Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hạ tầng giao thông - ngành học chỉ dành cho GenZ yêu thích công nghệ và kỹ thuật tiên tiến
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, đem lại những đột phá tích cực cho nhiều ngành nghề trong xã hội. Lĩnh vực xây dựng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng cũng không nằm ngoài xu hướng đó khi nhiều công nghệ mới đã được phát triển và ứng dụng trong các giai đoạn khác nhau của dự án. Trong đó, mô hình thông tin công trình (Building Information Modeling - BIM) là một công nghệ hứa hẹn sẽ đem lại những bước ngoặt lớn, làm thay đổi các phương pháp truyền thống trong công tác thiết kế, thi công, quản lý, vận hành dự án …
BIM là một phương pháp làm việc thông minh, sử dụng mô hình kỹ thuật số 3D để quản lý thông tin dự án trong toàn bộ vòng đời công trình. Ngoài ra, BIM còn là một cơ sở dữ liệu số chứa mọi thông tin chi tiết của công trình, bao gồm các yếu tố kỹ thuật hình học, vật liệu, tiến độ, chi phí, và quản lý vận hành. Bằng cách này, BIM cho phép các bên liên quan trong dự án như kiến trúc sư, kỹ sư, nhà thầu, chủ đầu tư, đơn vị quản lý nhà nước làm việc cùng nhau trên cùng một nền tảng thông tin, từ đó tăng cường sự hiểu biết chung và phối hợp trong quá trình triển khai cũng như khai thác dự án.
BIM: mô hình kỹ thuật số 3D để quản lý thông tin dự án xây dựng trong toàn bộ vòng đời công trình
Trường đại học Công nghệ Giao thông Vận tải (UTT) là trường đại học công lập uy tín trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, có bề dày lịch sử gần 80 năm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành GTVT với triết lý đào tạo “Ứng dụng – Thực học – Thực nghiệp”. Từ năm 2024 nhà trường chính thức đào tạo chuyên ngành mới: Mô hình thông tin công trình (BIM) trong Cơ sở hạ tầng giao thông với mục tiêu đào tạo ra những kỹ sư BIM có kiến thức chuyên môn sâu rộng và kỹ năng thực hành thành thạo, đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động...
1. Quá trình đào tạo
- Thời gian đào tạo: 4.5 năm (Toàn thời gian).
- Chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp (30% lý thuyết + 70% thực hành)
BIM-lab phục vụ thực hành BIM tại UTT
- Sinh viên được tham gia các dự án hạ tầng giao thông ứng dụng BIM đang được triển khai trên cả nước ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường;Tham gia thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông tại Việt Nam như TEDI, Đèo Cả … ;
- Được đào tạo bài bản việc sử dụng các công cụ phần mềm tiên tiến nhất và quy trình kỹ thuật số trong toàn bộ vòng đời của một dự án, từ thiết kế và xây dựng đến bảo trì và vận hành;
- Học tập cùng với giảng viên và chuyên gia được đào tạo tại các trường đại học lớn trong và ngoài nước.
- Đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, sau khi tốt nghiệp có đủ kiến thức về kỹ thuật hạ tầng giao thông và kĩ năng về Công nghệ thông tin để có thể làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước;
- Có cơ hội tham gia các khóa học nâng cao trình độ thông qua các dự án hợp tác giữa Nhà trường với các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nước ngoài về BIM.
2. Cơ hội việc làm
- Làm việc trong các đơn vị trong và ngoài nước về tư vấn thiết kế, thi công, quản lý dự án … trong lĩnh vực hạ tầng giao thông với thu nhập hấp dẫn;
- Giảng dạy và nghiên cứu tại các trường Đại học, cao đẳng trong và ngoài nước, làm việc tại các viện, trung tâm nghiên cứu ,…
Khoa Công trình - Trường Đại học Công nghệ GTVT