Tọa đàm Chuyển dịch trong giao thông: Xu hướng và Chiến lược
Sáng ngày 10/12, tại Trường Đại học Công nghệ GTVT đã diễn ra buổi tọa đàm Chuyển dịch trong giao thông: Xu hướng và Chiến lược nhằm tạo ra cơ hội kết nối, trao đổi và học hỏi giữa các chuyên gia, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp, mở ra những hướng đi mới nhằm xây dựng một hệ thống giao thông xanh, thông minh và thích ứng với sự phát triển của thời đại.
Tham dự chương trình, về phía Nhà trường có PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long – Hiệu trưởng; TS. Ngô Thị Thanh Hương – Trưởng Phòng KHCN&HTQT; PGS. TS. Phạm Thái Bình – Phó Trưởng Phòng KHCN&HTQT; TS. Phùng Bá Thắng – Phó Trưởng Khoa Công trình; TS. Trương Thị Mỹ Thanh – Trưởng Bộ môn Quy hoạch và Giao thông đô thị cùng các GS, PGS, TS, các chuyên gia, nhà khoa học cùng các giảng viên và sinh viên Khoa Công trình quan tâm đến dự.
Về phía đại biểu quốc tế có bà Yu-Jin Song, Đại diện tổ chức Konrad-Adenauer-Stiftung tại Hàn Quốc. Về phía trường ĐH Kỹ thuật Munich có ông Oliver May-Beckmann - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giao thông tương lai; TS. Julia Kinigadner Trưởng nhóm nghiên cứu về tích hợp giao thông. Về phía Viện Giao thông Hàn Quốc, có TS. Jaehak Oh – Nguyên Chủ tịch Viện Giao thông Hàn Quốc; TS. Jiyoung Park Giám đốc bộ phận Chiến lược giao thông và Hợp tác quốc tế. Ngoài ra, buổi tọa đàm còn có sự tham dự của ông Timon Plass Viện Bảo vệ Khí hậu, Năng lượng và Giao thông (CHLB Đức); bà Katharina Csillak – Tổ chức tư vấn TÜV Rheinland Consulting (CHLB Đức).
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Phát biểu tại chương trình, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long – Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh, trong những năm qua, Nhà trường đã định hướng tập trung vào đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực công trình và giao thông vận tải. Trước những yêu cầu cấp bách của sự phát triển, đặc biệt là xu hướng chuyển dịch xanh, ứng dụng công nghệ thông minh và thích ứng với biến đổi khí hậu, lĩnh vực giao thông đang chứng kiến nhiều chuyển biến mạnh mẽ.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Trường Đại học Công nghệ GTVT, Đại học Kỹ thuật Munich (Đức), Viện Nghiên cứu Giao thông Hàn Quốc, Viện Bảo vệ Môi trường, Năng lượng và Giao thông (IKEM), và tổ chức tư vấn uy tín TÜV Rheinland tập trung trao đổi các vấn đề về chiến lược, xu hướng công nghệ và chính sách trong chuyển dịch giao thông, với mục tiêu tìm kiếm các giải pháp bền vững và hiệu quả cho ngành.
PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long tin rằng, các báo cáo tham luận không chỉ mang lại những ý tưởng mới mẻ và kết quả nghiên cứu giá trị, mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy nghiên cứu khoa học và hỗ trợ sự nghiệp phát triển ngành giao thông vận tải Việt Nam.
PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long – Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại buổi Tọa đàm
Bà Yu-Jin Song, Đại diện tổ chức Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) tại Hàn Quốc phát biểu tại chương trình
Với chủ đề “Chuyển dịch trong giao thông: Xu hướng và Chiến lược”, TS. Jaehak Oh, Cựu chủ tịch Viện Giao thông Hàn Quốc (KOTI) đã tổng quan chung về những bối cảnh, thách thức của ngành giao thông nói chung trên thế giới, trong đó chỉ ra ba xu hướng chuyển dịch chính là chuyển dịch theo xu hướng giao thông xanh, chuyển dịch theo hướng sử dụng công nghệ xe tự lái, và chuyển dịch sang giao thông thông minh.
Bối cảnh cần phải chuyển dịch giao thông là yêu cầu giảm chi phí ùn tắc, giảm chi phí do tại nạn giao thông, giảm chi phí ô nhiễm môi trường do giao thông. Trên cơ sở đó, các trường hợp nghiên cứu về chuyển dịch giao thông từ mỗi quốc gia được giới thiệu, như chuyển dịch giao thông xanh tại Việt Nam (Báo cáo của TS. Trương Thị Mỹ Thanh - Trưởng Bộ môn Quy hoạch và Giao thông đô thị, Khoa Công trình, Trường Đại học Công nghệ GTVT); Chuyển dịch về tích hợp giao thông với phát triển đô thị (Báo cáo của ông Oliver May-Beckmann và TS. Julia Kinigadner); Chuyển dịch trong sử dụng phương tiện điện (TS. Jiyoung Park); Chuyển dịch trong ứng dụng công nghệ trong giao thông tại Đức (báo cáo của bà Katharina Csillak); Kinh nghiệm phát triển chính sách hỗ trợ từ chính phủ Đức nhằm thực hiện chuyển dịch giao thông (báo cáo của ông Timon Plass).
Các chuyên gia, khách mời trình bày tham luận tại buổi Tọa đàm
Các đại biểu tham gia trao đổi, thảo luận tại chương trình
Trong những năm gần đây, Trường Đại học Công nghệ GTVT đã triển khai những dự án nghiên cứu quốc tế về chuyển đổi năng lượng trong phương tiện giao thông, thử nghiệm sử dụng xe điện trong giao thông chặng cuối để kết nối với mạng lưới giao thông công cộng; phối hợp với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu thực hiện một số nghiên cứu về phát triển giao thông xanh trong khu vực đô thị, gắn với đặc thù dòng giao thông của đô thị phụ thuộc xe máy. Về đào tạo, Nhà trường đã phát triển những chuyên ngành mới như Trí tuệ nhân tạo và Giao thông thông minh, Hạ tầng giao thông đô thị thông minh, Logistics và hạ tầng giao thông để đào tạo nhân lực, phù hợp và đáp ứng được những dịch chuyển tất yếu này trong lĩnh vực giao thông, không chỉ trong giao thông dành cho hành khách, mà còn trong giao thông dành cho hàng hoá và logistics.
Đại diện Lãnh đạo Nhà trường chụp hình lưu niệm cùng các chuyên gia, khách mời tại buổi Tọa đàm
Buổi tọa đàm đã tạo nên diễn đàn trao đổi sôi nổi giữa các chuyên gia, mở ra những định hướng chiến lược quan trọng, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của sự hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu, đó đồng thời là những yêu cầu cần có những dịch chuyển trong ngành giao thông như sử dụng năng lượng mới, phát triển giao thông ít phát thải hơn, thông minh hơn, hướng tới phát triển giao thông bền vững.
Trường Đại học Công nghệ GTVT