Đề án Tuyển sinh theo nhóm trường GX


Đề án Tuyển sinh theo nhóm trường GX

08/04/2016

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘI
 

ĐỀ ÁN
Tuyển sinh theo nhóm trường GX

Các Trường tham gia xây dựng đề án:
1. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
2. Trường Đại học Kinh tế quốc dân
3. Trường Đại học Xây dựng
4. Trường Đại học Ngoại thương
5. Trường Đại học Thủy lợi
6. Trường Đại học Giao thông vận tải
7. Trường Đại học Mỏ-Địa chất
8. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
9. Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải
10. Học viện Ngân hàng

 

HÀ NỘI, THÁNG 3-2016

1. Sự cần thiết
Căn cứ Thông tư  số  03/2016/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 14 tháng 3 năm 2016  về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 03/2015/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 02 năm 2015 (gọi tắt là Quy chế tuyển sinh), thí sinh được đăng ký xét tuyển tối đa vào 02 trường vào đợt 1 và 03 trường vào các đợt bổ sung, tối đa 02 nguyện vọng vào mỗi trường và không được thay đổi nguyện vọng đã đăng ký. Với quy định mới này, một mặt thí sinh được quyền chọn trường rộng rãi hơn so với kỳ tuyển sinh năm 2015, nhưng mặt khác hiện tượng “trúng tuyển ảo” sẽ tái diễn đối với nhiều trường, gây khó khăn và những xáo trộn trong quá trình tuyển sinh của các trường đại học, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trúng tuyển của thí sinh.
Thông tư này cũng cho phép thực hiện xét tuyển theo nhóm trường, đây là một giải pháp cải tiến cần thiết nhằm khắc phục vấn đề nêu trên. Đề án tuyển sinh theo nhóm trường được xây dựng trên cơ sở tuân thủ những nội dung cơ bản của Quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT); đảm bảo sự công khai, minh bạch, công bằng trong tuyển sinh và là cơ sở để thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh của các trường đã được quy định trong Luật Giáo dục đại học.
 

2. Cơ sở pháp lý xây dựng đề án
-  Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2012; 
-  Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 03/2015/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 02 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT,
- Thông tư  số 03/2016/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 03/2015/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 02 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
 

3. Mục tiêu của đề án
Đề án Tuyển sinh theo nhóm trường nhằm xây dựng một phương án tuyển sinh đại học hệ chính quy dựa trên kết quả Kỳ thi THPT quốc gia, với sự tham gia của một số trường đại học (gọi tắt là các Trường) trong khu vực Thủ đô Hà Nội và lân cận, do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì (gọi tắt là Trường chủ trì). Phương án tuyển sinh phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:
- Tuân thủ chặt chẽ các quy định trong Quy chế tuyển sinh hiện hành
- Phương thức xét tuyển chung có hiệu quả nhằm giảm thiểu hiện tượng "trúng tuyển ảo" cho các trường tham gia.
- Tạo cơ hội, không gây ra sự phức tạp tốn kém cho thí sinh; không làm giảm quyền lợi của thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXT).
- Tuân thủ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định và từng trường đại học quy định.
 

4. Phương án tuyển sinh theo nhóm trường
4.1 Các nguyên tắc chung
a) Thống nhất sử dụng duy nhất kết quả thi THPT Quốc gia để xét tuyển vào các trường trong nhóm theo Quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ GD&ĐT.
b) Sử dụng chung một phần mềm quản lý dữ liệu ĐKXT và xét tuyển (gọi tắt là phần mềm xét tuyển) do Trường chủ trì chịu trách nhiệm quản lý.
c) Áp dụng chung cách tính Điểm xét để thực hiện xét tuyển vào các trường trong nhóm được quy định trong Phụ lục 1.
d) Áp dụng một cách thống nhất chế độ ưu tiên trong tuyển sinh theo Quy chế tuyển sinh hiện hành.
đ) Tùy theo tình hình tuyển sinh của các trường, duy trì phương thức xét tuyển theo nhóm trường cho các đợt xét tuyển bổ sung theo kế hoạch và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
4.2 Điều kiện và cách thức đăng ký xét tuyển của thí sinh
a) Điều kiện thí sinh được ĐKXT: Thí sinh đã tham dự Kỳ thi THPT Quốc gia tại các cụm thi do các trường đại học chủ trì, đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 6 của Quy chế tuyển sinh và thỏa mãn quy định của Bộ GD&ĐT về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
b) Theo lịch do Bộ GD&ĐT ấn định, thí sinh thực hiện ĐKXT và nộp phí dự tuyển  theo một trong ba hình thức sau:
- Trực tuyến (theo hướng dẫn cụ thể)
- Gửi phiếu ĐKXT (theo mẫu) và phí dự tuyển đến địa chỉ của trường nguyện vọng 1 hoặc trường chủ trì qua đường bưu điện bằng hình thức thư chuyển phát nhanh theo quy định chung của Bộ GD&ĐT.
- Nộp trực tiếp phiếu ĐKXT (theo mẫu) và phí dự tuyển tại một trường bất kỳ thuộc nhóm.
c) Đăng ký nguyện vọng (ngành/nhóm ngành):
- Thí sinh được phép đăng ký xét tuyển vào nhiều trường trong nhóm, mỗi trường 1 hoặc 2 nguyện vọng nhưng tổng số nguyện vọng đăng ký không quá 4 ở đợt 1 và không quá 6 ở đợt bổ sung.
- Khi thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào 2 trường trong nhóm ở đợt 1 hoặc 3 trường trong nhóm ở đợt xét tuyển bổ sung thì không được đăng ký xét tuyển vào các trường ngoài nhóm.
- Thí sinh phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới trong Phiếu ĐKXT. Mỗi nguyện vọng đăng ký sẽ bao gồm các thông tin sau:
<Mã trường> - <Mã nhóm ngành>
4.3 Nguyên tắc xét tuyển
a) Xét tuyển theo nhóm ngành: Một nhóm ngành bao gồm một hoặc vài ngành, chuyên ngành đào tạo của một trường được ấn định một mã nhóm ngành để xét tuyển (gọi tắt là mã xét tuyển), có cùng tổ hợp môn xét tuyển và cùng điểm chuẩn trúng tuyển.
b) Xét tuyển theo các nguyện vọng của thí sinh đã đăng ký (xếp theo thứ tự ưu tiên trên Phiếu ĐKXT): Nếu thí sinh trúng tuyển theo một nguyện vọng xếp trên thì sẽ không được xét các nguyện vọng sau nữa. Điểm chuẩn trúng tuyển vào một nhóm ngành chỉ căn cứ trên kết quả Điểm xét của thí sinh và chỉ tiêu đã được ấn định, không phân biệt nguyện vọng ghi ở thứ tự nào (1, 2, 3 hay 4) giữa các thí sinh đã đăng ký vào nhóm ngành đó.
c) Đối với một nhóm ngành, điểm chuẩn trúng tuyển theo các tổ hợp môn xét tuyển có thể khác nhau. Điểm chênh lệch do các trường quy định cho mỗi nhóm ngành.
d) Điểm chuẩn trúng tuyển cho mỗi nhóm ngành sẽ được xây dựng theo thang điểm 10 phù hợp với công thức tính Điểm xét.
4.4 Trách nhiệm và quyền hạn của các trường tham gia nhóm
a) Các trường tự chủ trong việc phân chia nhóm ngành; xác định chỉ tiêu dự kiến cho từng nhóm ngành; ấn định mã nhóm ngành sử dụng cho xét tuyển; quy định điều kiện được ĐKXT dựa trên kết quả học tập THPT của thí sinh (gọi tắt là điều kiện sơ loại) và ngưỡng điểm cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (gọi làNgưỡng điểm xét), các tổ hợp môn xét tuyển đối với từng nhóm ngành và môn chính (hệ số 2); chênh lệch điểm chuẩn giữa các tổ hợp môn xét tuyển đối với từng nhóm ngành; quy định môn thi là tiêu chí phụ để xử lý tình huống quá nhiều thí sinh có cùng Điểm xét ở ngưỡng trúng tuyển vào một nhóm ngành của trường.
b) Các trường tự chủ trong việc xét duyệt các hồ sơ đăng ký tuyển thẳng của thí sinh vào trường, xác định chế độ ưu tiên đối với thí sinh không dùng quyền tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh.
c) Các trường có trách nhiệm cử đại diện tham gia vào Ban chỉ đạo tuyển sinh (BCĐTS) nhóm trường để chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác xét tuyển.
d) Các trường có trách nhiệm nhập các dữ liệu về nhóm ngành, chỉ tiêu, tổ hợp môn xét tuyển, ngưỡng điểm xét và tiêu chí phụ (nếu có) vào phần mềm xét tuyển trong thời gian quy định.
đ) Mỗi trường có trách nhiệm tiếp nhận các phiếu ĐKXT do thí sinh gửi qua bưu điện hoặc nộp trực tiếp và cập nhật dữ liệu ĐKXT của thí sinh lên hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia.  
e) Mỗi trường có trách nhiệm công khai hóa chi tiết phương thức xét tuyển trên các trang thông tin điện tử của trường và qua các kênh truyền thông khác để phổ biến rộng rãi cho thí sinh (sử dụng thống nhất một biểu mẫu cung cấp thông tin), tư vấn và giải đáp các thắc mắc của thí sinh.
g) Các trường có nghĩa vụ đóng góp về tài chính để bù đắp các chi phí về thiết bị và nhân lực thực hiện công tác xét tuyển.
h) HĐTS của các trường có quyền được truy cập và sử dụng dữ liệu ĐKXT chung của nhóm với mục đích kiểm tra, giám sát quá trình xét tuyển.
4.5 Trách nhiệm và quyền hạn của Trường chủ trì
Ngoài trách nhiệm và quyền hạn được quy định trong mục 4.4, Trường chủ trì có thêm trách nhiệm sau:
a) Chịu trách nhiệm đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất (máy chủ, hệ thống thông tin, văn phòng làm việc vv.), phần mềm xét tuyển và nhân lực công nghệ thông tin cho công tác xét tuyển theo nhóm trường.
b) Chủ trì công tác xét tuyển đợt 1 và các đợt bổ sung, trả kết quả xét tuyển cho các trường sau mỗi đợt xét tuyển.
4.6 Tổ chức và nhiệm vụ của Ban chỉ đạo tuyển sinh nhóm trường 
a) Trường chủ trì đề xuất một danh sách các thành viên của BCĐTS nhóm trường để chỉ đạo thực hiện công tác xét tuyển của nhóm với sự đồng thuận nhất trí của các trường. 
b) Thành phần của BCĐTS nhóm trường gồm có:
 - Trưởng ban: Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh của Trường chủ trì.
  - Uỷ viên: Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh của các trường tham gia nhóm.
c) BCĐTS nhóm trường có nhiệm vụ chỉ đạo, giải quyết, kiểm tra giám sát các vấn đề liên quan đến công tác xét tuyển và giải quyết các vấn đề phát sinh.
4.7 Điều kiện và tiêu chí để một trường tham gia nhóm 
Nếu một trường đại học đề nghị được tham gia nhóm, Trường chủ trì sẽ tham khảo ý kiến của 7 trường đã tham gia xây dựng Đề án này để quyết định.
Tiêu chí cơ bản để một trường có thể tham gia nhóm GX là:       
- Cam kết tham gia nhóm và tuân thủ các nguyên tắc chung, các quy định về trách nhiệm và quyền hạn của các trường tham gia trong Đề án này.
-  Không tham gia xét tuyển với một nhóm trường khác
-  Không thực hiện tuyển sinh theo đề án tự chủ tuyển sinh riêng.
 

5. Tổ chức thực hiện 
- Để triển khai thành công giải pháp tuyển sinh theo nhóm trường, ngay sau khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua Đề án, Trường chủ trì và các trường tham gia nhóm sẽ triển khai thực hiện các công việc sau:
- Mỗi trường cam kết tham gia nhóm và thực hiện phương thức tuyển sinh theo nhóm trường (bằng văn bản).
- Thành lập Ban chỉ đạo tuyển sinh nhóm trường.
- Thành lập tiểu ban kỹ thuật có thành phần là Trưởng phòng đào tạo/khảo thí của các trường để cụ thể hóa quy trình xét tuyển và thực hiện các khâu kỹ thuật theo nội dung của Đề án, trong đó có việc xây dựng, hoàn thiện phần mềm xét tuyển.
- Hoàn thiện các tài liệu, công bố thông tin và tổ chức tư vấn phương thức tuyển sinh theo nhóm trường trên trang Web và trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm cung cấp thông tin sát thực nhất cho thí sinh về điều kiện và cách thức đăng ký xét tuyển.
- Các trường tham gia tổ chức nhận ĐKXT của thí sinh theo các phương thức được quy định tại Quy chế tuyển sinh; cập nhật dữ liệu ĐKXT của thí sinh lên hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia
- Trường chủ trì tổ chức thực hiện xét tuyển bằng phần mềm với sự tham gia hỗ trợ của các trường trong nhóm. Kết quả xét tuyển được bàn giao cho từng trường. Việc công bố danh sách trúng tuyển và tiếp nhận Giấy chứng nhận kết quả thi của thí sinh trúng tuyển là nhiệm vụ của từng trường.
- Thực hiện chế độ báo cáo kết quả xét tuyển theo quy định
 

6. Cam kết của Trường chủ trì
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cam kết phát huy cao độ tính tự chủ và năng lực của toàn thể đội ngũ cán bộ nhà trường, thực hiện nghiêm chỉnh và có hiệu quả cao những nội dung đề xuất, tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc đảm bảo chất lượng đầu vào và tôn trọng quyền lợi cao nhất của thí sinh, đảm bảo toàn bộ quá trình xét tuyển diễn ra an toàn, công bằng, nghiêm túc và đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành. Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chịu trách nhiệm trước Bộ Giáo dục và Đào tạo, trước thí sinh về phương thức tuyển sinh mới theo nhóm trường. Trường có trách nhiệm báo cáo kịp thời theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời công khai thông tin chi tiết và đầy đủ trên trang Web của Trường và trên các phương tiện thông tin đại chúng về kế hoạch và phương thức tuyển sinh và kết quả tuyển sinh.