Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/10/2013


Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/10/2013

20/12/2016

QUỐC HỘI
-------

Luật số: 43/2013/QH13

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2013

LUẬT ĐẤU THẦU

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật đấu thầu.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định quản lý nhà nước về đấu thầu; trách nhiệm của các bên có liên quan và các hoạt động đấu thầu, bao gồm:

1. Lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp đối với:

a) Dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn nhà nước của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập;

b) Dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước;

c) Dự án đầu tư phát triển không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án;

d) Mua sắm sử dụng vốn nhà nước nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập;

đ) Mua sắm sử dụng vốn nhà nước nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công;

e) Mua hàng dự trữ quốc gia sử dụng vốn nhà nước;

g) Mua thuốc, vật tư y tế sử dụng vốn nhà nước; nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập;

2. Lựa chọn nhà thầu thực hiện cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa trên lãnh thổ Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam mà dự án đó sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án;

3. Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), dự án đầu tư có sử dụng đất;

4. Lựa chọn nhà thầu trong lĩnh vực dầu khí, trừ việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí liên quan trực tiếp đến hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí theo quy định của pháp luật về dầu khí.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đấu thầu quy định tại Điều 1 của Luật này.

2. Tổ chức, cá nhân có hoạt động đấu thầu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này được chọn áp dụng quy định của Luật này. Trường hợp chọn áp dụng thì tổ chức, cá nhân phải tuân thủ các quy định có liên quan của Luật này, bảo đảm công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Điều 3. Áp dụng Luật đấu thầu, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế

1. Hoạt động đấu thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Trường hợp lựa chọn đấu thầu cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn để bảo đảm tính liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp nhà nước; thực hiện gói thầu thuộc dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất của nhà đầu tư được lựa chọn thì doanh nghiệp phải ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu để áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp trên cơ sở bảo đảm mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

3. Đối với việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư thuộc dự án có sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi phát sinh từ điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế giữa Việt Nam với nhà tài trợ thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế đó.

4. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư khác với quy định của Luật này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 5. Tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư

1. Nhà thầu, nhà đầu tư là tổ chức có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Có đăng ký thành lập, hoạt động do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà thầu, nhà đầu tư đang hoạt động cấp;

b) Hạch toán tài chính độc lập;

c) Không đang trong quá trình giải thể; không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật;

d) Đã đăng ký trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;

đ) Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định tại Điều 6 của Luật này;

e) Không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu;

g) Có tên trong danh sách ngắn đối với trường hợp đã lựa chọn được danh sách ngắn;

h) Phải liên danh với nhà thầu trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước đối với nhà thầu nước ngoài khi tham dự thầu quốc tế tại Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ phần công việc nào của gói thầu.

2. Nhà thầu, nhà đầu tư là cá nhân có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định pháp luật của nước mà cá nhân đó là công dân;

b) Có chứng chỉ chuyên môn phù hợp theo quy định của pháp luật;

c) Đăng ký hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật;

d) Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

đ) Không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu.

3. Nhà thầu, nhà đầu tư có tư cách hợp lệ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được tham dự thầu với tư cách độc lập hoặc liên danh; trường hợp liên danh phải có văn bản thỏa thuận giữa các thành viên, trong đó quy định rõ trách nhiệm của thành viên đứng đầu liên danh và trách nhiệm chung, trách nhiệm riêng của từng thành viên trong liên danh.

Điều 6. Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu

1. Nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển; thẩm định kết quả mời quan tâm, kết quả sơ tuyển.

2. Nhà thầu tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên sau đây:

a) Chủ đầu tư, bên mời thầu;

b) Các nhà thầu tư vấn lập, thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán; lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu đó;

c) Các nhà thầu khác cùng tham dự thầu trong một gói thầu đối với đấu thầu hạn chế.

3. Nhà thầu tư vấn giám sát thực hiện hợp đồng phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với nhà thầu thực hiện hợp đồng, nhà thầu tư vấn kiểm định gói thầu đó.

4. Nhà đầu tư tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên sau đây:

a) Nhà thầu tư vấn đấu thầu đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất cho đến ngày ký kết hợp đồng dự án;

b) Nhà thầu tư vấn thẩm định dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất cho đến ngày ký kết hợp đồng dự án;

c) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bên mời thầu.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 7. Điều kiện phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu

1. Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu của gói thầu chỉ được phát hành để lựa chọn nhà thầu khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt;

b) Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được phê duyệt bao gồm các nội dung yêu cầu về thủ tục đấu thầu, bảng dữ liệu đấu thầu, tiêu chuẩn đánh giá, biểu mẫu dự thầu, bảng khối lượng mời thầu; yêu cầu về tiến độ, kỹ thuật, chất lượng; điều kiện chung, điều kiện cụ thể của hợp đồng, mẫu văn bản hợp đồng và các nội dung cần thiết khác;

c) Thông báo mời thầu, thông báo mời chào hàng hoặc danh sách ngắn được đăng tải theo quy định của Luật này;

d) Nguồn vốn cho gói thầu được thu xếp theo tiến độ thực hiện gói thầu;

đ) Nội dung, danh mục hàng hóa, dịch vụ và dự toán được người có thẩm quyền phê duyệt trong trường hợp mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung;

e) Bảo đảm bàn giao mặt bằng thi công theo tiến độ thực hiện gói thầu.

2. Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu của dự án chỉ được phát hành để lựa chọn nhà đầu tư khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Dự án thuộc danh mục dự án do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công bố theo quy định của pháp luật hoặc dự án do nhà đầu tư đề xuất;

b) Kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư được phê duyệt;

c) Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được phê duyệt;

d) Thông báo mời thầu hoặc danh sách ngắn được đăng tải theo quy định của Luật này.

Điều 8. Thông tin về đấu thầu

1. Các thông tin phải được đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo đấu thầu bao gồm:

a) Kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

b) Thông báo mời quan tâm, thông báo mời sơ tuyển;

c) Thông báo mời chào hàng, thông báo mời thầu;

d) Danh sách ngắn;

đ) Kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

e) Kết quả mở thầu đối với đấu thầu qua mạng;

g) Thông tin xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu;

h) Văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu;

i) Danh mục dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án có sử dụng đất;

k) Cơ sở dữ liệu về nhà thầu, nhà đầu tư, chuyên gia đấu thầu, giảng viên đấu thầu và cơ sở đào tạo về đấu thầu;

l) Thông tin khác có liên quan.

2. Các thông tin quy định tại khoản 1 Điều này được khuyến khích đăng tải trên trang thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 9. Ngôn ngữ sử dụng trong đấu thầu

Ngôn ngữ sử dụng trong đấu thầu là tiếng Việt đối với đấu thầu trong nước; là tiếng Anh hoặc tiếng Việt và tiếng Anh đối với đấu thầu quốc tế. Điều 10. Đồng tiền dự thầu

1. Đối với đấu thầu trong nước, nhà thầu chỉ được chào thầu bằng đồng Việt Nam.

2. Đối với đấu thầu quốc tế:

a) Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định về đồng tiền dự thầu trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nhưng không quá ba đồng tiền; đối với một hạng mục công việc cụ thể thì chỉ được chào thầu bằng một đồng tiền;

b) Trường hợp hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu quy định nhà thầu được chào thầu bằng hai hoặc ba đồng tiền thì khi đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất phải quy đổi về một đồng tiền; trường hợp trong số các đồng tiền đó có đồng Việt Nam thì phải quy đổi về đồng Việt Nam. Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định về đồng tiền quy đổi, thời điểm và căn cứ xác định tỷ giá quy đổi;

c) Đối với chi phí trong nước liên quan đến việc thực hiện gói thầu, nhà thầu phải chào thầu bằng đồng Việt Nam;

d) Đối với chi phí ngoài nước liên quan đến việc thực hiện gói thầu, nhà thầu được chào thầu bằng đồng tiền nước ngoài.