Trong tình hình phức tạp địa chính trị hiện nay, trên Thái Bình dương, các cường quốc quân sự đặt mục tiêu hàng đầu là tăng cường sự hiển diện của lực lượng Không quân – Hải quân trên vùng biển lớn, tích cực sử dụng không gian chiến trường từ hướng biển. Những nguy cơ các đòn tấn công đến từ phía biển đe dọa trực tiếp lợi ích quốc gia dân tộc tính từ cuối thế kỷ 20 ngày một tăng lên rõ rệt.
Thống kê và phân tích các cuộc xung đột vũ trang gần đây cho thấy, trên thế giới đang có nhưng chuyển đổi trọng tâm chiến trường trong các không gian tác chiến khác nhau trong đối đầu vũ trang và chiến tranh cục bộ. Hiện nay, tiến hành một xung đột vũ trang và kết thúc đấu tranh quân sự sẽ là cuộc đối đầu không khoan nhượng trên không trung và trên biển. Nhiệm vụ ngăn chặn, tiêu diệt địch và đánh bại ý đồ chiến tranh, ý chí xâm lược địa chính trị của kẻ thù được quyết định bằng chiến thắng không phải của các binh đoàn tăng thiết giáp và binh chủng hợp thành bộ binh cơ giới trên đất liền, mà là ngăn chặn, đánh tiêu diệt đối phương bằng các đòn phản kích trên không trung và từ hướng biển. Trên biển lớn, Hải quân quốc gia biển phải đối đầu với các liên minh sức mạnh của các cường quốc biển và các siêu cường biển. Các cụm binh lực Không – Hải của đối phương có tiềm lực quân sự rất lớn.
Sơ lược tình hình lực lượng tên lửa hành trình trên biển lớn của các cường quốc quân sự.
Cụm binh lực Hải quân NATO có hơn 1,8 nghìn máy bay chiến đấu, gần 5 nghìn tên lửa hành trình trên biển. Trong các vùng nước chiến lược và các biển giới hạn, luôn có sự hiển diện của các tập đoàn hải quân NATO và Mỹ, đó là các cụm binh lực thuộc Hạm đội 5,6,7 nằm trong biên chế của Cụm CVBG (Carrier battle group), các phương tiện mạng vũ khí tấn công đường không bao gồm (120 – 160 máy bay tiêm kích đa năng), 36 phương tiện mang hệ thống phóng tên lửa hành trình Tomahawk với hơn 700 tên lửa. Toàn bộ cụm CVBG đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu trong thời gian 1 giờ. Trong tình huống căng thẳng đến nguy cơ chiến tranh, CVBG có thể tăng cường sức mạnh lên gấp 3 lần và hình thành tới 9 cụm CVBG chiến thuật với 360 máy bay chiến đấu, 80 phương tiện mang tên lửa Tomahawk với cơ số tên lửa là 2 nghìn đầu đạn.
Các tên lửa hành trình lớp Tomahawk qua thử nghiệm cho thấy hệ số ổn định rất cao = (0.94-0.96). Để có được điều này, người Mỹ đã có hơn 10 năm phát triển và ¼ thế kỷ cải tiến, khai thác và sử dụng.
Ngày từ cuối thế kỷ 20, Trung Quốc với tham vọng vươn ra biển lớn, cũng phát triển mạnh mẽ tên lửa hành trình. Các tên lửa hành trình từ các phương tiện bay "Kh-29", "Kh-31p" và "Kh-59MK" nhận được từ nước Nga vào những năm đầu thế kỷ 21, theo "Sinodefence.com". Năm 2002 Không quân Trung Quốc đã sở hữu khoảng 2000 tên lửa có điều khiển Kh – 29, được sử dụng để lắp đặt trên các máy bay Su – 30 MKK và các máy bay tương đương. Tên lửa tấn công mục tiêu trên khoảng cách 10 km, mang khối lượng nổ đến 317 kg. Cũng trong giai đoạn này, Trung Quốc nhận được hàng trăm tên lửa hành trình Kh – 31P, điều khiển radar, có khả năng tấn công mục tiêu trên khoảng cách 110 km với đầu đạn mang 87 kg thuốc nổ mạnh. Ngoài ra, không quân PLA còn được biên chế các tên lửa Kh-59MK nhằm tiêu diệt các mục tiêu cố định trên mặt đất, trên biển, các mục tiêu có kích thước nhỏ trên khoảng cách đến 50 km, khối lượng đầu đạn 148 kg thuốc nổ.
Theo thông tin từ trang "Sinodefence.com" vào cuối năm 2005 г. Hải quân PLA nhận được các tổ hợp tên lửa đầu tiên "3M-54DE1" trang bị cho tàu ngầm diesel 636. Tên lửa "3M-54E1" được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu trên mặt nước và tên lửa "ЗМ-14E" tiêu diệt các mục tiêu trên đất liền, tên lửa "91RE1" chống ngầm thuộc tổ hợp tên lửa “Club”, trong đó, tổ hợp Club – S được lắp đặt cho tàu ngầm diesel lớp Kilo và tương đương phóng qua ống phóng ngư lôi 533mm "СLub-N" trang bị cho các chiến hạm nổi và các tổ hợp phóng tên lửa cơ động.
Căn cứ trên bảng thống kê tên lửa hành trình chống tàu và mục tiêu mặt đất tính đến năm 2006, có thể thấy:
Các phương tiện mang tên lửa hành trình PLAN có Không quân chiếm (31.5%), xuồng tên lửa hạng nhẹ chiếm (21.7%). Cả hai loại phương tiện mang này chiếm hơn một nửa số lượng tên lửa hành trình. Các chiến hạm có lượng giãn nước lớn – khu trục hạm, tàu hộ vệ tên lửa và tàu ngầm chiếm phần còn lại trong tổng số tên lửa hành trình tấn công, riêng tàu ngầm có số lượng tương đối nhỏ (9,9%) do thực hiện nhiệm vụ chống ngầm. Một số lượng rất lớn tên lửa hành trình trên chiến hạm nổi và tàu ngầm 88.6% (448 tên lửa hành trình "HY-2", 720 "YJ-8, -83" và 32 "3М-80E") thực hiện nhiệm vụ tác chiến trên vùng nước gần, từ 95-120 km so với phương tiện mang, chỉ có một số lượng không nhiều các tên lửa hành trình trên tàu – chiếm 4.7% (32 tên lửa chống tàu "3М-54E1" và 32 "YJ-62") có thể tấn công trên khoảng cách xa, đến 280-300 chiều sâu chiến trường. Không quân Hải quân PLA được xác định bởi bán kính tác chiến của phương tiện bay, bao gồm:
Thực tế hiện nay, chưa có trường hợp nào đánh giá được chất lượng của các tên lửa hành trình của PLAN, trên các phương tiện thông tin đại chúng hoàn toàn không có các thông số đánh giá tính năng kỹ chiến thuật thực tê của tên lửa từ Trung Quốc. Phương thức tác chiến chiến dịch chiến thuật
Trên cở sở học thuyết và kinh nghiệm tác chiến từ đại chiến thế giới thứ II và chiến tranh Việt Nam, các loại vũ khí tranh bị tấn công các mục tiêu ven biển và hải đảo của đối thủ tiềm năng sẽ là các cụm hải quân tấn công chủ lực (Naval Strike Group - NSG). Theo biên chế, các cụm NSG bao gồm các tuần dương và khu trục hạm tên lửa, các hộ tống hạm. Theo tiêu chuẩn tác chiến của NATO – Mỹ, các cụm NSG phải có khả năng tấn công theo chiều sâu chiến trường trên khoảng cách đến 2,5 nghìn km (với độ chính xác đến 1 m). Mỗi cụm NSG có khả năm mang đến 120-190 tên lửa hành trình. Đến năm 2030, Hải quân Mỹ trong biên chế có khoảng 400 chiến hạm, trong số đó có hơn 50% số lượng tàu mang tên lửa hành trình và có khoảng 12 tàu sân bay.
Các cụm CVBG trong biên chế có ít nhất một tàu sân bay đa nhiệm, lực lượng máy bay trên boong tàu, từ 6 – 8 chiến hạm hộ tống, có lực lượng chống ngầm mạnh và các tổ hợp phòng không chiến hạm. Trong biên chế lực lượng CVBG đa nhiệm có thể có từ 1-2 tàu ngầm nguyên tử đa nhiệm và các tàu vận tải. Sự phát triển mạnh mẽ hệ thống phòng không đa năng của cụm binh lực hải quân đảm bảo khả năng tác chiến mạnh mẽ và bảo vệ chắc chắn.
Tàu sân bay, đó là một sư đoàn không quân Hải quân được bảo vệ mạnh, mang theo từ trên 22 máy bay (tàu sân bay Liêu Ninh) đến gần 100 các phương tiện bay các loại. Các sân bay nổi này cho phép cất hạ cánh các máy bay chiến đấu trong điều kiện thời tiết xấu, biển động cấp 6 – 7, có khả năng cơ động hàng nghìn km trong ngày, mang theo một cơ số khổng lồ nhiên liệu máy bay, vũ khí, bom đạn, các trang thiết bị khí tài trinh sát và tiêu diệt mục tiêu, trong đó có số lượng không nhỏ tên lửa hành trình.
4 tàu ngầm nguyên tử “Ohio” được đưa khỏi biên chế của lực lượng chiến lược, được lắp đặt các thiết bị phóng tên lửa hành trình và năm 2006 đã được biên chế đến 154 đầu đạn Tomahawk cho mỗi tàu. Bằng phương pháp này, sức mạnh tấn công của Hải quân Mỹ đã tăng rất cao khi tham gia vào các cuộc chiến tranh cục bộ và các xung đột vũ trang có sử dụng vũ khí thông thường. Các tàu ngầm nguyên tử, dựa vào ưu thế bí mật, bất ngờ của mình, trong thời gian ngắn có thể giáng những đòn tấn công hỏa lực ồ ạt, có độ chính xác cao vào các mục tiêu có kích thước nhỏ, trên khoảng cách chiều sâu chiến dịch từ 2, 5 đến 3 nghìn km.
Sơ đồ tấn công đường không của Không quân - Hải quân nước ngoài No1
Sơ đồ tấn công đường không của Không quân - Hải quân nước ngoài No2
Sự phát triển của tàu sân bay Liêu Ninh đang từng bước hình thành cụm CVBG của lực lượng Hải quân PLA, theo kinh nghiệm của chính Hải quân Mỹ, PLAN cũng đang xây dựng cụm binh lực tấn công, dựa trên cơ sở một tàu sân bay duy nhất trong không gian hẹp – biển Đông và biển Hoa Đông. Do giới hạn về số lượng tàu sân bay cũng như tiềm lực về tên lửa hành trình, PLAN dự kiến sẽ sử dụng một số các hòn đảo đá ngầm như một sân bay dã chiến trên biển, tăng cường lực lượng các khu trục hạm phòng không, các xuồng phóng tên lửa hành trình tàng hình và không ngoại trừ trường hợp, Trung Quốc sử dụng giải pháp của Mỹ, chuyển loại các tàu ngầm nguyên tử đa nhiệm trở thành các tàu ngầm mang tên lửa hành trình. Do thực lực tên lửa hành trình cho xung đột vũ trang trên biển lớn của PLAN còn rất xa mới ngang tầm với Hải quân Mỹ, Trung Quốc sẽ tiến hành các cuộc tập kích đường không cường độ cao, tập trung vào các mục tiêu cụ thể, giới hạn thời gian ngắn, tăng cường thêm lực lượng lính thủy đánh bộ trên các tàu đổ bộ tốc độ cao nhằm đạt hiệu quả tối ưu trong các xung đột vũ trang cường độ thấp.
Những năm gần đây, hải quân Mỹ đã đạt được hệ số sử dụng binh lực ở mức độ cao nhất. Trên các đại dương thế giới liên tục cơ động 7 trong số 12 cụm NSG, 10 trong số 12 cụm CVBG với tổng binh lực lên đến 55 nghìn lính thủy đánh bộ, 68% tổng số các chiến hạm nổi, 70% các tàu ngầm đa nhiệm. Thực tế 70% lực lượng hải quân Mỹ đã được triển khai trên biển.
Trong không gian biển hẹp hơn, giới hạn khu vực phía biển Đông được coi là hướng phát triển chủ yếu của Hải quân Trung Quốc, nhằm phục vụ cho mục đích khống chế biển Đông và đẩy lùi Mỹ ra khỏi eo biển Malacca, Bắc Kinh đã nỗ lực xây dựng đảo Hải Nam trở thành căn cứ tàu ngầm chiến lược có sức chứa đến 20 tàu ngầm nguyên tử đa nhiệm, ngoài ra, căn cứ còn là nơi thường trú của tàu khu trục tên lửa lớp 052C, các tàu hộ vệ lớp frigate 054А,các khinh hạm tên lửa lớp type 022, tàu đổ bộ trực thăng hạng nặng lớp type 071 và tàu sân bay Liêu Ninh. Ngày 09.04.2013, chủ tịch Tập Cận Bình đã trực tiếp đến thị sát căn cứ quan trọng trên biển Đông này và trực tiếp kiểm tra 1 trong 3 tàu ngầm nguyên tử trang bị tên lửa đạn đạo Type 094 - lớp Jin tới căn cứ hải quân mới tại vịnh Yalong, thuộc đảo Hải Nam. Ngoài ra đảo Hải Nam còn là căn cứ của hai lữ đoàn lính thủy đánh bộ với quân số lên đến 5000 người.
Với lực lượng Hải quân hùng hậu đã nêu và phương tiện trang bị hiện có, trong trường hợp xung đột cường độ thấp với sự tham gia của KQHQ PLAN trên biển Đông, 60 – 65% tiềm lực công nghiệp và công nghiệp quốc phòng ven biển Đông với hơn 80% lãnh thổ vùng ven biển nằm trong nguy cơ đe dọa của tên lửa hành trình đa tầm Trung Quốc.
Ngăn chặn và đánh thắng các cuộc tập kích Không – Biển.
Kinh nghiệm của các cuộc chiến tranh nửa cuối thế kỷ 20 sang đầu thế kỷ 21, đặc biệt là cuộc chiến tranh ở Kosovo và ở Iraq cho thấy. Mục tiêu chủ yếu của mọi cuộc xung đột, chiến tranh cục bộ dồn nén thời gian của đối phương là đánh tiêu diệt tiềm lực kinh tế và quân sự nhằm áp đặt các mục tiêu chính trị. Điều kiện tiên quyết để đánh bại ý đồ chiến tranh của kẻ thù là bẻ gãy và đánh thiệt hại nặng đòn tấn công ồ ạt bằng tên lửa hành trình và các phương tiện bay của đối phương, giảm đến tối thiểu tổn thất về kinh tế, quân sự và gây cho địch những thiệt hại nặng về tiềm năng tên lửa cũng như các phương tiện mang.
Những bài học sâu sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972 cho thấy, để đánh chặn một đợt tấn công ồ ạt (kiểu như “dạy một bài học” “trừng phạt”…) bằng tên lửa hành trình, máy bay tiêm kích đa nhiệm, UAV, ngay trong điều kiện thời bình, phải tiến hành xây dựng một thế trận phòng không mạnh trên biển lớn, triển khai đồng bộ hàng loạt những biện pháp chuẩn bị, liên kết phối hợp chặt chẽ với nhau, hình thành các cụm binh lực phòng không trên biển, phòng thủ bờ biển, hải đảo với lực lượng hải quân làm nòng cốt nhằm sẵn sàng đánh chặn các đòn tấn công bất ngờ trên không – biển của đối phương, thực hiển các biện pháp đảm bảo hậu cần kỹ thuật chiến trường.
Thứ nhất: Trong thế trận phòng thủ Biển và Bờ biển, nhiệm vụ hàng đầu là tăng cường trinh sát, nắm bắt tình hình đối thủ tiềm năng và những nguy cơ có thể xuất hiện trên biển, trong đó đặc biệt quan tâm là các cụm binh lực hải quân NSG và CVBG, tàu ngầm mang tên lửa hành trình và những hoạt động của các cụm không quân chiến lược chiến dịch tác chiến tầm xa, có khả năng mang tên lửa hành trình, đảm bảo các lực lượng của ta có đủ thời gian triển khai các hoạt động ngăn chặn đối phương vào tuyến tấn công phóng tên lửa hành trình và tiêu diệt tên lửa hành trình, UAV và máy bay chiến đấu của đối phương.
Thứ hai: Khác hơn so với các quân binh chủng khác, lực lượng Hải quân khi phản kích đánh chặn các đòn tấn công trên Không – Biển còn có khả năng tấn công tiêu diệt các phương tiện mang vũ khí tên lửa hành trình. Các mục tiêu chủ yếu sẽ là các chiến hạm mang tên lửa hành trình, máy bay và tàu ngầm đa nhiệm của đối phương.
Kinh nghiệm cuộc chiến vùng Vịnh và Nam Tư cho thấy, các đòn tấn công tập trung với cường độ cao của KQHQ và các chiến hạm mang tên lửa hành trình Tomahawk trở thành yếu tố then chốt trong tác chiến đường không. Thực tế chiến trường cho thấy, các đòn tấn công của tên lửa hành trình đã đảm bảo thành công trong sứ mệnh thống trị không trung vào thời điểm đầu của chiến tranh, xung đột. Các cụm NSG và CVNG đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nhiệm vụ hủy diệt các mục tiêu quan trọng nằm sâu trong tuyến phòng thủ của đối phương và tiến hành các hoạt động tác chiến cùng với các quân binh chủng khác trên chiến trường viễn chinh. Chính vì vậy, tiêu diệt và đánh thiệt hại các phương tiện mang như tàu sân bay, các chiến hạm nổi mang tên lửa, tàu ngầm mang tên lửa hành trình là nhiệm vụ hàng đầu trong các hoạt động tác chiến của hạm đội (ngay cả trong trường hợp đối phương thực hiện chiến dịch tấn công chủ yếu bằng đường không – chiến hạm đối phương không đi sâu vào vùng nước có chủ quyền, không có các hoạt động đổ bộ đường biển đánh chiếm mục tiêu đảo, bờ biển). Với đất nước có bờ biển dài, có nhiều đảo nhỏ, đánh chặn đòn tập kích đường không của đối phương có sự tham gia của các tàu ngầm mang tên lửa hành trình, các binh chủng không quân tên lửa các tầm (tầm trung, tầm xa), các chiến hạm nổi mang tên lửa. Lực lượng hải quân tham gia hệ thống phòng không chông lại các đòn tập kích Không – Biển, sẽ tiến hành chiến dịch tấn công các cụm mục tiêu NSG và CVBG của đối phương, truy tìm, bao vây tiêu diệt các tàu ngầm mang tên lửa hành trình và tiêu diệt các tên lửa hành trình trên quỹ đạo bay bằng các loại vũ khí, trang thiết bị theo biên chế, liên kết phối hợp với dân quân tự vệ trên biển (các cụm tàu đánh cá, tàu vận tải dân sự…) trong đó, dân quân tự vệ biển có thể thực hiện các nhiệm vụ như trinh sát mục tiêu, thông tin liên lạc, tiêu diệt các mục tiêu UAV.
Thứ ba: Thế trận phòng không ngăn chặn đòn tấn công từ hướng Biển được xây dựng trên cơ sở căn bản của liên kết phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Hải quân với các lực lượng, các đơn vị thuộc quân binh chủng Phòng không – Không quân, trong đó hệ thống phòng không đa tầng đa dạng vũ khí trang bị, bảo vệ chắc chắn mục tiêu (các căn cứ trên bờ biển, các chiến hạm đang hoạt động trên biển) là yêu tố quyết định dành thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc, đảm bảo thực hiện xuất sắc nhiệm vụ trong hoạt động tác chiến. Lực lượng và vũ khí trang bị phòng không, theo Điều lệnh tác chiến Hải quân nước ngoài quy định, biên chế tổ chức trong hệ thống phòng không là lực lượng đảm bảo chắc chắn khả năng chiến đấu của các đơn vị quân binh chủng hợp thành bảo vệ bờ biển, hải đảo và các phương tiện tác chiến trên mặt biển, đặc biệt trong tình huống địch ra đòn tấn công ồ ạt đầu tiên bằng tên lửa hành trình.
Thứ tư: Nội dung cơ bản huấn luyện trạng thái sẵn sàng chiến đấu hệ thống phòng không hạm đội là đưa toàn bộ hệ thống vào trạng thái sẵn sàng đánh trả các đòn tập kích đường không bất ngờ của đối phương. Trong tiến trình triển khai hệ thống phòng không theo hướng biển cần đảm bảo những yêu cầu sau:
1- Duy trì thường xuyên trạng thái sẵn sàng đánh chặn hiệu quả các đòn tấn công bất ngờ của đối phương.
2- Đảm bảo triển khai lực lượng phòng không vượt trước thời gian triển khai các lực lượng khác được bảo vệ.
3- Phát triển lực lượng, vũ khí trang bị và kỹ chiến thuật tác chiến trên cơ sở cấp độ phát triển lực lượng và phương tiện tấn công của đối phương, tăng cường khả năng khai thác sử dụng các loại vũ khí khí tài mới trong hệ thống phòng không.
4- Tổ chức thế trận phòng không được thực hiện căn cứ vào quyết định của Bộ tư lệnh quân chủng hải quân về các hoạt động phòng ngự. Hệ thống phòng không trên bờ biển, trên biển và các vùng nước cơ động chiến đấu của hải quân là một tổ hợp thống nhất, bao gồm các hệ thống sau: trinh sát, tình báo phát hiện mục tiêu đường không đối phương và nắm chắc tình hình đối phương, hệ thống máy bay tiêm kích bảo vệ mục tiêu, hệ thống tên lửa phòng không, hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống thông tin liên lạc điều hành tác chiến.
Thế trận phong không của các phân đội binh chủng thuộc hạm đội trong chiến đấu được tổ chức thành các tuyến phòng ngự, tuyến tiền tiêu Phòng không (thứ I) thuộc lực lượng binh chủng tiêm kích tầm xa trong trạng thái “tuần tiễu trên không”, tăng cường khả năng sử dụng radars trinh sát đường không tầm xa của máy bay và các tàu trang bị hệ thống ra đa trinh sát cảnh bảo sớm, hình thành hệ thống đồng bộ radars đa tần, giảm thiểu tối đa khả năng địch sử dụng trang thiết bị tác chiến điện tử. Tuyến phòng không thứ II là vùng tác chiến của các máy bay tiêm kích trong trạng thái “trực sẵn sàng chiến đấu” trên sân bay, hệ thống tên lửa phòng không tầm trung và tầm xa, các tổ hợp khí tài tác chiến điện tử. Trường trinh sát được hình thành bởi các radars máy bay tuần biển, các trực thăng trinh sát và cảnh báo sớm cất hạ cánh trên các hạm tàu đa năng, các tàu tuần biển trinh sát và cảnh báo sớm. Tuyến phòng thủ thứ III (tầm cận gần) được thực hiện bởi các chiến hạm bằng vũ khí, khí tài theo biên chế, bao gồm các tổ hợp phòng không và tác chiến điện tử theo biên chế, các hệ thống phòng không bờ biển, hải đảo và hệ thống phòng không bảo vệ mục tiêu.
Hiệp đồng tác chiến giữa lực lượng phòng không hạm đội và lực lượng không quân trong chiến đấu phòng không 90% thuộc cơ cấu tổ chức của lực lượng phòng không tầm xa có sử dụng máy bay AWAS, (trinh sát và cảnh báo sớm).
Một vấn đề rất phức tạp và có ý nghĩa sống còn trong phòng không Biển, bờ biển và hải đảo là đưa lực lượng, binh khí kỹ thuật và các mục tiêu quan trọng cơ động thoát khỏi đòn tấn công ồ ạt quy mô lớn của đối phương. Để thực hiện nhiệm vụ này, cần dự báo và tính toán được thời gian, khu vực các đòn tấn công quy mô lớn, các cụm binh lực và các mục tiêu có thể bị tấn công, triển khai các biện pháp phòng ngự, tiến hành các hoạt đông huấn luyện và chuẩn bị lực lượng cơ động hành quân khi địch bắt đầu công kích, huấn luyện diễn tập rút ngắn thời gian cất cánh của không quân, giãn cách khoảng cách giữa các chiến hạm, các phân đội, các phương tiện hậu cần kỹ thuật, thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo tối đa công tác ngụy trang, đánh lừa địch.
Hiện nay, khoảng cách giữa các khả năng phát triển các loại vũ khí trang bị tấn công đường không của kẻ thù tiềm năng và sự suy giảm năng lực của các lực lượng và phương tiện phòng không của Quân chủng PKKQ và Hải quân ngày càng lớn. Những yếu tố dẫn đến sự suy giảm này phụ thuộc vào nhiều điều kiện khách quan và chủ quan trong sự phát triển của nền kinh tế và công nghiệp quốc phòng.
Để hoàn thành nhiệm vụ Phòng không phức tạp của thời điểm đầu chiến tranh, Hải quân cần có được những đơn vị hợp thành có sức mạnh tấn công của nhiều loại vũ khí có uy lực mạnh. Các đơn vị hợp thành này phải có khả năng gây tổn thất nặng nề cho đối thủ tiềm năng ngay từ phút đầu của cuộc chiến hoặc bẻ gãy hoàn toàn ý đồ tấn công xâm lược từ phía biển. Tiến hành thành công chiến lược phòng không trong giai đoạn hiện nay có thể xác định được tiến trình và kết quả của chiến tranh. Trong những điều kiện xác định, kết quả của những hoạt động phòng không cấp chiến lược sẽ là yếu tố quyết định đạt được mục đích cuộc xung đột vũ trang – chiến tranh cục bộ.
Phân tích các nhiệm vụ cụ thể trong xung đột vũ trang, khi tiến hành phân vùng các khu vực phòng không tầm xa, tầm trung và tầm gần cho thấy: điều kiện tiên quyết để ngăn chặn một cuộc đột kích ô ạt quy mô lớn tên lửa hành trình đa tầm của đối phương là đầy vùng phòng không ra tầm xa phòng ngự bằng các phương tiện hải quân tác chiến tầm xa trên biển lớn (các tuần dương, khu trục, các tàu đổ bộ trực thăng và các tàu hộ vệ mang tên lửa phòng không). Cho đến thời điểm này, vấn đề phân vùng phòng không tầm xa và tầm trung chưa có được những phương tiện tác chiến kể cả Không quân và Hải quân, trong khi đó yêu cầu của chiến tranh hiện đại đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Không quân tiêm kích tầm xa và Phòng không hải quân nhằm ngăn chặn những đòn tấn công của đối phương ngay từ giai đoạn đầu tiên. Vấn đề này sẽ dẫn đến một tình huống, lực lượng Phòng không không thể tác chiến hiệu quả xa bờ, mà bị đẩy sát vào vùng nước ven biển và hải đảo, giảm đến tối thiểu khả năng mở rộng vùng cơ động và chịu áp lực đột kích từ nhiều hướng, nhiều chiều vào một cụm mục tiêu cần bảo vệ. Sự thu hẹp vùng phòng không từ hướng biển còn gặp nguy cơ quan trọng hơn là sự tiêu hao và tổn thất vũ khí, khí tài, phương tiện tác chiến trong điều kiện đối phương tấn công dồn dập, ồ ạt tên lửa hành trình, bom có điều khiển kết hợp với ngư lôi thông minh. Hơn thế nữa, hiện nay Hải quân còn phải đối mặt với sự lỗi thời hóa phương tiện tác chiến do sự phát triển nhanh chóng vũ khí tấn công của kẻ thù tiềm năng.
Trên cơ sở tiềm lực kinh tế - chính trị và sự phát triển công nghiệp đóng tàu quốc gia. Sứ mệnh quan trọng đặt ra đối với Hải quân hiện này là cần có các tàu hộ vệ Frigate và Khu trục mang hệ thống tên lửa phòng không mạnh, có khả năng mở rộng vùng phòng không tầm xa và đảm bảo tác chiến hiệu quả vùng phòng không tầm trung trên biển lớn. Sự hình thành các tuyến phòng không tầm xa với không quân tiêm kích, phòng không tầm trung kết hợp với phòng không tầm gần (bảo vệ các mục tiêu cụ thể - cụm chiến hạm trên biển) các mục tiêu bở biển, hải đảo sẽ đẩy lùi tuyến triển khai chiến đấu của các cụm NSG và CVBG ra ngoài tầm tấn công của các tên lửa hành trình, giảm thiểu tối đa nguy cơ “chiến tranh dồn nén thời gian – xung đột tốc độ cao phi chủ ý” Hơn thế nữa, sự xuất hiện các cụm chiến hạm phòng không hạm đội sẽ đe dọa tất cả các phương tiện tác chiến đường không của đối phương, ngăn chặn nguy cơ khống chế bầu trời (), bóp nát âm mưu tiến hành chiến tranh, sử dụng áp lực quân sự - chính trị của kẻ thù tiềm năng, bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.
Trong tương lai gần, các quốc gia biển cần phải hình thành các cụm binh lực phòng không – chống ngầm Hải quân mạnh, có khả năng triển khai trên bất cứ vùng nước nào nằm trong chủ quyền quốc gia, lợi ích của đất nước. Cụm Phòng không – chống ngầm Hải quân phải đảm nhiệm nhiệm vụ là lá chắn tiền tiêu cho hệ thống phòng thủ trên biển trong Hệ thống phòng thủ của quốc gia. Sự hình thành các cụm phòng không – chống ngầm sẽ là một nhân tố mạnh làm cân bằng cán cân lực lượng đang nghiêng về phía các siêu cường có tiềm lực quân sự và tham vọng thống trị biển và đại dương. Nếu một quốc gia biển không có được lực lượng phòng không – chống ngầm mạnh, đủ sức bẻ gẫy mọi âm mưu áp đặt lợi ích chính trị của siêu cường – nguy cơ mất đi những lợi ích chính đáng của quốc gia, dân tộc sẽ luôn luôn thường trực đe dọa tương lai của Tổ quốc.