Kỹ sư CNKT Cơ khí Đầu máy toa xe và tàu điện Metro

Kỹ sư CNKT Cơ khí Đầu máy toa xe và tàu điện Metro

Tên tiếng Việt: Công nghệ kỹ thuật cơ khí Đầu máy toa xe và tầu điện Metro

Tên tiếng Anh: Rolling stock and Metro Mechanical Engineering Technology

Thời gian đào tạo: 4,5 năm

Mã ngành: 7510201

Văn bằng tốt nghiệp: Kỹ sư Công nghệ kỹ thuật cơ khí

Nhu cầu nguồn nhân lực:

Theo chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 nhằm giảm tải cho đường bộ hiện đang quá tải ngành đường sắt đang được đặc biệt quan tâm, chú trọng và đầu tư có chiều sâu.

Giai đoạn đến năm 2020:

Ưu tiên thực hiện các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để đưa vào khai thác; phấn đấu hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và Hà Nội – Đồng Đăng (thuộc chương trình hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt – Trung); đầu tư xây dựng xong và đưa vào khai thác đường sắt cao tốc Bắc – Nam tốc độ 350 km/h, ưu tiên hoàn thành sớm đoạn Hà Nội – Huế hoặc Hà Nội – Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh – Nha Trang; hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân, đường sắt nối đến các cảng biển lớn, các khu công nghiệp, khu du lịch …. Đồng thời cải tạo nâng cấp các tuyến đường sắt quốc gia hiện có vào đúng cấp kỹ thuật đạt tốc độ 120 km/h phục vụ vận tải liên tỉnh, vận tải hàng hóa.

Tầm nhìn đến năm 2050:

Hoàn thành đường sắt cao tốc Bắc – Nam với các đoạn tuyến nối Hà Nội – Lạng Sơn, thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ – Cà Mau; hoàn thành xây dựng đường sắt Tây Nguyên, đường sắt xuyên Á, đường sắt ven biển đồng bằng Bắc Bộ; bên cạnh việc hoàn chỉnh mạng đường sắt đô thị tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với các giải pháp công nghệ phù hợp như đi ngầm hoặc đi trên cao để giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông cần phải tập trung đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị (metro và đường sắt trên cao) tại các thành phố lớn khác.

Thời điểm hiện tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang xây dựng 4 tuyến đường sắt nội đô trong đó:

+ Tuyến 2A (Cát Linh – Hà Đông) đang xây dựng và tuyển nhân lực đi đào tạo ở Trung Quốc đợt 2. 31/12/2016 sẽ đi vào hoạt động.

+ Tuyến số 3 (Nhổn – Ga Hà Nội) đang xây dựng và dự tính 11/2018 sẽ đi vào hoạt động, hiện tại chưa tuyển nhân lực cho tuyến.

+ Tuyến Bến Thành – Suối Tiên đang thi công vượt tiến độ, dự tính năm 2018 sẽ đi vào hoạt động. Hiện tại chưa tuyển nhân lực cho tuyến.

+ Tuyến Bến Thành – Tham Lương đang thi công vượt tiến độ, dự tính năm 2018 sẽ đi vào hoạt động. Hiện tại chưa tuyển nhân lực cho tuyến.

Và còn một số tuyến đường sắt nội và ngoại đô khác đã được phê duyệt cấp phép xây dựng trong tương lai.

Ngoài ra dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và bước đầu đã đi vào xây dựng 2 đoạn Hà Nội – Vinh; Thành phố Hồ Chí Minh – Nha Trang.

Mỗi dự án sẽ có phương thức vận hành và khai thác riêng tùy thuộc vào công nghệ của chủ đầu tư. Hiện tại chúng ta đang thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ cao, vì vậy trong thời gian tới nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ cho ngành đường sắt sẽ là rất lớn.

Khối lượng kiến thức toàn khoá:

Khối lượng kiến thức toàn khóa học là 150 tín chỉ (TC);  hai môn học bắt buộc là Giáo dục thể chất (4TC), Giáo dục Quốc phòng - An ninh (8TC), sẽ được cấp chứng chỉ riêng.

Cấu trúc kiến thức của chương trình đào tạo (TC) thể hiện ở bảng sau:

Khối kiến thức

Bắt buộc

Tự chọn

Tổng số

1. Kiến thức giáo dục đại cương

29

4

33

2. Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp

109

8

117

2.1. Kiến thức cơ sở ngành

40

4

44

2.2. Kiến thức ngành

36

4

40

2.3. Thực tập nghề nghiệp

21

 

21

2.4. Thực tập tốt nghiệp

4

 

4

2.5.  Đồ án tốt nghiệp

8

 

8

Tổng số

138

12

150

 

Kỹ năng sinh viên ra trường:

- Xây dựng, tổ chức thực hiện được quy trình chẩn đoán kỹ thuật, vận hành thiết bị, bảo dưỡng, sửa chữa đầu máy, toa xe và tàu điện metro;

- Thực hiện các kỹ năng cơ bản về: tiện, nguội, gò, hàn ứng dụng vào lĩnh vực công nghệ  kỹ thuật cơ khí đầu máy, toa xe và tàu điện metro; 

- Xác định, phân tích các nguyên nhân hư hỏng của chi tiết, tổng thành: động cơ, máy phát điện chính, máy phát điện phụ, hệ thống truyền động, hệ thống hãm, điện đầu máy…trong quá trình sử dụng và khắc phục được những hư hỏng đó;

- Sử dụng các phần mềm chuyên ngành trong thiết kế chế tạo các phụ tùng thuộc lĩnh vực công nghệ kỹ thuật đầu máy, toa xe và tàu điện metro;

- Phương pháp làm việc khoa học và chuyên nghiệp, khả năng trình bày, khả năng giao tiếp và làm việc hiệu quả theo nhóm;

- Hội nhập được với môi trường quốc tế trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật đầu máy - toa xe và tàu điện metro;

- Sử dụng ngoại ngữ, công nghệ thông tin để  nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học – công nghệ trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật đầu máy, toa xe và tàu điện metro.

Cơ hội nghề nghiệp và vị trí việc làm sau tốt nghiệp:

Hiện tại Nhà trường đã liên kết đào tạo với một số nước rất mạnh về đường sắt như Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ…Sau khi ra trường sinh viên có thể được tiếp cận với các nguồn học bổng từ các nước nói trên để nâng cao trình độ trở thành thạc sỹ, tiến sỹ.

Ngoài ra Nhà trường còn liên kết mật thiết với các đối tác trong nước như Bộ Giao thông vận tải, Tổng Công ty đường sắt, Ban Quản lý đường sắt Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề đường sắt, Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội, Xí nghiệp sửa chữa toa xe Hà Nội, Nhà máy xe lửa Gia Lâm…Do đó sau khi tốt nghiệp sinh viên sẽ được giới thiệu việc làm tới các cơ quan nói trên nếu các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng.

Vì vậy người học sau khi tốt nghiệp trở thành kỹ sư có thể làm việc tại các ga, trạm, đoạn, các xí nghiệp vận dụng, sửa chữa, đóng mới đầu máy toa xe; hoặc đăng kiểm viên của Trạm đăng kiểm hay Cục đăng kiểm; hoặc giáo viên giảng dạy trong các trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề; hoặc chuyên viên của Bộ Giao thông vận tải, Tổng Công ty đường sắt, Ban quản lý đường sắt …

File đính kèm