Trường ĐH Công nghệ GTVT tổ chức toạ đàm về Công nghệ đường bộ cao tốc năm 2024

Sáng ngày 11/12, Trường Đại học Công nghệ GTVT phối hợp cùng Công ty đường cao tốc miền Trung Nhật Bản tổ chức tọa đàm về “Công nghệ đường bộ cao tốc năm 2024”.

Chương trình là diễn đàn để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, quản lý, bảo trì hệ thống giao thông và thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan.

Dự chương trình, về phía đại biểu khách mời có TS. Bùi Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Viện chuyên ngành Đường bộ, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT; ông Tô Quốc Hải, ông Lê Thời Hữu - Phụ trách phát triển kinh doanh Công ty Freyssinet Việt Nam. Về phía Công ty Đường bộ cao tốc miền Trung Nhật Bản có ông Ryo Sato, Trưởng phòng Nhân sự; bà Ryo Sato – Human Resources Chief – Phòng phát triển Nhân sự, cùng các diễn giả khách mời quốc tế đến dự.

Về phía Nhà trường có TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Hiệu trưởng; TS. Trần Ngọc Hưng, Trưởng Khoa Công trình; TS. Ngô Thị Thanh Hương – Trưởng Phòng KHCN&HTQT; đại diện lãnh đạo Khoa Công trình, Viện Công nghệ GTVT, các GS, PGS, TS, các chuyên gia, nhà khoa học cùng các giảng viên và sinh viên Khoa Công trình quan tâm đến dự.

Chương trình thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế đến dự

Theo TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng, trong nhiều năm qua, Nhà trường đã thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế, trong đó có Công ty Kỹ thuật Đường bộ Cao tốc Miền Trung, Tokyo, Nhật Bản. Trong hơn 10 năm qua, hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều hội thảo khoa học chung, đồng thời tạo điều kiện để hàng chục cán bộ, giảng viên được tham quan và học hỏi kinh nghiệm từ các công trình đường cao tốc tại Nhật Bản.

Hy vọng, diễn đàn hợp tác này sẽ là nơi để các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp của hai nước giao lưu học thuật, chia sẻ kinh nghiệm, từ đó rút ra những bài học hữu ích cho công tác xây dựng, quản lý và bảo trì đường bộ cao tốc tại Việt Nam. Đồng thời, Trường Đại học Công nghệ GTVT mong muốn đóng vai trò cầu nối, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác với các đối tác Nhật Bản, đặc biệt là với các đơn vị uy tín trong lĩnh vực xây dựng và quản lý đường cao tốc tại quốc gia này.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại buổi tọa đàm

Đại diện lãnh đạo Nhà trường và ban tổ chức tặng hoa cho các diễn giả

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung giới thiệu các giải pháp công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả trong xây dựng, quản lý và bảo trì hạ tầng giao thông. Nổi bật trong đó là công nghệ Robot kiểm tra cầu dây văng, giúp tự động hóa quy trình kiểm tra các kết cấu cầu phức tạp, nâng cao độ chính xác và giảm thiểu rủi ro; phương pháp phân tích kết cấu đất bằng dữ liệu vệ tinh, một phương pháp giám sát và đánh giá địa chất từ xa hiệu quả; và sáng kiến lựa chọn vị trí ưu tiên sửa chữa mặt đường, ứng dụng dữ liệu thực địa và thuật toán để tối ưu hóa nguồn lực bảo trì. Đồng thời, các nhà diễn giả cũng giới thiệu giải pháp cải thiện chất lượng dính bám đá và nhựa đường, áp dụng thành công trong dự án cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo và hỗn hợp bê tông nhựa có độ bền cao, giúp gia tăng tuổi thọ mặt đường trong điều kiện tải trọng và mật độ giao thông ngày càng cao.

Ngoài ra, các báo cáo còn tập trung vào sửa chữa cầu bằng vật liệu CFRP, một giải pháp phục hồi kết cấu nhẹ và bền; hệ thống kiểm tra công trình xây dựng tiên tiến, ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả giám sát; và nghiên cứu ứng dụng bê tông cốt sợi dệt (TRC), giải pháp gia cố kết cấu bê tông cốt thép, phù hợp với các công trình tại Việt Nam. Những nội dung này không chỉ giới thiệu các giải pháp công nghệ tiên tiến trên thế giới mà còn mở ra cơ hội ứng dụng thực tiễn trong các dự án giao thông tại Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành GTVT trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ báo cáo, tham luận tại buổi tọa đàm

Đại diện lãnh đạo Nhà trường chụp hình lưu niệm cùng các đại biểu tham dự tọa đàm

Trong khuôn khổ chương trình, buổi chiều cùng ngày, các đại biểu tham dự tọa đàm đã có buổi tham quan tại Gói thầu 09/TP2-XL, Dự án xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận thành phố Hà Nội thuộc Dự án đầu tư xây dựng vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Đây là một dự án trọng điểm quốc gia có quy mô chiều dài hơn 112km đi qua địa bàn của 3 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Mục tiêu dự án là phát triển hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối vùng, giảm tải giao thông, và thúc đẩy phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ. Với tổng vốn đầu tư lớn, dự án kỳ vọng tạo động lực kinh tế - xã hội cho miền Bắc và hiện đại hóa hệ thống giao thông quốc gia.

Chuyến đi nhằm tạo điều kiện để các chuyên gia, nhà khoa học của Nhà trường, Công ty Đường bộ cao tốc miền Trung Nhật Bản và nhà thầu cùng chia sẻ, thảo luận về quy trình, công nghệ thi công cụ thể của gói thầu như xây dựng nền, mặt đường và xử lý đất yếu và một số vấn đề phát sinh trong thực tế quản lý dự án và thi công công trình. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu tại Nhà trường trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông, đồng thời thúc đẩy các dự án nghiên cứu ứng dụng thực tế và tăng cường năng lực quản lý dự án phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.

Các chuyên gia, nhà khoa học tham quan thực tế Gói thầu 09/TP2-XL, Dự án xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận thành phố Hà Nội thuộc Dự án đầu tư xây dựng vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Trường Đại học Công nghệ GTVT