu phục vụ xây dựng hạ tầng giao thông tại Việt Nam.
Thực hiện triết lý giáo dục “Ứng dụng - Thực học - Thực nghiệp”, bảo đảm sinh viên được tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp ra trường
- Nhà trường xây dựng chương trình đào tạo và kế hoạch tuyển sinh như thế nào để đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế; và thu hút sinh viên giỏi vào trường?
- Với triết lý giáo dục “Ứng dụng - Thực học - Thực nghiệp”, nhà trường xây dựng các chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng có mục tiêu và nội dung theo hướng phát triển kết quả nghiên cứu cơ bản, ứng dụng các công nghệ nguồn thành các giải pháp công nghệ, quy trình quản lý, thiết kế các công cụ hoàn chỉnh phục vụ nhu cầu của thực tiễn sản xuất; các chương trình đào tạo được xây dựng đảm bảo tỷ lệ thực hành, thực tập trong trường và ngoài doanh nghiệp chiếm từ 40% trở lên; tổ chức dạy thật, học thật, thi thật và các chương trình đào tạo được xây dựng gắn liền với nhu cầu của doanh nghiệp trong và ngoài nước đảm bảo sinh viên được tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp ra trường.
Trên cơ sở đó nhà trường tập trung tuyển sinh đào tạo các ngành nghề mà xã hội đang cần trong giai đoạn trước mắt như các ngành về công nghệ đường bộ cao tốc, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, công nghệ ô tô, thương mại điện tử… đến các ngành phục vụ trong trung hạn và dài hạn như công nghệ đường sắt, công nghệ BIM trong xây dựng công trình, giao thông thông minh, thiết kế vi mạch bán dẫn để phục vụ chiến lược phát triển ngành GTVT, đất nước và thị trường việc làm quốc tế.
Xây dựng được văn hóa tự chủ và tự chịu trách nhiệm của mỗi cá nhân là yếu tố quan trọng khi thực hiện quản trị đại học
- Theo ông, yếu tố nào là quan trọng nhất khi thực hiện quản trị đại học?
-Theo tôi, để thực hiện quản trị đại học thành công thì cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ nâng cao năng lực quản lý tự chủ cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp của Nhà trường; củng cố và hoàn thiện bộ máy quản lý, hệ thống chính sách đồng bộ, quy trình quản lý chặt chẽ của nhà trường; xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và hệ thống kiểm soát nội bộ; ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào tất cả các lĩnh vực quản lý nhà trường như quản lý tuyển sinh, quản lý đào tạo, quản lý nhân sự, quản lý tài chính, quản lý sinh viên, quản lý cơ sở vật chất, quản lý khoa học; đẩy mạnh đa dạng hóa các nguồn thu và xây dựng cơ chế chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả gắn với năng suất chất lượng và bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên theo tôi yếu tố quan trọng nhất khi thực hiện quản trị đại học đó là yếu tố con người, làm sao phải xây dựng được văn hóa tự chủ và tự chịu trách nhiệm của mỗi cá nhân trong nhà trường. Nhà trường phải xây dựng được và duy trì một môi trường văn hóa riêng có của mình trên cơ sở phát huy được năng lực chủ động sáng tạo, thích ứng với cái mới, linh hoạt và sự tận tâm cống hiến của tất cả mọi người vào mục tiêu phát triển chung của Nhà trường.
- Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long!
Nguồn: Báo Đại biểu nhân dân