Hội thảo khoa học công nghệ tái sinh trong sửa chữa, nâng cấp mặt đường bê tông nhựa, khả năng áp dụng ở Việt Nam

Trong những năm qua, công nghệ cào bóc tái sinh được đánh giá là một trong những giải pháp tối ưu, khả thi và phù hợp trong sửa chữa, nâng cấp mặt đường bê tông nhựa tại Việt Nam. Nhằm tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp về thiết kế, vật liệu, công nghệ thi công để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu kỹ thuật trong duy tu, sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường tại Việt Nam, ngày 03/7/2018, Trường Đại học Công nghệ GTVT phối hợp với Công ty Cổ phần Tổng công ty Vĩnh Phú (VITRAC) tổ chức hội thảo khoa học công nghệ tái chế trong sửa chữa, nâng cấp mặt đường bê tông nhựa, khả năng áp dụng tại Việt Nam.


Toàn cảnh buổi hội thảo khoa học công nghệ tái sinh trong sửa chữa, nâng cấp mặt đường bê tông nhựa, khả năng áp dụng tại Việt Nam

Tới dự buổi hội thảo, về phía Tổng cục đường bộ Việt Nam có ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam, ông Tô Nam Toàn - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ môi trường và Hợp tác quốc tế, ông Lê Hồng Điệp - Vụ trưởng Vụ Bảo trì đường bộ; về phía tập đoàn Wirtgen có ông Foo Jeong Fork - Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á, GS.TS. Jenkins Kim - Trường Đại học Stellenbosch - Đối tác nghiên cứu khoa học và vật liệu tái chế tập đoàn Wirtgen - Cộng hòa Liên bang Đức; về phía Công ty cổ phần Tổng công ty Vĩnh Phú (VITRAC) có ông Nguyễn Xuân Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Nguyễn Xuân Thành - Quyền Tổng giám đốc, ông Phạm Huy Hiếu - Phó Tổng giám đốc Dịch vụ Tổng công ty Vĩnh Phúc; về phía Trường Đại học Công nghệ GTVT có PGS.TS. Đào Văn Đông - Hiệu trưởng, PGS.TS. Vũ Ngọc Khiêm - Phó Hiệu trưởng, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long - Phó Hiệu trưởng; các đồng chí lãnh đạo các cơ sở đào tạo, phòng Khoa học công nghệ, Khoa Công trình, các giảng viên, các nhà khoa học trẻ và sinh viên của Trường. Tham dự hội thảo còn có đại diện các Cục, Vụ, Ban QLDA trực thuộc Tổng Cục đường bộ Việt Nam; các Sở GTVT Hà Nội, Vĩnh Phúc, TP. Hồ Chí Minh; các Giáo sư, Phó Giáo sư, các nhà khoa học đến từ các Viện nghiên cứu, Hội khoa học, Trường Đại học; các phóng viên báo đài đến từ các cơ quan thông tấn của Trung ương và Hà Nội.


PGS.TS. Đào Văn Đông - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Đào Văn Đông - Hiệu trưởng Nhà trường thay mặt cho lãnh đạo Trường Đại học Công nghệ GTVT chào mừng các quý vị đại biểu đến tham dự buổi hội thảo ngày hôm nay. Với chủ đề của buổi hội thảo là công nghệ tái sinh trong sửa chữa, nâng cấp mặt đường bê tông nhựa, khả năng áp dụng ở Việt Nam, PGS.TS. Đào Văn Đông mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ kỹ thuật, các nhà quản lý, các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn thiết kế, các nhà thầu thi công trong và ngoài nước sẽ cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp công nghệ tái chế ở trên thế giới và Việt Nam để từ đó phân tích, đề xuất lựa chọn vật liệu, công nghệ, thiết kế, thi công mang lại hiệu quả cao, giá thành hạ, bền vững, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững cho Ngành GTVT ở Việt Nam. Cuối cùng, PGS.TS. Đào Văn Đông đề nghị các thầy cô giáo, các nhà khoa học trẻ, sinh viên của Nhà trường qua buổi hội thảo này cố gắng tìm ra các câu hỏi, hỏi được nhiều nhất, trao đổi nhiều nhất, tiếp thu được nhiều kiến thức và kinh nghiệm của các nhà khoa học tại buổi hội thảo.


Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết thực hiện đề án đổi mới phương pháp bảo trì đường bộ và chiến lược phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2014 - 2020, định hướng đến năm 2030, việc áp dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực bảo trì đường bộ đã và đang được Bộ GTVT, Tổng cục đường bộ Việt Nam hết sức quan tâm và đã triển khai tại nhiều dự án. Ông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng việc áp dụng công nghệ cào bóc tái sinh nguội cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa, để phù hợp với điều kiện của Việt Nam, cần làm rõ phạm vi áp dụng của từng loại công nghệ để đảm bảo tính hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật. Cuối cùng, ông Nguyễn Mạnh Thắng mong muốn các đại biểu, các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ tập đoàn Wirtgen sẽ trao đổi, làm rõ hơn phạm vi ứng dụng của công nghệ tái sinh trong sửa chữa, nâng cấp mặt đường bê tông nhựa.


Ông Nguyễn Xuân Tuấn - Chủ tịch HĐQT VITRAC phát biểu tại hội thảo

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị VITRAC cam kết sẽ đồng hành và hỗ trợ tối đa cùng với Nhà trường, các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ GTVT, các đơn vị nhà thầu cập nhật các công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới của tập đoàn Wirtgen. Tập trung chuyển giao công nghệ, huấn luyện, đào tạo, thực hành tại hiện trường, cung cấp các giải pháp tài chính, thi công, xây dựng quy trình, định mức... Để phục vụ việc bảo trì, sửa chữa, đại tu những công trình giao thông vận tải đạt chất lượng tốt nhất, tiết kiệm giá thành và bảo vệ môi trường.

Tại hội thảo sẽ được nghe các báo cáo viên báo cáo tham luận: Tổng quan công tác duy tu, bảo trì đường bộ và định hướng ứng dụng KHCN trong công tác duy tu, bảo trì đường bộ ở Việt Nam - ông Lê Hồng Điệp - Vụ trưởng Vụ Bảo trì đường bộ; Giới thiệu về đặc tính vật liệu tái chế bằng bitum bọt - GS.TS. Jenkins Kim - Tập đoàn Wirtgen; Chỉ dẫn khảo sát, thiết kế sửa chữa hư hỏng mặt đường bằng công nghệ cào bóc tái chế nguội tại chỗ phù hợp theo phương pháp AASHTO - TS. Đào Phúc Lâm - Trường Đại học Công nghệ GTVT; Một số kết quả nghiên cứu bước đầu ứng dụng công nghệ bê tông Asphalt ấm kết hợp với vật liệu tái chế mặt đường dùng trong xây dựng đường ô tô ở Việt Nam - TS. Nguyễn Ngọc Lân - Trường Đại học GTVT; Ứng dụng vật liệu tái chế bằng bitum bọt trong công nghệ tái chế và các thiết bị thi công tương ứng - ông Phạm Huy Hiếu - VITRAC.

Một số hình ảnh tại buổi Hội thảo:

Tin & ảnh: Nguyễn Chung
Trường Đại học Công nghệ GTVT