Nữ Phó Giáo sư trẻ nhất năm 2019: Khát khao truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học

TTTĐ - Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương (34 tuổi, giảng viên Bộ môn Cầu – hầm, khoa Công trình của trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải) là một trong những nữ phó giáo sư trẻ nhất được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước công bố đủ tiêu chuẩn năm 2019. Hơn 10 năm đứng trên bục giảng chị đã truyền lửa đam mê khoa học tới nhiều thế hệ học trò.

 

Khát khao truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học

Phó Giáo sư Nguyễn Thị Phương

Chinh phục thử thách

Tốt nghiệp đại học tại Việt Nam, chị Phương sang Pháp học thạc sĩ. Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ chị được nhận vào làm giảng viên Bộ môn Cầu –  hầm, khoa Công trình Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải. 

Dù là một giảng viên trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng chị Phương đã tích cực tham gia việc xây dựng chương trình đào tạo cho hệ đại học, hệ thạc sĩ đối với chuyên ngành Cầu đường bộ, Cầu – hầm và ngành Kỹ thuật xây dựng công trình đặc biệt đối với chương trình đào tạo tiến sĩ.

Để góp phần phát triển nhà trường, truyền thụ kiến thức cho sinh viên, chị Phương nỗ lực hoàn thành chương trình tiến sĩ và dành thời gian cho những công trình nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, việc nghiên cứu khoa học không hề dễ dàng, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn, đặc biệt những người trẻ như chị.

“Không phải lúc nào nghiên cứu khoa học cũng đạt được kết quả như ý muốn. Có những hướng nghiên cứu mình đặt ra và mất nhiều công sức vào nó nhưng rồi phải bỏ đi làm lại. Mỗi lần như vậy mình càng quyết tâm hơn. Bản thân mình dự định làm việc gì luôn quyết tâm cố gắng thực hiện tới khi đạt kết quả, cho dù vất vả khó khăn cũng không lùi bước, trong nghiên cứu khoa học cũng vậy” – chị Phương chia sẻ.

Vợ chồng Phó giáo sư Nguyễn Thị Phương

Vợ chồng Phó giáo sư Nguyễn Thị Phương

Đó cũng là bí quyết giúp chị Phương gặt hái những trái ngọt trong nghiên cứu khoa học. Đến nay, chị đã công bố 61 bài báo khoa học, trong số đó có 12 bài trên tạp chí ISI, 2 bài ở tạp chí Scopus, còn lại là các công trình công bố trên những tạp chí uy tín trong nước và nhiều tuyển tập công trình hội nghị quốc gia, quốc tế. Chị cũng tham gia 3 đề tài nghiên cứu thuộc Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, chủ nhiệm 2 đề tài cấp cơ sở, tham gia viết 2 cuốn sách, trong đó đáng lưu ý là cuốn sách chuyên khảo “Ổn định và động lực phi tuyến của vỏ FGM nhiều lớp” dành riêng cho các nhà nghiên cứu chuyên sâu.

Điểm đặc biệt là tất cả các nghiên cứu của chị đều xuất phát từ thực tế ứng dụng và nhu cầu phát triển của ngành xây dựng. Các nghiên cứu tập trung chủ yếu vào phân tích ứng xử cơ học phức tạp của các kết cấu tấm vỏ sử dụng vật liệu tiên tiến với những đặc tính cơ học siêu việt, cho phép thiết kế các công trình có khối lượng nhẹ và khả năng chịu lực vượt trội. Đây cũng là lí do các công trình nghiên cứu của chị luôn được đánh giá cao và có số lượng trích dẫn lớn.

Chắp cánh tài năng sinh viên

Gắn bó với trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải từ những ngày chập chững, nữ tiến sĩ trẻ đã rất nỗ lực trong việc xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu và xu hướng phát triển ngành giao thông ở khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, những thành quả gặt hái được trong nghiên cứu khoa học đều được chị truyền tải đến các thế hệ sinh viên.

“Mình may mắn khi chồng cũng là đồng nghiệp giảng dạy cùng trường. Anh không chỉ chia sẻ những khó khăn trong nghiên cứu khoa học mà còn giúp mình hiện thực hóa các ý tưởng dành cho sinh viên” – chị Phương tâm sự.

Năm 2017, hai vợ chồng chị Phương đã thành lập nhóm nghiên cứu tại nhà dành cho các sinh viên có kết quả học xuất sắc và niềm đam mê với khoa học. Tất cả các chi phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học của nhóm đều được anh chị tự bỏ ra từ đồng lương ít ỏi với mong muốn bồi dưỡng các em có thể vươn tầm ra thế giới. Ban đầu, nhóm chỉ có 4 sinh viên lớp 64DCCD09, sau đó mở rộng tới 20 thành viên ở tất cả các khóa.

 Cho đến nay, hầu hết các thành viên trong nhóm đều có công bố quốc tế, tham gia hội nghị khoa học quốc gia và nhiều đề tài nghiên cứu cấp trường. Trong đó, có thể nhắc tới sinh viên Vũ Minh Đức lớp 66DCDB21 có tới 4 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế (2 bài ISI và 2 bài Scopus) 4 bài trên tuyển tập công trình hội nghị quốc gia.

Với những thành tích đã đạt được, nữ tiến sĩ trẻ đã được nhận Bằng khen của Ban chấp hành Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam năm; Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải. Đặc biệt, đầu tháng 12/2019, vợ chồng chị Phương đều được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư. 

Chị Phương cho biết, sự ghi nhận này là động lực để chị tiếp tục dành đam mê cho nghiên cứu khoa học và truyền lửa để các thế hệ sinh viên. Trong đó, thời gian tới chị sẽ tập trung vào hai hướng nghiên cứu chính: cơ học chuyên sâu và ứng dụng cơ học vào kỹ thuật công trình cầu.

“Hiện nay có rất nhiều các loại siêu vật liệu đã được phát minh, chế tạo và từng bước đưa vào ứng dụng trong các sản phẩm thực tế. Bên cạnh đó, các loại vật liệu Composite tiên tiến đang được ứng dụng vào kỹ thuật công trình ngày càng phổ biến hơn. Những hướng đi này sẽ có nhiều khó khăn, thách thức nhưng mình tin khi chinh phục được sẽ có những đóng góp thực vào ngành giao thông ở Việt Nam” – nữ phó giáo sư chia sẻ.

Theo Báo Tuổi trẻ Thủ đô