Vai trò của giảng viên trong việc hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học

Môi trường đại học là một môi trường đào tạo linh hoạt giúp sinh viên có thể tiếp cận nhiều kiến thức thông qua các hình thức và phương pháp vô cùng đa dạng. Đặc biệt trong hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH), được xem là nơi để sinh viên thỏa sức sáng tạo, được tự do khám phá và thử nghiệm những ý tưởng mới. Tuy nhiên, NCKH là một quá trình đòi hỏi rất nhiều yếu tố, điều kiện, sinh viên sẽ gặp nhiều khó khăn nếu như không có sự định hướng, hỗ trợ của đội ngũ giảng viên. Vậy vai trò của giảng viên trong việc hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học là gì?

1. Giảng viên định hướng nghiên cứu cho sinh viên ngay trên giảng đường

Thông qua việc sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, đội ngũ giảng viên định hướng cho sinh viên nghiên cứu khoa học ngay trong quá trình giảng dạy kiến thức đại cương và chuyên ngành. Việc định hướng này bao gồm việc chia sẻ các dự án nghiên cứu đang thực hiện, các câu hỏi nghiên cứu và cách thức thực hiện dự án. Điều này giúp sinh viên hiểu rõ hơn về lĩnh vực nghiên cứu của mình và cách thức tiếp cận các vấn đề chuyên môn, từ đó nhận thấy được khả năng của bản thân để tiện tham gia cùng hoặc phát triển dự án nghiên cứu riêng của các em.

Giảng viên hướng dẫn cách thức tiếp cận nguồn thông tin, tài liệu ở thư viện, internet; giao và hướng dẫn sinh viên thực hiện các bài tập có tính chất nghiên cứu; tổ chức các hội thảo, hội nghị, diễn đàn để các em tham gia báo cáo tham luận, trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến ... Các hoạt động này đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành môi trường nghiên cứu, trao đổi chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm cho bản thân trên con đường học tập và nghiên cứu. Định hướng giúp người học đi đúng đường ray đã hoạch định sẵn.

Giảng viên UTT trong buổi chia sẻ kiến thức về ngành cho sinh viên tại Hội trường lớn

2. Giảng viên đóng vai trò gợi mở tri thức trong quá trình nghiên cứu của sinh viên

Giảng viên đóng vai trò quan trọng trong việc gợi mở tri thức không giới hạn trong quá trình học tập và nghiên cứu của sinh viên. Bằng cách tạo ra một môi trường học thuật sáng tạo, giảng viên không chỉ là người hướng dẫn mà còn là người truyền cảm hứng, khuyến khích sinh viên tìm kiếm và khám phá những vấn đề mới. Họ khuyến khích sự sáng tạo và tư duy phản biện, giúp sinh viên mở rộng tầm nhìn và tiếp cận các khía cạnh mới trong lĩnh vực nghiên cứu của mình. Việc gợi mở chấm dứt sự chây lười, tính ì, trì trệ của sinh viên trước những mảng kiến thức mới. Sự gợi mở của giảng viên trong quá trình sinh viên tự học giúp sinh viên tìm hiểu kiến thức đúng định hướng của giảng viên, đúng bản chất của nội dung cần học trong một môn học hoặc một bài học.

3. Giảng viên hỗ trợ trong việc lập kế hoạch nghiên cứu

Lập kế hoạch nghiên cứu là một quá trình quan trọng để đảm bảm rằng nghiên cứu được thực hiện một cách có hệ thống và đạt được kết quả mong muốn. Quá trình này bao gồm các bước cơ bản như: xác định vấn đề nghiên cứu, mục tiêu nghiên cứu, nghiên cứu tài liệu, chọn phương pháp nghiên cứu, thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu, đánh giá các nguồn lực cần thiết về tài chính, nhân lực…

Việc hỗ trợ kịp thời của giảng viên là giải pháp tối ưu và hiệu quả nhất mỗi khi sinh viên thất bại hoặc không tìm ra đáp án trong quá trình nghiên cứu.

4. Đánh giá, nhận xét, phản hồi thông tin

Trong quá trình thực hiện, giảng viên sẽ theo sát, đồng hành cùng các em, việc đánh giá khách quan, công bằng và kịp thời nhằm chỉ ra những điểm mạnh và điểm yếu của nghiên cứu để các em chỉnh sửa, hoàn thiện nội dung nghiên cứu.

5. Động viên và hỗ trợ tinh thần 

Trong quá trình tham gia hoạt động NCKH, có đôi lúc các em sẽ gặp phải những khó khăn, muốn chùn bước, lúc đó giảng viên sẽ là những người thấu hiểu và sẻ chia, động viên để các em tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình.

Bằng sự tận tâm, tận tụy và nhiệt huyết với nghề, giảng viên không chỉ là người trao truyền những kiến thức cho sinh viên mà còn là người dẫn dắt, truyền cảm hứng và khích lệ, giúp sinh viên vượt qua mọi thách thức và đạt được những thành tựu to lớn trong thế giới nghiên cứu khoa học.