Hội thảo khoa học: Lấy ý kiến mở ngành Luật và chương trình đào tạo Luật trình độ đại học
Ngày 27/02, Khoa Luật - Chính trị Trường Đại học Công nghệ GTVT tổ chức Hội thảo về lấy ý kiến mở ngành Luật và chương trình đào tạo trình độ đại học nhằm mục đích lắng nghe ý kiến góp ý, xây dựng từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các giảng viên am hiểu trong lĩnh vực Luật và các ngành liên quan.
Đến dự chương trình, về phía Nhà trường có TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Hiệu Trưởng; TS. Ngô Quốc Trinh – Trưởng Phòng Đào Tạo; TS. Ngô Thị Thanh Hương – Trưởng phòng KHCN & HTQT; TS. Phạm Văn Tân – Trưởng Khoa Luật – Chính trị.
Về phía khách mời có TS. Đào Xuân Hội – Phó Trưởng Khoa, Phụ trách khoa Luật, Trường Đại học Lao động xã hội; ThS. Đỗ Văn Khánh – Phó Giám đốc Công ty luật Seal Law, cùng toàn thể các nhà khoa học và các thầy, cô giáo trong Khoa Luật – Chính trị đến dự.
Toàn cảnh Hội thảo khoa học
Phát biểu tại chương trình, TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh đây là hoạt động ý nghĩa và cần thiết của Khoa Luật – Chính trị trong việc lấy ý kiến đóng góp từ các bên liên quan để hoàn thiện chương trình mở ngành. Việc mở ngành Luật của Trường Đại học Công nghệ GTVT phải có bản sắc riêng và tính liên thông giữa các trường đại học, đồng thời khẳng định triết lý đào tạo theo hướng ứng dụng – thực học – thực nghiệp của Nhà trường.
TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại Hội thảo
Trao đổi tại Hội thảo, TS. Phạm Văn Tân, Trưởng Khoa Luật – Chính trị đã đặt ra những vấn đề thuận lợi và khó khăn trong việc mở ngành và xây dựng chương trình đào tạo ngành Luật như: về đội ngũ; về chất lượng đào tạo; về điều kiện mở ngành ... Từ đó lắng nghe ý kiến đóng góp, trao đổi từ phía Nhà trường và các bên liên quan, có kinh nghiệm trong việc đào tạo chuyên ngành Luật.
TS. Phạm Văn Tân – Trưởng Khoa Luật – Chính trị trao đổi về những thuận lợi và khó khăn trong mở ngành Luật
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học lần lượt trình bày những bài tham luận có liên quan trực tiếp đến việc mở ngành Luật và chương trình đào tạo ngành Luật. Theo báo cáo “Cách tiếp cận và thực hiện quy trình xây dựng chương trình đào tạo cử nhân chuyên ngành Luật đáp ứng với nhu cầu xã hội” của TS. Vũ Thị Kiều Ly, Khoa Luật – Chính trị đã đề xuất hướng tiếp cận và cách thức thực hiện xây dựng chương trình đào tạo ngành Luật cần phải dựa trên kết quả chuẩn đầu ra – những khả năng mà người học mong muốn đạt được sau khi tốt nghiệp, đồng thời phải phù hợp với sứ mạng, tầm nhìn và chiến lược phát triển chung của Nhà trường.
TS. Vũ Thị Kiều Ly chia sẻ tham luận “Cách tiếp cận và thực hiện quy trình xây dựng chương trình đào tạo cử nhân chuyên ngành Luật đáp ứng với nhu cầu xã hội”
Bài tham luận về “Tính đặc thù trong đào tạo ngành Luật và định hướng mở ngành Luật ở Trường Đại học Công nghệ GTVT” của TS. Trần Văn Tuân, Khoa Luật – Chính trị cho rằng, để sinh viên nắm được kiến thức chuyên ngành một cách toàn diện và mang màu sắc UTT, chúng ta cần bổ sung thêm một số học phần thuộc lĩnh vực đặc thù của ngành GTVT và các học phần luật chuyên ngành; tăng thêm giờ thảo luận, giờ thực hành diễn án để sinh viên có thể đáp ứng ngay với vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp.
TS. Trần Văn Tuân, Khoa Luật – Chính trị trình bày báo cáo tham luận "Tính đặc thù trong đào tạo ngành Luật và định hướng mở ngành Luật ở Trường Đại học Công nghệ GTVT”
Tại phiên thảo luận, TS. Đào Xuân Hội – Phó Trưởng khoa, phụ trách Khoa Luật, Trường Đại học Lao động xã hội đã có những chia sẻ về kinh nghiệm trong đào tạo chuyên ngành Luật như: nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực ngành Luật; tính đặc thù và tính hội nhập; tính linh hoạt và tính mở trong đào tạo chuyên ngành Luật đáp ứng với nhu cầu của xã hội.
TS. Đào Xuân Hội – Phó Trưởng khoa, phụ trách Khoa Luật, Trường Đại học Lao động xã hội chia sẻ tại Hội thảo
TS. Lê Đăng Khoa, Khoa Luật – Chính trị trao đổi ý kiến về xây dựng chương trình đào tạo cần phải có các chuyên gia trong từng lĩnh vực của ngành Luật
Sau nhiều giờ thảo luận và trao đổi, Hội thảo đã khép lại với nhiều nội dung, đề xuất mới mẻ mang tính đóng góp cho quá trình xây dựng chương trình và chất lượng đào tạo, giảng dạy của chuyên ngành Luật.
Các chuyên gia, nhà khoa học chụp hình lưu niệm tại Hội thảo
Khoa Luật – Chính trị