Hội thảo Đường bộ cao tốc Việt Nam lần thứ 9
Ngày 24/3, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải Việt Nam phối hợp cùng Bộ MLIT Nhật Bản tổ chức Hội thảo Đường bộ cao tốc Việt Nam lần thứ 9.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã trân trọng cảm ơn và nhiệt liệt chào mừng đoàn đại biểu MLIT tới thăm và tham dự hội thảo tại Việt Nam.
Tại hội thảo, hai bên đã trao đổi các nội dung hợp tác song phương, kiểm điểm việc triển khai các dự án, chương trình hợp tác cụ thể.Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đánh giá cao hỗ trợ kỹ thuật của phía Nhật Bản về đường sắt Bắc - Nam và cho biết trên cơ sở kết quả nghiên cứu Bộ GTVT đã tổng hợp hoàn chỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển GTVT đường sắt từ nay tới 2020 và tầm nhìn tới 2050. Hai bên cũng điểm qua việc hợp tác đối với những dự án lớn như cao tốc Hồ Chí Minh – Long Thành – Giầu Dây, cảng Lạch Huyện, đào tạo nguồn nhân lực …Hai bên thống nhất đẩy mạnh hợp tác về trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, năng cao năng lực thể chế và đạo tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên tất cả các lĩnh vực trong ngành GTVT, trao đổi những kinh nghiệm về quản lý vận hành, bảo trì đường bộ cao tốc, điều hành hệ thống giao thông thông minh ITS tại Việt Nam, chia sẻ kế hoạch phát triển đường bộ cao tốc, trao đổi kinh nghiệm tổ chức và quản lý an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc…
Nhật Bản được biết đến là quốc gia có công nghệ và kinh nghiệm hàng đầu thế giới trong thiết kế, thi công và quản lý vận hành đường bộ cao tốc. Một số tuyến đường cao tốc tại Việt Nam hiện nay được triển khai bởi các doanh nghiệp, nhà thầu và tư vấn Nhật Bản. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản còn hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực quản lý, bảo trì đường bộ (đặc biệt là đường cao tốc) thông qua các Dự án hỗ trợ kỹ thuật như: Dự án xây dựng Trung tâm điều hành giao thông thông minh ITS cho mạng lưới đường bộ cao tốc khu vực phía Bắc, Dự án Tăng cường năng lực bảo trì đường bộ...
Toàn cảnh hội thảo Đường bộ cao tốc Việt Nam lần thứ 9
Phát biểu tại Hội thảo, Ông Igarashi Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Nhật Bản cho biết: Những chủ đề mà Hội thảo đề cập đến là những vấn đề được cả 2 Bộ (Bộ GTVT Việt Nam, Bộ Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông vận tải và Du lịch Nhật Bản) quan tâm để làm sao quản lý vận hành tốt hệ thống đường bộ cao tốc. Làm thế nào để ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây tử vong trên đường cao tốc cũng như giải quyết nhanh các hư hỏng xuống cấp của nền, mặt đường cao tốc tại Viêt Nam là những vấn đề sẽ được các chuyên gia Nhật Bản thông qua tổ chức JICA sẽ cung cấp kỹ thuật, công nghệ, cơ chế vận hành kiểm tra, sửa chữa các hư hỏng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đồng thời, Nhật Bản mong muốn tiếp tục được hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng hê thống các tiêu chuẩn ITS…
"Nhật Bản đã có kinh nghiệm của 50 năm phá triển hệ thống đường bộ. Tuy không tránh khỏi những sai lầm thiếu sót, nhưng Nhật bản cũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý bào trong việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng đường bộ. Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này", Phó Cục trưởng Cục đường bộ Nhật Bản Igarashi chia sẻ.
Ông Igarashi mong rằng, sau Hội thảo, các chuyên gia của hai nước sẽ tích cực trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhiều hơn nữa và mong rằng sẽ tiếp tục tổ chức Hội thảo lần thứ 10 với mục tiêu ngành GTVT hai nước hợp tác lâu dài bền chặt hơn.
Kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đánh giá cao những thông tin và ý kiến tham luận tích cực của các đại biểu, những kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia Nhật Bản chia sẻ tại Hội thảo sẽ rất hữu ích cho sự phát triển đường bộ cao tốc của Việt Nam và đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp của hai bên cùng trao đổi các công nghệ, dịch vụ và tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong thời gian tới.
Thứ trưởng mong rằng tại Hội thảo này cũng như trong thời gian tới, các bạn Nhật Bản sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm quý báu, hỗ trợ Ngành GTVT phát triển hệ thống đường bộ cao tốc tại Việt Nam nhằm phấn đấu đạt được mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có 6411km đường bộ cao tốc như Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nguồn: Hội KHKT Cầu đường Việt Nam.