Tuyển sinh 2018: Cam kết hoàn học phí nếu thất nghiệp
Ông Đồng Văn Ngọc, hiệu trưởng trường CĐ Cơ điện Hà Nội cho biết khi sinh viên nhập học sẽ có một bản cam kết bố trí việc làm đối với sinh viên theo học các ngành nghề trọng điểm tại trường.
Theo đó, nhà trường cam kết bố trí việc làm tại Hà Nội và các tỉnh lân cận đối với sinh viên tham gia khóa học và tốt nghiệp ra trường trình độ CĐ một trong 7 nghề chất lượng cao với mức lương khởi điểm từ 7 triệu đồng trở lên đối với những sinh viên có học lực khá và hạnh kiểm tốt khi tốt nghiệp ra trường.
Thời gian bố trí công việc cho sinh viên không quá 6 tháng tính từ thời điểm sinh viên hoàn thành các thủ tục tốt nghiệp ra trường. Nếu nhà trường không bố trí được việc làm cho sinh viên thì trong thời hạn không quá 6 tháng, hiệu trưởng có trách nhiệm trả lại cho sinh viên toàn bộ học phí mà sinh viên đã nộp cho nhà trường.
Sở dĩ có được cam kết mạnh tay này, ông Đồng Văn Ngọc cho biết trường có khoảng 300 đầu mối doanh nghiệp. Trong đó, có khoảng trên 30 doanh nghiệp đã ký kết với trường về tuyển dụng sinh viên sau khi ra trường, trong đó có doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đến 150 người. “Thường thì nhà trường chỉ đáp ứng được khoảng 20 – 30% nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp đã ký. Như vậy, nếu có biến động, rủi ro thì cũng không ảnh hưởng đến “đầu ra” của trường” – ông Ngọc cho hay. Mặt khác, ông Ngọc cũng cho biết, về phía trường phải đảm bảo chất lượng đào tạo như cam kết.
Thêm nhiều ngành học mới
Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng vừa dự kiến tuyển sinh ĐH chính quy 2018. Theo đó, năm nay, trường có 12 ngành học mới như Kinh tế phát triển, khoa học quản lý, Quản lý công, Quản lý tài nguyên và môi trường, Luật Kinh tế, Quản lý đất đai. Đây là những ngành học được tách ra từ một số ngành học cũ của trường.
Ngoài ra, trường có một số ngành mới khác như Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử, Quản lý dự án, Định phí bảo hiểm và quản trị rủi ro (học bằng tiếng Anh). Đặc biệt, năm nay, ĐH Kinh tế quốc dân có ngành Khởi nghiệp và phát triển cũng học bằng tiếng Anh.
Chia sẻ tại ngày hội tư vấn tuyển sinh của trường vừa qua, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo cho hay, với tất cả 33 ngành, dự kiến dải điểm trúng tuyển năm nay sẽ dao động khoảng 6 điểm.
Ông Triệu cũng dự đoán, điểm thi năm nay không cao hơn năm 2017 và nhiều khả năng thấp hơn. Bởi đề thi được chuẩn hóa hơn và bao gồm cả chương trình lớp 11. Do đó thí sinh cần tham chiếu điểm của những năm trước để nắm bắt xu hướng.
Ông Triệu cũng khuyên thí sinh để tăng khả năng vào trường, đừng đăng ký quá nhiều nguyện vọng, nhưng kinh nghiệm là hãy phân thành 3 mức nguyện vọng. Có thể đăng ký xét tuyển 2 nguyện vọng ở mức cao hơn điểm thi của mình một chút. Sau đó là đến mức ngang với điểm thi và mức thấp hơn. Như vậy khả năng trúng tuyển vào trường sẽ rất lớn.
Còn tại trường ĐH Thủy lợi, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phòng Đào tạo ĐH và sau ĐH cho biết năm nay, trường có thêm 4 ngành mới là Công nghệ sinh học, Công nghệ chế tạo máy, Kỹ thuật cơ điện tử và Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa. Ngoài ra, trường cũng đang xin phép Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo ngành Kỹ thuật ô tô.
Doanh nghiệp trực tiếp tham gia đào tạo
Chia sẻ bài học để có được sự hợp tác với doanh nghiệp như ngày hôm nay, ông Đồng Văn Ngọc cho biết những ngày đầu, trường tìm đến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng sau đó, thông qua các hoạt động thuyết trình, mời doanh nghiệp về trường tham quan, doanh nghiệp bắt đầu có “niềm tin” và hợp tác.
Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải năm nay tuyển 100 chỉ tiêu đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Nhà trường cho biết, đây là mô hình đào tạo một không – hai có (sinh viên không phải đóng học phí, có học bổng, có việc làm sau khi ra trường).
Trong đó, doanh nghiệp sẽ tham gia vào quá trình đào tạo gồm các bước như góp ý để chuẩn hóa chương trình đào tạo để phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Thứ hai là cử chuyên gia phối hợp cùng giảng viên trong trường để giảng dạy một số học phần chuyên ngành hoặc giảng dạy dưới dạng chuyên đề. Thứ ba là họ tham gia vào hội đồng chấm đánh giá đồ án tốt nghiệp. Về thực hành, doanh nghiệp sẽ tiếp nhận những sinh viên này để đào tạo tại nhà máy của họ.
Ông Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng Đào tạo ĐH, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết trường đang xúc tiến tích cực việc doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo của trường, trong đó, có một số dự án đã được ký trong các ngành như dệt may, công nghệ thông tin, kỹ thuật ô tô. “Ví dụ như ngành dệt may, trường đã ký với một doanh nghiệp dệt may của nước ngoài chương trình đào tạo kép. Họ nhập khẩu chương trình đào tạo, sau đó trường gửi sinh viên của mình đến trung tâm của họ để đào tạo một thời gian” – ông Điền cho hay.
May mắn hơn các trường kỹ thuật, trường ĐH Kinh tế quốc dân có một hệ thống các doanh nghiệp là cựu sinh viên của trường nên rất thuận lợi trong việc phối hợp đào tạo. Ông Vũ Trọng Nghĩa, Trưởng phòng truyền thông của trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết tất cả các chuyên ngành của trường đều phải mời doanh nghiệp đến giảng dạy. Đồng thời đưa sinh viên đi tham quan doanh nghiệp.
Theo Huê Nghiêm - Báo Tiền Phong