Ngành nào thị trường lao động đang rất cần?
Năm 2018, Đại học Công nghệ giao thông vận tải dự kiến tuyển 2.300 chỉ tiêu.
Trong đó 2.075 chỉ tiêu dành cho xét tuyển sử dụng kết quả thi trung học phổ thông quốc gia, 225 chỉ tiêu dành cho xét tuyển học bạ, 100 chỉ tiêu xét tuyển theo đặt hàng của doanh nghiệp (doanh nghiệp trả học phí, sinh viên có học bổng và thực tập hưởng lương, tốt nghiệp có việc làm ngay tại doanh nghiệp);
50 chỉ tiêu xét tuyển thẳng học sinh giỏi và 150 chỉ tiêu xét tuyển thẳng du học Pháp cho tất cả các ngành (học bổng toàn phần).
Được biết, năm nay trường mở thêm 3 ngành mới, đó là Thương mại điện tử; Logistics và quản lý chuỗi cung ứng; Công nghệ thông tin.
Các mô hình cơ khí như xe tăng, máy xúc lật, cầu vượt...là các sản phẩm nghiên cứu sáng tạo do các bạn sinh viên trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải nghiên cứu chế tạo.(Ảnh: Thùy Linh)
Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về lý do mở 3 ngành này, Phó giáo sư Đào Văn Đông – Hiệu trưởng Nhà trường cho hay:
“Chúng tôi nhận thấy, để đáp ứng nhu cầu nhân lực hiện nay thì giờ đây không nên đào tạo chuyên sâu một lĩnh vực mà cơ sở giáo dục đại học cần đào tạo theo hình thức bổ sung kiến thức nền tảng để sinh viên đa dạng hóa lĩnh vực làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin vào nhiều ngành nghề. Đây cũng là xu hướng ngành nghề của thế giới”.
Trước thông tin, năm nay Bộ yêu cầu các trường bắt buộc phải công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp của hai năm trước.
Đón nhận điều này, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải chia sẻ:
“Các trường không nên nghĩ đây là yêu cầu bắt buộc mà hãy xem đây là một điều tự nguyện bởi việc này rất có lợi cho nhà trường trong việc công khai minh bạch thông tin để phụ huynh, học sinh nắm được, từ đó lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân, đáp ứng đúng nhu cầu xã hội”.
Chia sẻ thêm, lãnh đạo trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải cho hay, mấy năm nay Nhà trường đã tiến hành thống kê và công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm, nhưng khi nhận được văn bản yêu cầu của Bộ thì nhà trường làm đúng theo biểu mẫu của Bộ Giáo dục và Đào tạo hơn và thấy hiệu quả rất tốt.
Đó là việc trường nắm được thông tin ngành nào nhu cầu việc làm trong xã hội đang cao để điều chỉnh cho phù hợp, ngành nào cần sự chuyển đổi hài hòa để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp chứ không thể đào tạo cứng nhắc hóa theo mô típ cũ được nữa.
“Rất may lĩnh vực ngành nghề mà trường đào tạo, sinh viên tốt nghiệp có tỉ lệ việc làm rất tốt, thậm chí có ngành ngay trong quá trình thực tập sinh viên đã cơ bản kết nối được với doanh nghiệp để sau khi ra trường ngay lập tức có việc làm.
Thậm chí có những ngành 98% sinh viên tốt nghiệp có việc làm”, ông Đông cho biết.
Gửi lời khuyên tới các thí sinh chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học, Phó giáo sư Đào Văn Đông cho hay:
Một số ngành hiện nay nhu cầu xã hội đã và đang bắt đầu có xu hướng rất cần trong chu kỳ 5 năm tới mà phụ huynh, học sinh cần quan tâm đó là ngành trực tiếp liên quan đến phát triển hạ tầng của đất nước bởi lẽ hệ thống đường sắt tốc độ cao và hạ tầng giao thông đang được triển khai quyết liệt nên cần nhiều đội ngũ nhân sự.
Ngoài ra, những ngành hiện nay đang cần nhu cầu nhân lực rất lớn đó là ngành Logistics và công nghệ thông tin ứng dụng cụ thể cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Được biết, 3 năm gần đây, trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn thông qua việc kí kết văn bản thỏa thuận để làm sao họ đưa ra số liệu cụ thể nhu cầu tuyển dụng hàng năm và giai đoạn 5 năm để trường điều chỉnh và đào tạo theo đơn đặt hàng.
“Khi đó, sinh viên sẽ được doanh nghiệp tài trợ toàn bộ học phí, trong quá trình thực tập thì được hưởng lương và sau khi tốt nghiệp sẽ vào làm tại doanh nghiệp đó.
Tất nhiên, tiêu chí về thu nhập và điều kiện làm việc thì nhà trường sẽ tham gia vào để làm sao có lợi nhất cho người học”, ông Đông nói.
Thùy Linh - giaoduc.net.vn