Năm 2017, Trường ta đã cơ bản hoàn thành 10 nhiệm vụ trọng tâm đề ra, trong đó có một số chỉ tiêu vượt mức kế hoạch. Có được kết quả đó là nhờ sự quan tâm chỉ đạo, ủng hộ giúp đỡ của các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương nơi trường đặt trụ sở; sự đồng lòng, đoàn kết nhất trí của tập thể sư phạm Nhà trường, đặc biệt là sự nỗ lực cố gắng phấn đấu vươn lên trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, học tập của cán bộ giảng viên, sinh viên trong Trường, trong đó có rất nhiều tấm gương sáng là các thầy giáo, cô giáo và các em sinh viên đã góp phần vào thành tích chung của Nhà trường. Nhân dịp đầu năm mới 2018, cùng utt.edu.vn điểm lại 5 gương mặt tiêu biểu trong số các UTTers tiêu biểu đã được tôn vinh và được các phương tiện truyền thông đưa tin trong năm qua để đánh dấu khởi đầu của một năm mới hứa hẹn nhiều thành công mới.
Người “truyền lửa” cho những đam mê khoa học
(tapchigiaothong.vn) PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Thủy - nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên Trường Đại học Công nghệ GTVT vừa được vinh danh là một trong 10 Công dân Thủ đô tiêu biểu năm 2017. PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Thủy được biết đến với những cống hiến trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu sơn, góp phần nâng cao tuổi thọ những cây cầu, con đường. Đã đến tuổi được nghỉ ngơi nhưng đam mê trong cô vẫn bỏng cháy, hàng ngày cô vẫn như “con tằm” tiếp tục “nhả tơ” quấn những kén vàng, bồi đắp kiến thức cho thế hệ trẻ bước vào kỷ nguyên của khoa học công nghệ. Đến nay, PGS đã tạo dựng, thúc đẩy được hai nhóm nghiên cứu trong trường và cả hai nhóm đều ra được sản phẩm phục vụ ngành GTVT với sản phẩm là đưa nano vào nhựa đường, nâng cao hiệu quả trong công tác chống hằn lún vệt bánh xe và phát triển thêm về sơn chống ăn mòn, dự kiến sẽ đưa vào thí điểm sơn toa xe đường sắt.
Ngoài nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đào tạo các giáo viên trẻ, PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Thủy còn giảng dạy và đào tạo các em sinh viên của trường. Đối với cô, mỗi buổi lên lớp là một niềm vui. Cô Thủy chia sẻ, đào tạo là một con đường đưa đến và đóng góp cho xã hội những kiến thức mà mình tích lũy được. Trong mỗi giờ lên lớp, cô luôn chia sẻ những câu chuyện thực tế, truyền lại cho các em sinh viên những kinh nghiệm mình đúc kết được trong quá trình nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy, các bạn sinh viên rất thích những bài giảng của cô. Đặc biệt, mỗi giờ lên lớp, cô đều truyền cho các em sinh viên lòng yêu nghề, niềm đam mê và cảm hứng trong mỗi công thức, bài toán được học. Cô luôn lấy học sinh làm trọng tâm, tìm tòi những phương pháp truyền tải kiến thức mới, hấp dẫn, sáng tạo cho các em sinh viên để đạt kết quả cao nhất.
Với thành tích chủ trì 32 đề tài, tham gia 59 công trình nghiên cứu ở trong và ngoài nước, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy đã vinh dự được vinh danh là một trong 8 “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2016”; được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xét trao giải thưởng “Phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước” năm 2017; được Thành Phố Hà Nội vinh danh là 10 Công dân Thủ đô tiêu biểu năm 2017. Năm 2013, PGS được nhận giải thưởng Kovalepxkaia và giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Vifotech.
Giờ học thực hành do PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Thủy hướng dẫn
Tiến sĩ trẻ bỏ lương 54.000 Euro/năm về Việt Nam dạy học
(Dantri.vn) Nhận được lời mời công việc từ Viện năng lượng nguyên tử Pháp (CEA) với mức lương 54.000 Euro/năm nhưng Tiến sĩ Lê Nguyên Khương (sinh năm 1985) chọn trở về nước và theo đuổi nghề giáo.
Trong 8 năm học tập và sinh sống tại Pháp, ngoài tấm bằng Kỹ sư trường Cầu Đường Paris và bằng tiến sĩ Viện Khoa học Ứng dụng Quốc gia Pháp tại Lyon, anh còn tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm thực tế với 3 năm làm việc tại Tổng công ty Đường Sắt Pháp SNCF và Tập đoàn Xây dựng EGIS, cùng 8 bài báo đăng trên các tạp chí, hội nghị Khoa học uy tín quốc tế. Trong quá trình làm NCS, TS Khương đã phát triển thành công phần mềm KM-Editor - hỗ trợ lập trình mô phỏng và tính toán tự động hóa với phần mềm mã nguồn mở CAST3M (phần mềm của Viện nghiên cứu năng lượng nguyên tử Pháp CEA).
Sau khi hoàn thành luận án Tiến sĩ và nghiên cứu sau tiến sĩ tại INSA de Lyon,với kết quả nghiên cứu ấn tượng cùng các ý tưởng phát triển phầm mềm KM-Editor thành phần mềm thương mại, tiến sĩ trẻ nhận được đề xuất công việc từ phía CEA với mức lương 54.000 Euros/năm (hơn 5000 USD/ 1 tháng). Song cuối cùng, anh đã có quyết định bất ngờ là từ bỏ những lời mời và công việc hấp dẫn ở châu Âu để trở về Việt Nam và công tác tại Trường Đại học Công nghệ GTVT.
Hỏi về lý do từ bỏ công việc cùng mức thu nhập hấp dẫn để về Việt Nam, TS Lê Nguyên Khương tâm sự : “Dù đi đâu thì Việt Nam vẫn là quê hương, là nơi tôi sinh ra và lớn lên, nơi có gia đình và bạn bè tôi sinh sống. Anh chia sẻ thêm: "Công tác trong một trường Đại học trực thuộc Bộ giao thông, tôi có thêm nhiều cơ hội để tiếp cận và tham gia giải quyết các vấn đề nóng của ngành. Hệ thống cảnh báo vi phạm chiều cao tĩnh không - ứng dụng trong giao thông đường thủy (LAWA-UTT) do tôi đề xuất ý tưởng và trực tiếp tham gia nghiên cứu chế tạo là một ví dụ. Đây là vấn đề Khoa học mà Cục Đường thủy nội địa đã đặt hàng với UTT trong cuộc họp đầu năm 2016 với mong muốn giảm thiểu nguy cơ va xô giữa tàu thuyền với cầu vượt sông. Hiện tại hệ thống đã được triển khai lắp đặt tại cầu Đuống, Hà Nội và cầu Đò Quan, Nam Định". Giải pháp này đã đạt giải Nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc năm 2017.
Được đứng trước các bạn sinh viên trẻ, truyền kiến thức và kinh nghiệm sống cho các em là niềm vui của tiến sĩ 8X. Ngoài thời gian lên lớp và thời gian thực hiện các dự án Nghiên cứu Khoa học, anh còn tham gia hỗ trợ nhà trường trong công tác hợp tác quốc tế và mở các chương trình đào tạo liên kết với Pháp.
TS Lê Nguyên Khương tham dự hội Thảo CompDyn tại Hy Lạp 2013.
Chinh phục những ý tưởng mới
(tuoitrethudo.vn) Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương- Bộ môn Cầu hầm- Khoa công trình một trong 10 cá nhân xuất sắc nhận giải thưởng “Phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước” năm 2017. Đây là giải thưởng cao quý tôn vinh người phụ nữ Việt Nam có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội.
Với thành tích học tập xuất sắc nên sau khi tốt nghiệp đại học, cô nhận được học bổng dành cho sinh viên quốc tế của trường Đại học Sư phạm Cachan – Pháp với ngành Xây dựng công trình. Sau 10 tháng học tập, với bằng thạc sỹ loại ưu, cô về nước và làm giảng viên tại trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải. Mặc dù có rất nhiều cơ hội để xin học bổng để tiếp tục học tập tại Pháp hoặc các nước nói tiếng Pháp khác, nhưng chị đã quyết định ở lại làm tiến sỹ ở Việt Nam. Càng nghiên cứu khoa học, Phương càng đam mê, vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách để theo đuổi các công trình nghiên cứu khoa học. “Nghiên cứu khoa học là một công việc đòi hỏi rất nhiều thời gian cũng như niềm đam mê, không phải một sớm một chiều có thể ra được ý tưởng mới hoặc giải quyết được một vấn đề phức tạp. Không như nam giới, người phụ nữ phải mang trên vai thiên sứ của một người mẹ nên làm tròn công việc tại cơ quan và công việc gia đình là một điều khó khăn, nhất là khi con còn nhỏ” – Phương chia sẻ.
Hiện, TS Phương đã công bố 35 bài báo khoa học và tham gia các đề tài thuộc Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted) đã được nghiệm thu. Trong đó có 2 bài đăng trên tạp chí quốc tế ISI. Hai công trình này được chị thực hiện trong thời gian làm luận án Tiến sĩ. Đến nay cả hai công trình này nhận được số lượt trích dẫn khá lớn, đặc biệt là một công trình đăng trên tạp chí International Journal of Mechanical Sciences, trong 1 năm đầu liên tục thuộc vào danh sách 25 bài được download nhiều nhất của tạp chí. Đặc biệt hai công trình này được rất nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế tiếp tục sử dụng để nghiên cứu và cải tiến trong các công trình tiếp theo. Ngoài ra một số công bố trong nước của Phương cũng có lượng trích dẫn lớn. Điển hình là công trình về “Ổn định phi tuyến của vỏ thoải hai độ cong FGM có gân gia cường” trên tạp chí Vietnam Journal of Mechanics. Tuy là một công trình công bố trên một tạp chí trong nước nhưng đây là công trình mở ra một ý tưởng mới để rất nhiều tác giả. Tính đến nay bài báo này đã nhận được 44 trích dẫn đa phần trên các tạp chí khoa học quốc tế ISI (theo thống kê của Google Scholar). Những thành quả gặt hái được trong nghiên cứu khoa học đều được nữ tiến sĩ trẻ truyền tải đến các thế hệ sinh viên. Theo Phương, để không bị tụt hậu so với công nghệ của thế giới, chúng ta phải cố gắng tiếp thu, cải tiến và cao hơn là phát minh ra công nghệ. Mà nền tảng của công nghệ đều dựa trên những kiến thức khoa học chuyên sâu. Chị muốn sinh viên hiểu được điều đó để chủ động hội nhập quốc tế.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương trên đất Pháp
Nữ sinh được chọn trao "tiêu biểu nhất trong lĩnh vực kỹ thuật"
(Vietnamnet.vn). Liên tục đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học và hoạt động Đoàn, Hội sinh viên, Khuất Thị Ngọc Ánh (sinh viên năm cuối khoa Công nghệ thông tin) được tuyên dương Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực kỹ thuật năm 2017. Đây là giải thưởng do TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức lựa chọn và trao cho 20 nữ sinh xuất sắc ở ngành học kỹ thuật trên cả nước trong 4 lĩnh vực: Công nghệ thông tin, Điện, Điện tử và Cơ khí- là những ngành học mà sinh viên nữ còn hạn chế.
Xuất phát từ một gia đình làm nông nghiệp ngoại thành Hà Nội, cũng chẳng sành về công nghệ, nhưng bố Ánh vẫn định hướng cho con học công nghệ thông tin và động viên em đây là ngành học có thể phát triển trong tương lai. Niềm tin từ bố như tiếp thêm động lực cho Ánh suốt 4 năm đại học với những kết quả mà theo em có thể tạm hài lòng đến thời điểm hiện tại. Theo học ngành kỹ thuật nhưng cô bạn chuyên ngành Hệ thống thông tin tỏ ra không hề kém cạnh các bạn nam với kết quả học tập nhiều năm liền loại xuất sắc. Ánh cũng tham gia nghiên cứu khoa học đạt giải Nhất và có nhiều giấy khen của trường và thành phố. Em còn tích cực tham gia công tác Đoàn thể của trường cũng như thành phố và hiện đang là Phó Chủ tịch Hội sinh viên và là Ủy viên BCH Đoàn trường. Em cũng vinh dự được tin tưởng và kết nạp Đảng viên từ năm 3.
Là con gái theo học ngành, trường khối kỹ thuật, mà thậm chí “ban đầu một số người còn không biết đến trường mình” nhưng không vì thế mà Ánh cảm thấy tự ti. Thay vào đó em càng nhắc mình phải luôn cố gắng. “Tên trường không quyết định việc bạn sẽ học được những gì mà sự nỗ lực học hỏi của bản thân ngoài những gì mà các giảng viên truyền đạt cũng rất quan trọng. Càng trong một ngôi trường ít tên tuổi hơn thì em càng phải quyết tâm trang bị cho mình những năng lực để có thể cạnh tranh, thuyết phục được các nhà tuyển dụng”, Ngọc Ánh tự tin.
Trước thực tế nhiều sinh viên ra trường nhưng thất nghiệp, Ánh chia sẻ em không hề lo ngại nếu mình thực sự cố gắng và chịu học hỏi. “Việc làm ngành công nghệ thông tin tuy hơi vất vả nhưng cơ hội việc làm rất lớn. Hè vừa rồi em đã ứng tuyển, vượt qua các bài kiểm tra và đã được nhận vào làm tại FPT về kiểm thử phần mềm. Sau đó để dành thời gian tập trung cho việc học hành năm cuối và công tác Đoàn của khoa nên em đã chủ động xin nghỉ. Nhưng để thấy rằng nếu sinh viên thể hiện được năng lực thì cơ hội luôn có”, Ánh nói. Trong thời đại công nghiệp 4.0 hướng tới trong tương lai khi các công việc đều tự động hóa bằng sử dụng công nghệ thông tin, Ánh cho rằng việc bản thân chọn ngành này là đúng hướng và có nhiều cơ hội cho bản thân.
Khuất Ngọc Ánh nhận bằng khen của TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Khoa học & Công nghệ
Người nước ngoài đầu tiên được "ông lớn" Nhật Bản tuyển dụng
(thanhnien.vn) Hoàng Việt Hùng, sinh viên năm cuối Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải, sẽ là người được làm việc cho “ông lớn” trong ngành đường bộ cao tốc Nhật Bản - Công ty kỹ thuật đường cao tốc miền Trung Tokyo Nhật Bản - Nexco HET.
Cuối tháng 10 vừa qua đã trở thành mốc ghi dấu một bước ngoặt trong con đường lập nghiệp của Hùng. Hôm đó, Hùng được trực tiếp gặp ông Shunji Hata, Giám đốc nhân sự Nexco HET, khi ông này từ Nhật sang Hà Nội.
Trước đó, cùng dự tuyển với nhiều ứng viên VN khác nhưng duy nhất Hùng là người được ông Hata chọn để phỏng vấn từ xa dành cho các ứng viên vào vị trí kỹ sư của Nexco HET ở Nhật. Ngay sau đó, ông Hata quyết định ký hợp đồng với Hùng, bắt đầu từ tháng 7.2018, sau khi Hùng nhận bằng tốt nghiệp ĐH, với mức lương 250.000 yen/tháng (tương đương 50 triệu đồng).
Hùng cho biết, có được may mắn ngày hôm nay này là do biết rõ mình thích gì khi đang là học sinh phổ thông, từ đó sớm có kế hoạch cụ thể để cơ hội tới là chớp lấy. Chẳng hạn, thi đỗ ĐH là Hùng đăng ký học tiếng Nhật luôn. Hùng giải thích: “Qua tìm hiểu, em được biết Nhật là một cường quốc về kỹ thuật xây dựng cầu đường, lại đang có xu hướng đầu tư mạnh vào VN”.
Nhờ có mục tiêu cụ thể, rõ ràng nên suốt những năm tháng sinh viên, Hùng dồn tâm trí cho việc học các môn chuyên môn và học tiếng Nhật, tìm hiểu văn hóa - con người Nhật. Khi tham gia phỏng vấn, Hùng được ban lãnh đạo Nexco HET đánh giá cao là bởi có mục tiêu rất cụ thể, rõ ràng.
Theo ông Shunji Hata, sự kiện một ứng viên đến từ một trường ĐH VN được tuyển dụng vào công ty rất có ý nghĩa trong hướng phát triển nhân lực. Từ trước đến nay, chính sách tuyển dụng của công ty là ưu tiên người Nhật nhưng sau khi tìm hiểu chất lượng đào tạo ngành cầu đường tại các trường ĐH VN, ông đã thuyết phục được ban lãnh đạo công ty thay đổi quan niệm.
Ông Shunji Hata trao quyết định tuyển dụng cho Hoàng Việt Hùng (trái)
utt.edu.vn