Giảng viên và sinh viên Khoa Công trình tham quan thực tế dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam
Nhằm tạo điều kiện cho cán bộ giảng viên và sinh viên nâng cao kiến thức thực tế, đồng thời có cơ hội giao lưu gặp gỡ với Tập đoàn Đèo Cả (DEOCA GROUP-DCG)- đơn vị đối tác của Nhà trường, vừa qua tập thể giảng viên và sinh viên Khoa Công trình đã có chuyến tham quan thực tế tại công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam, đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, dài 88Km, bao gồm 6 nút giao liên thông, 78 cây cầu, 83 hầm chui và 3 hầm xuyên núi, với tổng giá trị xây lắp hơn 14.700 tỷ đồng.
Điểm đến đầu tiên của đoàn là cầu Sông Vệ nối 2 huyện Mộ Đức và Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Đây là cầu lớn nhất trên tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn với chiều dài 610,5m, toàn bộ 134 cọc khoan nhồi và 105 dầm cầu đúc sẵn đã hoàn thành. Nhà thầu đã thi công được 13/16 bệ móng mố trụ, hoàn thiện 12/14 thân mố trụ cầu, 5 nhịp cầu với 35 phiến dầm đã được lắp đặt đúng vị trí bằng cần cẩu kết hợp với dàn lao dầm, đang chờ đổ dầm ngang hoàn thiện. Công tác an toàn và chất lượng công trình luôn được đặt lên hàng đầu. Biện pháp đảm bảo chất lượng và tiến độ được quản lý chặt chẽ, thông qua các chỉ dẫn công nghệ chi tiết và thái độ làm việc nghiêm túc, khoa học của tập thể kỹ sư và công nhân của nhà thầu.
Giảng viên và sinh viên Khoa Công trình UTT tham quan thực tế tại công trình cầu Sông Vệ
Điểm đến tiếp theo của đoàn là công trình Hầm số 1, tại Km48 của tuyến. Hầm dài 610m, bán kính 15m. Với công nghệ thi công hầm tiên tiến NATM kết hợp với các giải pháp công nghệ thi công khoa học, hầm đã được đào thông ngày 23/12/2023, vượt tiến độ hơn 2 tháng so với kế hoạch.
Đoàn tham quan tại Hầm số 1
Hầm số 2, tại Km57 cũng đã được đào thông vượt tiến độ gần 1 tháng. Hầm số 3, tại Km60, với chiều dài 3200m, đây là hầm xuyên núi lớn nhất trên tuyến cao tốc Bắc – Nam được xây mới, hiện nay ống hầm trái đạt hơn 450/3.200m, ống hầm phải đạt hơn 500/3.200m.
Khung cảnh làm việc tại Hầm số 3
Ông Nguyễn Quang Huy - Phó Tổng Giám đốc DCG, người trực tiếp quản lý điều hành thi công cho biết, DCG đã áp dụng linh hoạt các giải pháp thi công, đồng thời áp dụng sáng kiến cải tiến phương pháp đào hầm NATM kết hợp với kinh nghiệm thi công hầm mang thương hiệu “Đèo Cả”. Hợp đồng ký kết với chủ đầu tư, hầm số 3 sẽ thông sau 42 tháng thi công. Tuy nhiên, nhà thầu đề ra quyết tâm cao, nỗ lực thi công để thông hầm số 3 sớm hơn kế hoạch. Việc đúc rút kinh nghiệm qua nhiều lần thi công các dự án hầm xuyên núi, làm chủ công nghệ, nghiên cứu cải tiến phương pháp thi công hầm, phân mảnh đào, tăng mũi đào và bước đào, rút ngắn chu kỳ đào một gương hầm, tận dụng đường xuyên hầm làm đường công vụ, rút ngắn thời gian vận chuyển, điều phối vật liệu hợp lý, thái độ làm việc chuyên nghiệp và khoa học là những nhân tố chính đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.
Ấn tượng hơn cả là khu Liên cơ - một hệ thống phức hợp điều hành, quản lý chất lượng, giám sát kỹ thuật số hiện đại và chi tiết. Hệ thống phòng làm việc, phòng chức năng, nơi ăn chốn ở, sân tập thể thao, phòng y tế, … của công nhân cực kỳ chuyên nghiệp, ngăn nắp và sạch sẽ. Việc chăm sóc sức khỏe người lao động rất chu đáo, hệ thống lương, thưởng đúng hạn, đúng cam kết. Phó Chủ tịch HĐQT DCG Nguyễn Tấn Đông, người trực tiếp quản lý và điều hành dự án, cho biết: “Chúng tôi là một gia đình, văn hóa Đèo Cả”.
Đoàn cán bộ giảng viên và sinh viên Khoa Công trình chụp hình lưu niệm với đại diện lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả
Chuyến tham quan thực tế của đoàn đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác sâu rộng và bền chặt giữa hai đơn vị, đồng thời góp phần tích lũy kinh nghiệm thực tiễn trong công tác dạy và học cho cán bộ giảng viên, sinh viên UTT. Những câu chuyện sinh hoạt chuyên môn, những sáng kiến cải tiến thi công, lao động sản xuất, những thuận lợi, khó khăn và thách thức được đối tác chia sẻ hết sức cởi mở. Phó Chủ tịch HĐQT DCG Nguyễn Tấn Đông, kết luận: “Từ suy nghĩ đến hành động, chúng tôi thấm nhuần thuyết Tam định luật: Định tâm – Định hướng – Định lượng”.
Khoa Công trình – Trường Đại học Công nghệ GTVT