Trường Đại học công nghệ Giao thông Vận tải mở nhiều ngành học mới, “bắt tay” doanh nghiệp đưa việc làm đến với sinh viên
Trong cuộc trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, TS Nguyễn Văn Lâm, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải đã chia sẻ những điểm mới trong phương án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải; cũng như đưa ra tư vấn tới thí sinh cách chọn ngành, chọn trường phù hợp.
Tuyển sinh nhiều chuyên ngành mới
- Thưa TS Nguyễn Văn Lâm, ông có thể cho biết năm 2024, phương án tuyển sinh của Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải có điểm gì mới so với mùa tuyển sinh trước?
TS Nguyễn Văn Lâm: Mùa tuyển sinh 2024, các trường đại học đưa ra rất nhiều phương thức xét tuyển, theo thống kê của Bộ GD-ĐT có khoảng 20 phương thức. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng sử dụng quá nhiều phương thức sẽ dễ gây nhầm lẫn cho thí sinh.
Do đó, năm nay, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải vẫn chọn 4 phương thức xét tuyển cơ bản gồm: Xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT; Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; Xét kết quả thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức; Xét tuyển từ kết quả học bạ THPT của thí sinh.
Năm 2024, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải sẽ mở thêm một số ngành mới, theo chiến lược phát triển của ngành Giao thông Vận tải. Đây là những ngành hiện nay xã hội rất cần và rất khát nhân lực.
Đơn cử như ngành Quản lý, khai thác và bảo trì đường cao tốc đang rất cần nguồn nhân lực. Chiến lược phát triển ngành Giao thông Vận tải tới năm 2025 là phấn đấu có 3.000 km đường cao tốc, trong khi đó hiện nay nhu cầu nhân lực không đủ để đáp ứng. Hay ngành Mô hình thông tin công trình (BIM) trong dự án hạ tầng giao thông cũng đang rất thiếu người.
Lĩnh vực đường sắt cũng được Chính phủ rất quan tâm để phát triển. Bởi thực tế, đường sắt Việt Nam từ thời Pháp thuộc đến nay chưa được cải thiện nhiều. Thế giới đang hướng tới phát triển đường cao tốc, Metro (đường sắt đô thị), Việt Nam cũng đang ở bước khởi đầu.
Từ nay tới năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành đường sắt sẽ rất cấp thiết. Vì vậy, năm 2024, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải mở thêm ngành Xây dựng Cầu - đường sắt, Công nghệ kỹ thuật xây dựng Đường sắt - Metro.
Cùng với đó là các ngành mới khác như Công nghệ kỹ thuật vi mạch bán dẫn, Quản lý và điều hành vận tải đường sắt.
Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải có định hướng ứng dụng, đa ngành, đa lĩnh vực. Do đó, trong chiến lược phát triển của nhà trường, năm 2024, chúng tôi cũng mở thêm 2 ngành khối Xã hội là Luật và Ngôn ngữ Anh. Trường hiện đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để phục vụ việc mở thêm những ngành học mới này.
Tiên phong đào tạo ngành vi mạch bán dẫn
- Được biết, năm 2024, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải có kế hoạch mở thêm các ngành đào tạo liên quan tới lĩnh vực vi mạch bán dẫn - lĩnh vực được đánh giá có tiềm năng lớn hiện nay. Nhà trường đã chuẩn bị thế nào cho việc mở ngành học này, thưa ông?
TS Nguyễn Văn Lâm: Với Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, bản chất của chúng tôi là một trường công nghệ, nên không có lý do gì chúng tôi không tiên phong trong lĩnh vực này.
Tháng 10.2023, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải vinh dự là một trong hơn 30 cơ sở giáo dục đại học có đào tạo ngành Công nghệ Điện tử Viễn thông, được Bộ GD-ĐT mời tham dự Hội thảo phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp chip bán dẫn, tổ chức tại Đà Nẵng. Ngay sau Hội thảo đó, chúng tôi đã bước đầu bắt tay chuẩn bị đội ngũ giảng viên.
Nhìn vào thực tế hiện nay, Việt Nam chưa có đội ngũ giảng viên về vi mạch bán dẫn, cần dựa vào nền tảng từ ngành gần là Điện tử Viễn thông.
Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải đã chọn ra một số giảng viên có triển vọng, cử đi bồi dưỡng, tập huấn. Bên cạnh đó, trường cũng chuẩn bị trang thiết bị, phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất cần thiết để phục vụ cho công tác mở ngành; tổ chức các hội thảo khoa học về ngành Điện tử bán dẫn. Sau đó, chúng tôi mới xây dựng chương trình đào tạo và mở ngành.
Với sự đầu tư và chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng tôi hy vọng trong năm 2024 và những năm tiếp theo sẽ đáp ứng được nguyện vọng của thí sinh và phụ huynh; đồng thời đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
“Bắt tay” doanh nghiệp đưa việc làm đến với sinh viên
- Thưa TS Nguyễn Văn Lâm, việc đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, để sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm ngay, làm đúng chuyên môn được đào tạo đang được các cơ sở giáo dục đại học rất quan tâm, luôn đặt lên hàng đầu. Vậy Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải đã thực hiện những giải pháp gì để đáp ứng vấn đề này?
TS Nguyễn Văn Lâm: Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi muốn giải đáp một vấn đề mà hiện nay nhiều phụ huynh, thí sinh còn băn khoăn, nhầm lẫn, rằng “không biết Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải và Trường Đại học Giao thông Vận tải có gì khác nhau”.
Về bản chất, từ năm 1945, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải và Trường Đại học Giao thông Vận tải là cùng một trường, có tên gọi “Trường Cao đẳng Giao thông Công chính”. Năm 1961, Trường Đại học Giao thông Vận tải tách ra, chúng tôi vẫn thuộc hệ cao đẳng. Đến năm 2011, nhà trường đủ điều kiện nâng cấp thành đại học, hiện là Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải.
Hai trường đại học thuộc 2 đầu mối cơ quan chủ quản: Trường Đại học Giao thông vận tải thuộc Bộ GD-ĐT quản lý trực tiếp, còn Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải thuộc Bộ Giao thông Vận tải quản lý. Định hướng hai trường cũng khác nhau.
Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải với triết lý ứng dụng, thực học, thực nghiệp, những năm vừa qua, để đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay và được làm đúng chuyên ngành đào tạo, chúng tôi đã hợp tác với một số doanh nghiệp trong và ngoài nước có sự hoạt động có hiệu quả, để triển khai một số giải pháp.
Thứ nhất, doanh nghiệp cử chuyên gia tham gia xây dựng chương trình đào tạo, hướng dẫn một số chuyên đề cho sinh viên học thực tế và hướng dẫn sinh viên thực tập; tham gia đánh giá, chấm đồ án, khóa luận tốt nghiệp của sinh viên; tham gia nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Trong quá trình hợp tác, doanh nghiệp sẽ nắm bắt được sinh viên cần những gì, bạn nào có năng lực trong quá trình học tập, thực hành, phù hợp với doanh nghiệp để phát triển lâu dài. Những sinh viên đó sau khi tốt nghiệp sẽ được tuyển dụng ngay.
Thứ hai, trong thiết kế chương trình đào tạo, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải luôn xây dựng một học kỳ để sinh viên trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp, sau khi đã học xong kiến thức cơ bản và kiến thức cơ sở ngành. Trải nghiệm này không chỉ bổ sung kiến thức thực tế cho sinh viên, mà còn giúp các em dần làm quen với môi trường làm việc. Doanh nghiệp sau đó cũng không mất công đào tạo lại.
Thứ ba, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản với ba lĩnh vực: điện tử viễn thông, công nghệ kỹ thuật giao thông, logistics và vận tải đa phương thức. Khi hoàn thành chương trình đào tạo, cùng khả năng giao tiếp tiếng Nhật đạt ngưỡng cơ bản (được đào tạo tại nhà trường), sinh viên sẽ được tuyển sang làm việc tại Nhật Bản theo diện kỹ sư.
Không chỉ doanh nghiệp nước ngoài, nhà trường cũng đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp lớn trong nước, đảm bảo việc học gắn với thực tiễn, ứng dụng; sinh viên khi ra trường có việc làm ngay, đúng với chuyên ngành đào tạo.
Thí sinh nên chọn ngành phù hợp với sở trường, năng lực
- Theo ông, để chọn được ngành học, trường học phù hợp, thí sinh cần dựa vào những yếu tố nào?
TS Nguyễn Văn Lâm: Tôi có lời khuyên tới các em thí sinh rằng, để chọn được ngành học, trường học phù hợp, các em trước hết cần định vị bản thân và trả lời 4 câu hỏi.
Đầu tiên, em có yêu thích ngành học đó không? Đây là yếu tố quan trọng, bởi em phải yêu thích thì mới có đam mê, có đam mê mới có sáng tạo và sáng tạo mới dẫn tới thành công được.
Thứ hai, ngành đó có phù hợp với năng lực, sở trường của em hay không? Nếu các em lựa chọn ngành nghề vượt quá sức mình sẽ vô cùng nguy hiểm. Em chỉ thích Văn, giỏi Văn, không giỏi các môn Khoa học Tự nhiên lại chọn khối trường Công nghệ thì chắc chắn không phù hợp.
Thứ ba, cơ hội việc làm của ngành đó thế nào? Thí sinh có quyền lựa chọn ngành học mình muốn, nhưng không thể xa rời mục tiêu phát triển bản thân, có việc làm, có thu nhập để ổn định cuộc sống.
Thứ tư, khả năng kinh tế của gia đình em có chi trả được hay không? Ví dụ, em muốn vào học một trường học phí lên tới vài trăm triệu đồng/năm nhưng gia đình em điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập chỉ khoảng vài chục triệu đồng/năm thì để theo học sẽ rất khó khăn.
Nếu trả lời được đầy đủ 4 câu hỏi này, tôi tin rằng các em sẽ chọn được ngành phù hợp với mình.
Tuy nhiên, không phải không có trường hợp đặc biệt. Có những thí sinh rất đa năng, lĩnh vực nào cũng giỏi, gia đình lại có điều kiện kinh tế, thậm chí có thể hỗ trợ các em du học nước ngoài,.. Với trường hợp này, các em có thể lựa chọn bất cứ ngành nào em yêu thích. Còn với học sinh thuộc diện trung bình, khá, em nên cân nhắc và trả lời 4 câu hỏi trên để chọn được ngành nghề phù hợp với bản thân.
- Bên cạnh lo lắng về chọn ngành, chọn nghề, thí sinh cũng băn khoăn về cách lựa chọn, sắp xếp nguyện vọng khi đăng ký xét tuyển đại học. Ông có thể đưa ra lời khuyên cho các em trong vấn đề này?
TS Nguyễn Văn Lâm: Tôi muốn nhắn nhủ các em rằng, hãy biết đánh giá năng lực bản thân một cách đúng đắn. Các em không nên đánh giá quá thấp bản thân để tự tước mất cơ hội vào các ngành tốt, phù hợp; nhưng cũng không nên đánh giá mình quá cao, để có nguy cơ trượt khỏi tất cả nguyện vọng đã chọn.
Hiện nay, mỗi trường đại học đều có những ngành “mũi nhọn”. Ví dụ, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải chúng tôi có mũi nhọn về lĩnh vực Giao thông Vận tải, có thể khẳng định là top trường hàng đầu trong đào tạo lĩnh vực này. Khi chọn ngành, thí sinh nên hướng tới những ngành nghề “mũi nhọn” mà các trường đào tạo, để gia tăng cơ hội phát triển trong tương lai.
- Trân trọng cảm ơn TS Nguyễn Văn Lâm!
(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)