Xét tuyển khối C ngành kỹ thuật, kiến trúc không thi vẽ: Lo cho chất lượng nhân lực?

Xét tuyển khối C ngành kỹ thuật, kiến trúc không thi vẽ: Lo cho chất lượng nhân lực?

Khó đào tạo chất lượng

Theo PGS Đào Văn Đông, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải, với những ngành kỹ thuật, để đạt được chất lượng đào tạo như mong muốn đòi hỏi thí sinh (TS) dự tuyển trội về năng lực tư duy logic, thể hiện qua điểm số các môn học thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên (KHTN) như toán, lý, hóa. “Nếu lựa chọn được TS giỏi toàn diện thì tốt, nhưng nếu không được thì cần đánh giá trước hết qua các môn KHTN, đặc biệt là toán”, PGS Đông nói.

Các chuyên gia lo ngại việc xét tuyển các tổ hợp môn không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Cũng theo PGS Đông, ở các nước phát triển, chẳng hạn Pháp, yêu cầu đầu vào của hệ thống khối trường ĐH kỹ thuật là phải đạt kết quả học tập tốt các môn toán, lý, hóa ở trường phổ thông. Một số nước khác thì yêu cầu đánh giá TS qua kết quả học tập của ít nhất 1 môn KHTN, mà đa số chọn môn toán.

PGS-TS Nguyễn Quốc Hưng, Trưởng khoa Kỹ thuật Trường ĐH Việt Đức, cho rằng để theo học các ngành liên quan đến kỹ thuật nhất thiết phải có khả năng toán học. “Một sinh viên không có năng lực toán học thì sẽ không thể tốt nghiệp được dù trúng tuyển”, ông Hưng nói.

Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cũng cho rằng: “Yêu cầu về khả năng tư duy logic, toán học với các ngành kỹ thuật là quan trọng. Nếu không có các khả năng này thì có vào được trường cũng khó có thể ra trường. Vì vậy, các ngành kỹ thuật cần thiết phải có tổ hợp xét tuyển liên quan đến KHTN. Nếu sử dụng tổ hợp KHXH cho các ngành này sẽ không phù hợp”.

Thảm họa nếu kiến trúc sư không có khiếu thẩm mỹ

Theo kiến trúc sư (KTS) Hoàng Thúc Hào, giảng viên Trường ĐH Xây dựng, việc bỏ thi vẽ tuyển kiến trúc có thể là do hai trường hợp. Hoặc là một phản ứng cực đoan trước cách thức đánh giá đầu vào môn vẽ hiện nay. Hoặc do nhận thức lệch lạc về sự cần thiết của năng khiếu thẩm mỹ đối với một KTS.

Với trường hợp thứ nhất thì thay vì bỏ thi vẽ, chúng ta cần nghiên cứu đổi mới đề thi để giúp giám khảo phát hiện được những TS thực sự có năng khiếu thẩm mỹ. Chẳng hạn có những đề cho TS được lựa chọn. Với trường hợp thứ hai, có thể họ thấy thực tế là ngành KTS rất rộng và trong số các KTS đã được đào tạo chỉ khoảng 15 - 20% hành nghề sáng tác, số còn lại chủ yếu làm các mảng công việc khác. Nhưng không phải vì thế mà không cần lựa chọn ứng viên dự tuyển ngành KTS có năng khiếu thẩm mỹ. Vẫn rất cần, bởi phải là người có năng khiếu thẩm mỹ thì mới nhạy cảm về thẩm mỹ, nhạy bén về mặt tạo hình, từ đó mới có năng lực hiểu để đánh giá cái đẹp. Nên vẫn phải có những môn thi để phát hiện ra tố chất này của TS thì mới đào tạo được.

Hãy hình dung toàn bộ vẻ mặt đô thị do 75 - 80% KTS không có khiếu thẩm mỹ tác động vào thì đúng là thảm họa”, KTS Hào nhận xét.

Theo Quý Hiên - Báo Thanh Niên