Từ ngày 27/5 đến ngày 31/5/2019, Đoàn công tác Trường Đại học Công nghệ GTVT do PGS.TS Vũ Ngọc Khiêm, Phó Hiệu trưởng làm trưởng đoàn đã có chuyến công tác tại Nhật Bản.
Làm việc với Công ty Highway Engineering Tokyo (HET- NEXCO Central), hai bên đã thảo luận và ký biên bản hợp tác về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, tiếp nhận giảng viên của Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn tại Nhật Bản.
PGS. TS. Vũ Ngọc Khiêm, Phó Hiệu trưởng Nhà trường và Ông Shuichi MURAKAMI, Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Highway Engineering Tokyo (NEXCO Central cùng ký thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông.
Theo đó, phía công ty cam kết cứ mỗi 2 năm sẽ đài thọ cho 2 giảng viên của Nhà trường sang học tập bồi dưỡng ngắn hạn tại Nhật Bản. Cũng với chu kỳ 2 năm một lần, Nhà trường sẽ cùng với Công ty HET kết hợp tổ chức Hội thảo quốc tế tại Việt Nam nhằm học tập, trao đổi kinh nghiệm về các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm. Ngoài ra, nhà trường cũng đã cam kết phối hợp chuyển giao các sản phẩm công nghệ cao của Công ty vào Việt Nam.
PGS. TS. Vũ Ngọc Khiêm, Phó Hiệu trưởng Nhà trường trao đổi với các chuyên gia về kiểm định chất lượng công trình của Công ty Highway Engineering Tokyo
Tiếp đó, Đoàn đã tham dự Hội thảo chia sẻ cơ hội hợp tác đào tạo và tuyển dụng nhân lực giữa Việt Nam và Nhật Bản do Công ty Cổ phần UPRise chủ trì tổ chức. Trong Hội thảo này, Đoàn đã lắng nghe tham luận của luật sư Masatoshi TAKAHASHI, người từng có kinh nghiệm nghiên cứu tại trường Đại học Tokyo trình bày về hành lang pháp lý của Nhật Bản trong việc sử dụng nguồn lao động nhập cư. Đoàn cũng đã lắng nghe phần trình bày và buổi tọa đàm do Ông Katsuhide IWAHORI, tổng giám đốc Công ty Cổ phần UPRise, chủ trì.
Tại Hội thảo, Đoàn công tác cũng đã kết hợp trao đổi thông tin với một số công ty, tập đoàn Nhật Bản có nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao từ Việt Nam. Theo đó, Trường Đại học Công nghệ GTVT tạo điều kiện thuận lợi để tháng 10/2019 một số doanh nghiệp tập đoàn Nhật Bản tuyển dụng sinh viên của Nhà trường sang thực tập nghiệp vụ logistics, kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật xây dựng… là những ngành đào tạo thế mạnh của Nhà trường và tiến tới gửi sinh viên tốt nghiệp làm việc lâu dài tại các doanh nghiệp Nhật Bản. Trường Đại học Công nghệ GTVT và các bên cũng thỏa thuận xây dựng chương trình phối hợp đào tạo nguồn nhân lực tốt nghiệp từ Trường để làm việc diện kỹ sư tại Nhật Bản. Đồng thời, các doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nhân lực sau khi làm việc tại Nhật Bản có thể về nước hoạt động trong các doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh tại Việt Nam, hoặc thành lập các văn phòng đại diện của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
Đoàn công tác Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải chụp ảnh lưu niệm với các diễn giả tại hội thảo
Đoàn cũng đã thăm quan, tiếp xúc và nghe báo cáo của các công ty, tập đoàn, doanh nghiệp của tỉnh Aichi đang sử dụng nhân lực là các sinh viên, cựu sinh viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải. Qua đó, Nhà trường nhận thấy rằng các doanh nghiệp Nhật Bản nói chung và tỉnh Aichi nói riêng đang có nhu cầu về nguồn nhân lực rất lớn, đặc biệt là các khối ngành kỹ thuật mà Nhà trường đang đào tạo. Các sinh viên đã tốt nghiệp từ Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải cũng đã được các doanh nghiệp, tập đoàn Nhật Bản đánh giá cao về mặt chuyên môn cũng như thái độ, ý thức làm việc.
Tiếp đó, Đoàn công tác đã dành thời gian tham quan, tìm hiểu mô hình tàu siêu tốc Maglev đang được sản xuất và chạy thử nghiệm giới hạn tại Nhật Bản. Đây là công nghệ tàu cao tốc hiện đại bậc nhất trên thế giới, sử dụng công nghệ đệm từ trường để di chuyển với tốc độ lên tới 600 km/h. Maglev được xem là tương lai của ngành đường sắt thế giới bởi khả năng vận hành ưu việt, tốc độ cao và ít gây tiếng ồn. Khác với những phương tiện dùng bánh truyền thống, năng lượng bị tiêu hao bởi lực ma sát khiến nó không thể chạy nhanh. Maglev giải quyết được vấn đề này nhờ tạo nên những đệm từ trường khiến con tàu lơ lửng. Mặc dù vậy, Maglev vẫn ở giai đoạn thử nghiệm bởi giá thành xây dựng cao hơn nhiều so với tàu truyền thống, bù lại chi phí bảo trì thấp hơn tàu điện thông thường.
PGS. TS. Vũ Ngọc Khiêm, Phó Hiệu trưởng nhà trường thị sát và trải nghiệm mô hình tàu siêu tốc Maglev tại Nagoya, Nhật Bản
Chuyến công tác tại Nhật Bản của Trường Đại học Công nghệ GTVT đã thu được các kết quả tốt đẹp, đáp ứng mục tiêu ban đầu đề ra. Những kết quả này là cơ sở để Nhà trường nâng cao trình độ cán bộ giảng viên, sinh viên thông qua các chương trình hợp tác; tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, từ đó nâng cao vị thế, uy tín của Nhà trường và phù hợp với chiến lược phát triển của Nhà trường đến năm 2020 và tầm nhìn tới năm 2030.