Toạ đàm quốc tế chia sẻ về Công nghệ đường bộ cao tốc 2023

Sáng 13/12, Trường Đại học Công nghệ GTVT phối hợp với Công ty Kỹ thuật Đường bộ cao tốc miền Trung (Tokyo Nhật Bản) tổ chức Tọa đàm quốc tế Công nghệ đường bộ cao tốc 2023 nhằm mục đích trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về kiểm soát chất lượng thi công, quản lý vận hành khai thác, bảo trì hệ thống đường cao tốc.

Tham dự chương trình, về phía Công ty Đường bộ cao tốc miền Trung (Tokyo Nhật Bản) có ông Hideaki Motohashi – Giám đốc nhân sự; ông Ryo Sato, Trưởng phòng Nhân sự.

Về phía Tập đoàn Đèo Cả có ông Trần Chủng – Phó chủ tịch Hội đồng cố vấn; ông Mai Mạnh Hồng – Trợ lý Chủ tịch Hội đồng quản trị; ông Lê Châu Thắng – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và khai thác đường cao tốc Đèo Cả, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trong Tập đoàn.

Về phía đại biểu khách mời có ông Phạm Văn Duân, Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng CTGT, TP. Hà Nội.

Về phía Nhà trường có TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Văn Lâm – Phó Hiệu trưởng cùng đại diện lãnh đạo các Khoa, Phòng, Viện, Trung Tâm trong Trường và các em sinh viên quan tâm đến dự.

Tham dự chương trình còn có đại diện các cơ quan đơn vị, lãnh đạo các ban quản lý, trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp của Việt Nam và quốc tế, các nhà tài trợ, các cơ quan thông tấn báo chí và đặc biệt có sự tham dự các học giả, nhà khoa trên thế giới.

Chương trình tọa đàm thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học tham dự

Phát biểu tại chương trình, TS. Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay trong chiến lược phát triển ngành GTVT của quốc gia thì việc phát triển đường bộ cao tốc được ưu tiên trước hết. Mục tiêu đến năm 2025 nước ta có khoảng 3000 km đường bộ cao tốc, đến năm 2030 có khoảng 5000 km đường bộ cao tốc, điều này đặt ra nhiều thách thức về vấn đề kiểm soát chất lượng công trình trong khâu vật liệu, khảo sát, thiết kế, thi công, cũng như công tác quản lý vận hành khai thác, bảo trì hệ thống đường bộ cao tốc của nước ta hiện nay.

Với vai trò là trung tâm đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, trong những năm qua Trường Đại học Công nghệ GTVT tăng cường đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, trong đó có sự hợp tác chặt chẽ với Công ty kỹ thuật đường bộ cao tốc miền Trung, Tokyo Nhật Bản. Trong gần 10 năm qua, hai bên đã thường xuyên tổ chức các hoạt động hội thảo khoa học chung, đã có hàng chục cán bộ, giảng viên của Trường được sang tham quan, học tập tại các công trình đường cao tốc của Nhật Bản.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ GTVT phát biểu tại chương trình

Tại buổi Tọa đàm, các ý kiến tham luận của các vị khách mời và nhà diễn giả đã tập trung đi sâu đánh giá và phân tích các vấn đề chính như: Kiểm tra giảm sát đường cao tốc tại Nhật Bản; Ứng phó khẩn cấp Sạt lở mái dốc trong đánh giá thiên tai; phương pháp khảo sát bảo trì và quản lý cầu đường cao tốc; Nghiên cứu thực nghiệm và mô phỏng các chỉ tiêu cơ lý của bê tông nhựa sử dụng phụ gia nano graphen oxit; Các sáng kiến nâng cấp công tác sửa chữa nâng cấp phòng chống thiên tai trong đường hầm; Ứng dụng giải pháp Mobile Lidar trong khảo sát, đánh giá tình trạng bề mặt đường đường cao tốc...

Các vị diễn giả, nhà khoa học trình bày báo cáo tham luận tại buổi Tọa đàm

Sau phần trình bày, dưới sự chủ trì của TS. Ngô Thị Thanh Hương – Trưởng phòng KHCN&HTQT, các đại biểu đã đưa ra rất nhiều ý kiến đóng góp, phản biện sôi nổi, làm sáng tỏ thêm những nội dung đã trình bày trong các báo cáo tham luận.

TS. Ngô Thị Thanh Hương – Trưởng phòng KHCN&HTQT chủ trì phần thảo luận

Tòa đàm cũng xoay quanh những vấn đề về kinh nghiệm trong công tác phòng và chữa cháy đường hầm ở Nhật Bản; so sánh độ bền theo thời gian và phương pháp kiểm định, bảo trì công trình đường bộ, cầu, hầm ở Việt Nam và Nhật Bản...

Các đại biểu trao đổi và đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận

Hy vọng rằng thông qua Tọa đàm sẽ tạo ra một diễn đàn để các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các chuyên gia nhà khoa học, các doanh nghiệp của hai nước giao lưu trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm của Nhật Bản để từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho xây dựng và quản lý khai thác bảo trì đường bộ cao tốc ở Việt Nam. 

Các đại biểu tham dự chụp hình lưu niệm tại buổi Tọa đàm

Chiều cùng ngày, đoàn đại biểu Công ty Đường bộ cao tốc miền Trung (Tokyo Nhật Bản); các chuyên gia, nhà khoa học trường Đại học Công nghệ GTVT và Tập đoàn Đèo cả đã có chương trình tham quan, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm thực tế tại công trường thi công đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội. Đây là dự án trọng điểm của quốc gia, không chỉ giúp cải thiện hạ tầng giao thông mà còn là vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. 

Tại chương trình, các đại biểu đi dọc tuyến từ Km26+100 đến Km 29+100 đường Vành đai 4 để tham quan công trường thi công cọc xi măng đất CĐM; thi công cầu Đan Hoài; thi công các hạng mục nền đường; tham gia Hội thảo, báo cáo, chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ đường cao tốc ở Việt Nam tại Ban điều hành Gói thầu số 09/TP2-XL.

Đoàn đại biểu tham quan thực tế tại dự án xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội

 

Báo chí đưa tin về chương trình Toạ đàm:

Trường Đại học Công nghệ GTVT