Giảng viên và sinh viên UTT thiết kế sản phẩm hữu ích ứng phó với dịch Covid-19


Giảng viên và sinh viên UTT thiết kế sản phẩm hữu ích ứng phó với dịch Covid-19

19/04/2020

Sau thời gian tìm tòi nghiên cứu các giảng viên và sinh viên của Nhà trường đã chế tạo được một số sản phẩm hữu ích phục vụ công tác kiểm soát và phòng chống sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 cho cán bộ, viên chức, người lao động và cộng đồng.

Hệ thống đo thân nhiệt từ động và máy phun sát khuẩn tự động là 2 sản phẩm hữu ích của nhóm nghiên cứu đến từ Khoa Công nghệ thông tin, với các thành viên là các cán bộ, giảng viên như TS. Trần Hà Thanh - Trưởng khoa CNTT; TS. Dương Quang Khánh - Trưởng Bộ môn Cơ điện tử; Ths. Hoàng Thế Phương - giảng viên Bộ môn Cơ điện tử; sinh viên Phạm Thế Hưng - lớp 68DCDT22; Hoàng Đức Hiếu và Hoàng Danh Lâm - lớp 68DCCO22.

Hệ thống đo thân nhiệt tự động được nhóm thiết kế sau khi tham khảo sáng chế của nhóm nghiên cứu của GS.TSKH Bùi Văn Ga. Hệ thống cho phép tự động kích hoạt đo thân nhiệt của người đứng trước máy ở cự ly dưới 5 cm, toàn bộ thông tin ghi nhận trên màn hình máy đo sẽ được gửi qua camera về máy tính của bộ phận kiểm soát, giúp phát hiện kịp thời các trường hợp người ra, vào trường có thân nhiệt bất thường. Hệ thống cho phép tự động tăng, giảm chiều cao nhờ cơ cấu nâng hạ bằng xilanh điện để thích nghi với từng người được kiểm tra, đồng thời tránh tiếp xúc trực tiếp giữa nhân viên y tế với người được kiểm tra thân nhiệt. Các thiết bị và vật tư sử dụng để chế tạo đều sẵn có trên thị trường. Sau bước đầu thử nghiệm thành công, cho kết quả chính xác, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp hệ thống để có thể nhận diện mặt và tự động lưu dữ liệu đo được vào file datalog.

Với sản phẩm máy phun sát khuẩn tay tự động, nhóm nghiên cứu đã sử dụng bộ cảm biến chuyển động để ghi nhận chuyển động của bàn tay khi được đưa vào vùng sát khuẩn ở trong máy. Sau khi đã xác nhận bàn tay đã nằm trong vùng sát khuẩn, bộ vi điều khiển sẽ tự động kích hoạt máy bơm phun sương nước sát khuẩn để sát khuẩn bàn tay.

Các sinh viên tham gia nhóm nghiên cứu bên máy sát khuẩn tự động.

Thử nghiệm sát khuẩn tay bằng máy sát khuẩn tự động

Sản phẩm dung dịch sát khuẩn nano bạc do nhóm các giảng viên Khoa Khoa học cơ bản kết hợp với giảng viên Bộ môn Môi trường - Khoa Công trình chế tạo với thành phần bao gồm: Nano bạc, cồn 700, nước tinh khiết, glycerin và tinh dầu quế tạo mùi thơm.

Nghiên cứu điều chế dung dịch sát khuẩn nano bạc trong phòng thí nghiệm

Kiểm tra sản phẩm nước rửa tay sát khuẩn trước khi đưa vào sử dụng

Chia sẻ về sản phẩm, TS. Trần Quốc Tuấn - Trưởng khoa Khoa học cơ bản cho biết: “Sản phẩm được chế tạo dựa theo khuyến nghị của Bộ Y tế về giữ gìn vệ sinh cá nhân để ngăn chặn lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Thành phần và tỷ lệ điều chế của các chất đtược nhóm nghiên cứu tham khảo theo công thức của Tổ chức Y tế thế giới - WHO. Đặc biệt, thành phần chính của dung dịch là nano bạc có hoạt tính kháng khuẩn hiệu quả, được xem là giải pháp tiềm năng cho nhiều vấn đề về nhiễm khuẩn sinh học, bao gồm cả vi khuẩn đề kháng kháng sinh. Việc đưa nano bạc vào thành phần sản phẩm sẽ cho phép tăng khả năng diệt khuẩn của sản phẩm, các hoạt chất còn lại trong thành phần của sản phẩm đều thân thiện với môi trường”.

Các sản phẩm hữu ích do giảng viên và sinh viên nhà trường chế tạo không chỉ là giải pháp giúp bảo vệ sức khỏe cho tập thể cán bộ, giảng viên, người lao động và khách đến làm việc tại trường, mà còn góp phần không nhỏ vào nâng cao hiệu quả việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.