TTTĐ.VN - Hiền lành và khiêm tốn là những ấn tượng ban đầu về Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương (giảng viên Bộ môn Cầu- Hầm, Khoa Công trình, trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải). Cô gái sinh năm 1985 này đã công bố 35 bài báo khoa học và tham gia các đề tài thuộc Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted). Trong đó, chị có 2 bài đăng trên tạp chí quốc tế ISI và đều có số lượt trích dẫn rất cao.
>> Thanh niên với vấn đề hội nhập - Khát vọng vươn xa Bài 58: Tỷ phú gắn bó với nghề truyền thống
“Cú sốc” nơi đất khách Phương làcon gia đình thuần nông ở Bắc Giang . Cuộc sống còn nhiều khó khăn nên từ khi Phương và em trai còn nhỏ, bố mẹ và em gái út đã phải rời quê đi làm ăn xa. Cô gái kể: “Mình và em trai ở quê với ông bà ngoại. Là chị cả, mình luôn cố gắng học tập tốt để bố mẹ yên tâm và làm gương cho hai em. Ngày ấy giao thông đi lại từ Lạng Sơn về Bắc Giang còn gặp nhiều khó khăn, mỗi năm bố mẹ về thăm hai chị em được một vài lần. Vì thế, mình luôn mơ ước sau này sẽ tham gia thiết kế, xây dựng các công trình cầu - đường phục vụ cho sự phát triển của quê hương đất nước”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương trên đất Pháp
Với thành tích học tập xuất sắc nên sau khi tốt nghiệp lớp Cầu đường Pháp tại trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội, Phương nhận được học bổng dành cho sinh viên quốc tế của trường Đại học Sư phạm Cachan – Pháp với ngành Xây dựng công trình. Cô hăm hở lên đường khám phá kho tàng tri thức tại một đất nước tiên tiến. Tuy nhiên, thời gian đầu học tập tại đây, cô bị sốc rất lớn về kiến thức.
Trong khi học tập tại Việt Nam thiên về kỹ thuật thì tại trường Sư phạm Cachan và nhiều trường khác tại Pháp lại đào tạo rất nặng về cơ học hàn lâm.Với nền tảng cơ học không đầy đủ lại phải tiếp cận với một trình độ nghiên cứu cao và một môi trường làm việc quá khác biệt khiến Phương đã gặp vô vàn khó khăn. Song, chị đã nỗ lực không mệt mỏi để đạt được tấm bằng thạc sĩ trong vòng 10 tháng.
Thậm chí, sau khi về nước và đã làm giảng viên tại trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải , Phương có nhiều cơ hội để xin học bổng để tiếp tục học tập tại Pháp hoặc các nước nói tiếng Pháp khác, nhưng chị đã quyết định ở lại Việt Nam. “Gặp được GS.TSKH Đào Huy Bích là một cơ duyên lớn trong đời của mình. Dưới sự hướng dẫn dìu dắt của giáo sư, mình bắt đầu học lại từ các kiến thức cơ học cơ bản. Mình dần làm chủ những kiến thức khoa học và hiểu sâu sắc hơn những bài học trên đất Pháp để áp dụng vào Việt Nam” - Tiến sĩ Phương chia sẻ.
Chị cho biết thêm, gần đây xã hội có nhiều đánh giá rất không tốt về chất lượng tiến sĩ đào tạo trong nước nhưng đó chỉ là những đánh giá phiếm diện và đôi khi là “vơ đũa cả nắm”. Hiện nay nền Cơ học tại Việt Nam khá phát triển, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí uy tín trên thế giới. Với chị, quyết định học tiến sĩ trong nước là đúng đắn.
Đam mê vượt qua thử thách
Càng nghiên cứu khoa học, Phương càng đam mê, vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách để theo đuổi các công trình nghiên cứu khoa học. Chị nhớ như in khoảng thời gian làm nghiên cứu sinh tại Học viện kỹ thuật quân sự cũng là lúc chị mang bầu. Từ nhà đến nơi làm và đi học đều xa, cách nhau khoảng15km, sức khỏe Phương lại yếu nên 3 tháng đầu gần như hạn chế tất cả mọi việc và chỉ nằm một chỗ. Ngay khi sức khỏe khá hơn, Phương quay trở lại nghiên cứu còn dang dở và bắt tay vào viết luận văn Tiến sĩ.
“Nghiên cứu khoa học là một công việc đòi hỏi rất nhiều thời gian cũng như niềm đam mê, không phải một sớm một chiều có thể ra được ý tưởng mới hoặc giải quyết được một vấn đề phức tạp. Không như nam giới, người phụ nữ phải mang trên vai thiên sứ của một người mẹ nên làm tròn công việc tại cơ quan và công việc gia đình là một điều khó khăn, nhất là khi con còn nhỏ” – Phương chia sẻ.
Được chồng san sẻ, gia đình ủng hộ là động lực để Phương theo đuổi hai mảng nghiên cứu lớn là cơ học và kỹ thuật. Chị may mắn được tiếp xúc với các môi trường nghiên cứu khác nhau, từ Việt Nam đến Pháp, từ kỹ thuật đến hàn lâm nên hiểu rất rõ những khó khăn trong nghiên cứu tại Việt Nam. Vì vậy, chị đã biết cách vượt qua khó khăn về cơ sở vật chất để hoàn thành các nghiên cứu mà còn là cầu nối để cơ học được áp dụng vào thực tế kỹ thuật và đưa các yếu tố thực tế kỹ thuật vào các bài toán cơ học.
Hiện, TS Phương đã công bố 35 bài báo khoa học và tham gia các đề tài thuộc Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted) đã được nghiệm thu. Trong đó có 2 bài đăng trên tạp chí quốc tế ISI. Hai công trình này được chị thực hiện trong thời gian làm luận án Tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của GS Đào Huy Bích. Đến nay cả hai công trình này nhận được số lượt trích dẫn khá lớn, đặc biệt là một công trình đăng trên tạp chí International Journal of Mechanical Sciences, trong 1 năm đầu liên tục thuộc vào danh sách 25 bài được download nhiều nhất của tạp chí. Đặc biệt hai công trình này được rất nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế tiếp tục sử dụng để nghiên cứu và cải tiến trong các công trình tiếp theo. Ngoài ra một số công bố trong nước của Phương cũng có lượng trích dẫn lớn. Điển hình là công trình về “Ổn định phi tuyến của vỏ thoải hai độ cong FGM có gân gia cường” trên tạp chí Vietnam Journal of Mechanics.
Tuy là một công trình công bố trên một tạp chí trong nước nhưng đây là công trình mở ra một ý tưởng mới để rất nhiều tác giả. Tính đến nay bài báo này đã nhận được 44 trích dẫn đa phần trên các tạp chí khoa học quốc tế ISI (theo thống kê của Google Scholar). Những thành quả gặt hái được trong nghiên cứu khoa học đều được nữ tiến sĩ trẻ truyền tải đến các thế hệ sinh viên. Theo Phương, để không bị tụt hậu so với công nghệ của thế giới, chúng ta phải cố gắng tiếp thu, cải tiến và cao hơn là phát minh ra công nghệ. Mà nền tảng của công nghệ đều dựa trên những kiến thức khoa học chuyên sâu. Chị muốn sinh viên hiểu được điều đó để chủ động hội nhập quốc tế.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương vừa là một trong 10 cá nhân xuất sắc nhận giải thưởng “Phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước” năm 2017. Đây là giải thưởng cao quý tôn vinh người phụ nữ Việt Nam có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội. Chị Phương cho biết: “Với mỗi người ở công việc và địa vị khác nhau thì sự tự tin sẽ được tạo nên từ những góc độ khác nhau. Đối với mình, sự tự tin là khi mình làm chủ những kiến thức chuyên môn trước các vấn đề cấp thiết đặt ra trong công việc. Đối với xã hội thì sự tự tin của mình có được khi gia đình luôn hạnh phúc. Mình vẫn luôn cố gắng để hoàn thành thật tốt công việc ở cả hai lĩnh vực đó. Những nền tảng vững chắc này cũng sẽ giúp mình vươn xa hơn để bắt kịp những tiến bộ khoa học của thế giới”.
Thành Nam - Tuổi trẻ thủ đô