Sáng 25/4/2014 tại cơ sở Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ GTVT đã tổ chức Chương trình Giao lưu “Sinh viên ngành Công trình với cơ hội việc làm” năm 2014.
Hơn 30 doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng giao thông vận tải tham gia chương trình giao lưu với sinh viên Ngành Công trình
Tới dự chương trình giao lưu, về phía trường Đại học Công nghệ GTVT có TS.NGƯT. Đỗ Ngọc Viện - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường; NGƯT.Trần Quang Dũng - Phó Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Hoàng Long - Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Đào Văn Đông - Phó Hiệu trưởng; về phía đại biểu khách mời có TS. Trần Đình Châu - Chánh văn phòng Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS.TS. Phạm Văn Sơn - Giám đốc trung tâm đào tạo và cung ứng nhân lực Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ông Lại Việt Anh - UV BCH Thành Đoàn, UV BTV Hội sinh viên Thành Đoàn Hà Nội; Đại biểu đại diện lãnh đạo hơn 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Giao thông vận tải và Xây dựng. Tham dự chương trình còn có các giảng viên và hơn 300 sinh viên đang theo học ngành Công trình tại cơ sở Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Chương trình giao lưu PGS.TS. Đào Văn Đông, PHT Nhà trường nhấn mạnh Nhà trường đã và đang nỗ lực không ngừng để tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học, gắn chặt chẽ giữa đào tạo lý thuyết với thực hành. Với mục tiêu là đào tạo đội ngũ kỹ sư, cử nhân vừa có kiến thức chuyên môn tốt để bắt nhịp được ngay với thực tế sản xuất, vừa có các kỹ năng thực hành cần thiết để thích ứng với thị trường lao động ngày càng cạnh tranh theo hướng lành mạnh. Tuy nhiên, thực tế xã hội, thực tế sản xuất luôn là trường học lớn nhất và có ý nghĩa nhất cho mọi người, trong đó có các kỹ sư, cử nhân tương lai của Trường Đại học Công nghệ GTVT.
Nội dung Chương trình giao lưu là cụ thể hoá chủ trương của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như triển khai các nội dung công tác trong chương trình đào tạo của Nhà trường, qua đó tăng cường quan hệ giữa doanh nghiệp với Nhà trường, giữa doanh nghiệp với sinh viên và giữa thực tế sản xuất với quá trình đào tạo. Sự tham dự của các đơn vị khẳng định tinh thần trách nhiệm với xã hội, trách nhiệm với cộng đồng và trách nhiệm với thế hệ trẻ của các cá nhân cũng như các doanh nghiệp.
PGS.TS. Đào Văn Đông - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc chương trình giao lưu.
PGS.TS. Đào Văn Đông cũng căn dặn các bạn sinh viên của Trường “Đất nước ta đang trong giai đoạn xây dựng và phát triển, phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt được mục tiêu này thì xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông phải đi trước một bước. Đó là điều kiện tốt để các bạn sinh viên ngành Công trình chúng ta có cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, để có được thành công khi tìm việc cũng như đi làm, doanh nghiệp, người sử dụng lao động sẽ cần gì ở các bạn? Các bạn phải chuẩn bị những gì cho bản thân?
Việt Nam chúng ta đang trên con đường phát triển và hội nhập với các nước. Đây vừa là cơ hội, nhưng cũng đầy thách thức với thế hệ trẻ đang chuẩn bị hành trang bước vào cuộc sống. Cơ hội là những điều kiện tốt để các bạn giao lưu, học hỏi để vươn lên. Nhưng bên cạnh đó là những thách thức về sự cạnh tranh trong một thị trường lao động quốc tế trên chính quốc gia mình. Dòng lao động có kiến thức từ các nước trong khu vực và cả các nước phát triển đang và sẽ đến Việt Nam nhiều hơn. Bản thân chúng ta phải nỗ lực vươn lên để có thể cạnh tranh sòng phẳng trên chính “sân nhà”, ở chính ngành Giao thông của chúng ta.
Sinh viên Ngành Công trình đặt câu hỏi với đại diện các Doanh nghiệp
Đối với sinh viên, trình độ kiến thức chuyên môn là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Ngoài kiến thức, sinh viên phải nâng cao kĩ năng sống của bản thân. Đây là điều kiện quan trọng nhưng lại đang rất thiếu đối với sinh viên hiện nay. Từ khả năng giao tiếp - thuyết trình, làm việc nhóm, quản lý thời gian, vượt qua khủng hoảng, đến khả năng lãnh đạo, sáng tạo và đổi mới, đó luôn là những yếu tố mà các bạn cần được rèn luyên và trải nghiệm ngay từ khi ngồi trên nghế giảng đường đại học.
Vậy phải chăng ngoài kiến thức chuyên môn về ngành nghề thì ngoại ngữ, phần mềm tin học và những kỹ năng có thể làm việc trong môi trường quốc tế, đa quốc tịch là cần thiết với chúng ta? Liệu các bạn đã mạnh dạn chia sẻ kiến thức, chịu khó cọ xát thực tế để làm quen với nghề nghiệp, hoàn thành mục tiêu bằng tất cả khả năng của mình hay chưa? Các bạn đã năng động, hiện đại và tràn đầy đam mê hay chưa?
Với tinh thần thế hệ đi trước cùng trao đổi cởi mở với thế hệ chuẩn bị tiếp bước cha anh, các bạn sinh viên hãy mạnh dạn đặt câu hỏi với lãnh đạo các doanh nghiệp với tinh thần cầu thị, trong phạm vi ngành nghề các bạn đang học tập và nghiên cứu. Các bác, các chú lãnh đạo đại diện các đơn vị sẽ trải lòng, truyền đạt với các bạn những kinh nghiệm thực tế để góp phần cùng Nhà trường đào tạo được thế hệ kỹ sư, cử nhân ngành Công trình năng động, sáng tạo, vững về chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ, “vừa hồng, vừa chuyên” như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã dạy…”
Sinh viên Ngành Công trình quan tâm tới cơ hội việc làm và thông tin của Nhà tuyển dụng
Chia sẻ với các bạn sinh viên trong chương trình giao lưu, PGS.TS. Phạm Văn Sơn, chuyên gia làm việc trong lĩnh vực hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực cho biết hàng năm có hàng trăm nghìn sinh viên tốt nghiệp và có khoảng 10% trong số đó không có việc làm. Đây thực sự là thách thức, cạnh tranh rất lớn đối với các bạn sinh viên của các trường đại học trong cả nước cũng như sinh viên trường Đại học Công nghệ GTVT.
Tại chương trình giao lưu, đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng giao thông vận tải đã tập trung giải đáp rất nhiều những băn khoăn và lo ngại của sinh viên về việc làm. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chia sẻ rất nhiều thông tin bổ ích về cơ hội việc làm dành cho sinh viên mới tốt nghiệp; những kiến thức và kỹ năng sinh viên cần có để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp cũng như các tiêu chí mà doanh nghiệp quan tâm trong tuyển dụng. Khi được hỏi về kinh nghiệm đối với sinh viên mới ra trường khi tuyển dụng, ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần kỹ thuật nền móng và công trình ngầm FECON đã khẳng định không phải đơn vị nào cũng yêu cầu kinh nghiệm đối với sinh viên mà điều quan trọng là sinh viên phải quyết tâm ở bản thân, tích cực tìm tòi, thực hành để tích lũy kinh nghiệm thực tế.
Các đại biểu đại diện doanh nghiệp giao lưu với sinh viên
Chương trình không chỉ là diễn đàn chia sẻ dành cho các bạn sinh viên ngành công trình nói riêng và sinh viên trường Đại học Công nghệ GTVT nói chung mà còn là cầu nối tạo nên sự gắn kết hơn nữa trong công cuộc tìm hướng đi chung giữa Nhà trường và Nhà tuyển dụng, giải quyết đầu ra cho sinh viên và hướng tới xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Không những thế, đây cũng là cơ hội giúp sinh viên có nhận thức rõ hơn về học tập và rèn luyện của mình trong thời gian ở trường.
Sinh viên Ngành Công trình tặng hoa và cảm ơn đại diện các doanh nghiệp
Phát biểu bế mạc, TS. Đỗ Ngọc Viện - Hiệu trưởng Nhà trường đánh giá đây là chương trình rất quan trọng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của nhà trường; những nội dung được doanh nghiệp và sinh viên quan tâm là hết sức cần thiết trong việc điều chỉnh lại chương trình đào tạo và quản lý của Nhà trường trong thời gian tới. Do thời lượng chương trình không cho phép nên còn nhiều ý kiến quan tâm của các bạn sinh viên chưa được giải đáp thỏa đáng và đầy đủ. Thay mặt Nhà trường, Tiến sỹ gửi lời cảm ơn tới sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thành đoàn Hà Nội, các doanh nghiệp và Nhà tài trợ Công ty bất động sản Thái An, các quý vị đại biểu và các giảng viên, các em sinh viên ngành Công trình. Ông tin tưởng rằng, buổi giao lưu sẽ tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn Nhà trường với Doanh nghiệp và chất lượng đào tạo của Nhà trường sẽ tiếp tục được nâng cao hơn nữa trong thời gian tới.