Được đăng ngày Thứ năm, 05 Tháng 2 2015 16:07
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng, bồi đắp một nền đạo đức mới: Đạo đức cách mạng. Đó là phẩm chất mà mỗi cán bộ và đảng viên phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng, trau dồi trong sinh hoạt và trong công tác.
Ph.Ăng-ghen trong tác phẩm "Chống Đuyrinh" đã chỉ ra đạo đức có tính thời đại và tính giai cấp, đạo đức của giai cấp này có thể là điều phi đạo đức đối với giai cấp khác. Giai cấp thống trị bóc lột, đàn áp người nghèo khổ, chúng xem là chuyện tự nhiên nhưng thực chất là chuyện phi đạo đức. Người nghèo khổ cần mẫn làm ăn, yêu thương gắn bó là có đạo đức. Dưới chế độ phong kiến, các mối quan hệ về nam nữ, về gia đình, về triều chính đều khá hà khắc. Vua chúa được xem như ngôi vị thứ nhất quyết đoán mọi công việc, xem lời nói của nhà vua chính là luật pháp.
Chế độ tư bản qua những cuộc cách mạng tư sản có nêu lên quyền con người, trong đó có quyền bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng quyền nam nữ, quyền được sống, tồn tại… Tuy nhiên, những nguyên tắc trên nhiều khi chỉ là hình thức mà trong thực chất quyền sống của con người, nhất là người nghèo khổ bị xem nhẹ, xã hội nhiều bất công. Chế độ phong kiến xem lãnh chúa là chủ, đất nào cũng của chủ, còn chế độ tư bản thì: "Ai có tiền người ấy là chủ".
Những quy tắc về đạo lý ở phương Đông, phương Tây đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm hiểu và xác định giá trị cơ bản của một dân tộc, của một con người là quyền độc lập tự do và hưởng hạnh phúc. Người đã trải qua nhiều thử thách, chịu đựng nhiều gian khổ nhưng vẫn giữ vững bản lĩnh, cốt cách của một người chiến sĩ cách mạng ngay trong cảnh tù đày gian khổ. Tập "Nhật ký trong tù" được viết trong những ngày bị giam giữ, chịu đựng trăm điều cay đắng nhưng vẫn thể hiện khí phách của người chiến sĩ cách mạng. Những phẩm chất quan trọng, như tình yêu Tổ quốc sâu nặng, khát vọng tự do, lòng nhân ái, tinh thần lạc quan cách mạng được thể hiện trong cuộc đời cũng như trang thơ.
Sau Cách mạng Tháng Tám - 1945, trên cương vị Chủ tịch nước, ngoài việc gánh vác lo toan những công việc lớn như: Chính trị, kinh tế, quốc phòng, ngoại giao… Người đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng, đào tạo những cán bộ cách mạng, mà một trong những yếu tố hàng đầu là phải có đạo đức cách mạng. Ngay từ tháng 9-1945, Người đã viết bài "Chính phủ là công bộc của dân". Người đề cao vai trò làm chủ của dân. Người căn dặn Ủy ban nhân dân không thể dùng quyền lực để áp bức nhân dân, không chi dụng công quỹ, không tùy tiện chi dùng tiền vào những việc xa xỉ như ăn uống, không lợi dụng danh nghĩa ủy ban để gây bè phái, đưa người trong nhà, trong họ vào làm việc với mình: "Nói tóm lại bao nhiêu những cái xấu xa, thối nát, bất công, áp bức của chế độ cũ, của các hội đồng kỳ mục trước sẽ không thể tồn tại trong các ủy ban nhân dân bây giờ” (Hồ Chí Minh-Toàn tập, tập 4, tr.23). Trên Báo Cứu quốc ngày 26-9-1945, Người viết bài "Muốn thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích". Người phê phán những cán bộ tự xem mình là có trình độ, có kinh nghiệm, không chịu tiếp thu ý kiến của tập thể, chỉ biết làm tới đâu hay tới đó, không chịu học tập, không biết tự chỉ trích. Khái niệm "tự chỉ trích" trong thực chất là tự phê bình. Người căn dặn: "Phải bỏ hẳn thái độ "xong việc thì thôi". Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được” (Sách đã dẫn, tr.23). Một trong những tình trạng khá phổ biến của thời kỳ đầu cách mạng là có tình trạng mua bán ngôi thứ. Đó là một hành vi xấu làm cho tổ chức các cơ quan hỗn độn, thiếu chất lượng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Bán ngôi thứ làm cho óc người ta đen tối thêm! Tiền lấy như vậy cũng là một thứ tiền phi nghĩa. Lòng sốt sắng làm tiền cho dân của ông Chủ tịch nọ đáng hoan nghênh thật, nhưng cách làm tiền của ông có hại cho sự tiến hóa của dân, cần phải bỏ ngay đi, cũng như cần phải phủi đi hết những hủ tục khác: Làm rượu ăn mừng được bầu vào ủy ban, dùng chữ nho trong tờ thông đạt,...".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các thế hệ đảng viên xã Hồng Hạ, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ảnh: Nguyễn Hồng.
Cũng vào tháng Giêng năm 1946, Người viết bài "Tự phê bình". Đây không chỉ là nói về những nguyên tắc tự phê bình mà Người nêu tấm gương tự phê bình, những mặt hạn chế của bản thân trên cương vị Chủ tịch nước chưa làm được như Người mong muốn. Người viết: "Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ có khuyết điểm, nhưng chỉ sợ không biết kiên quyết sửa nó đi. Từ nay, tôi mong đồng bào ra sức giúp tôi sửa chữa những khuyết điểm đó bằng nhiều cách, trước hết là bằng cách thi hành cho đúng và triệt để những mệnh lệnh của Chính phủ. Vận mệnh nước ta ở trong tay ta. Chúng ta đồng tâm nhất trí, trên dưới một lòng, thì chúng ta nhất định thắng lợi".
Bài "Tự phê bình" là một cách nêu gương chân tình để góp phần cho cán bộ luôn tự biết đánh giá mình chỗ mạnh, chỗ yếu để phục vụ cho công tác chung. Tuy nhiên, bên cạnh tự phê bình phải có phê bình. Tự phê bình và phê bình là hai mặt quan trọng của phương pháp và nguyên tắc xây dựng và phát triển phong trào cách mạng. Tự phê bình có nguyên tắc và phê bình cũng có những nguyên tắc rất cơ bản. Phê bình là để phát triển phong trào, tạo sức mạnh cho tập thể, nên chủ yếu phải trên tinh thần thẳng thắn, chân tình và khích lệ. Phê bình không phải là một dịp để chỉ trích, vùi dập nhau mà thực chất là giúp nhau tiến bộ, thắt chặt tình đoàn kết để sức mạnh của tập thể được nhân lên. Hai nguyên tắc tự phê bình và phê bình, Người vận dụng trong nhiều trường hợp. Có khi là sự tổng kết những vấn đề lớn của đất nước, của phong trào cách mạng, có khi là lời căn dặn với các đoàn thể, các cá nhân.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, sức mạnh của nhân dân cần được nhân lên với những năng lực mới, phẩm chất mới, đặc biệt là với cán bộ, đảng viên. Với bút danh Tân Sinh, năm 1947, Người viết tác phẩm "Đời sống mới". Đời sống mới đem lại một cuộc sống có văn hóa, có nền nếp, tạo cho con người những phẩm chất và đạo đức mới. Đời sống mới chủ yếu là thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Đó là những phẩm chất cần có của bất kỳ một cán bộ nào. Năm 1948, Người viết tiếp "Sửa đổi lối làm việc" với bút danh XYZ. Chúng ta đánh kẻ địch bên ngoài nhưng cũng cần phê phán kẻ địch bên trong tồn tại ở mỗi người, mỗi cơ quan, làng xóm. Sửa đổi lối làm việc thực chất là sửa đổi về tư tưởng, loại bỏ những cách suy nghĩ cũ, hình thành những tư duy mới. Sửa đổi lối làm việc cũng dựa chủ yếu trên nguyên tắc phê bình và tự phê bình. Đối với mỗi người phải biết tự phê bình như "mỗi ngày phải rửa mặt", cán bộ, đảng viên mỗi ngày phải tự kiểm điểm. Cán bộ lúc này có nhiều ưu điểm nhưng cũng có nhiều những căn bệnh cần loại bỏ. Người chỉ ra các thứ căn bệnh, bệnh tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh đạo, tình trạng hữu danh vô thực, kéo bè phái, thói tỵ nạnh... Thật quá đầy đủ, những căn bệnh trên có thể phổ biến mức độ này, mức độ khác ở từng người, từng cơ quan và làm hại đến phong trào. Cho đến nay, "Sửa đổi lối làm việc" vẫn là một tác phẩm lớn có giá trị tư tưởng bền vững. Những căn bệnh mà Người nêu ra ngày hôm qua đã trên nửa thế kỷ vẫn còn phổ biến đây đó trong cuộc sống hôm nay ở nhiều cơ quan, nhiều cán bộ. Tất nhiên bên cạnh việc chỉ ra những căn bệnh, Người còn nêu lên những phương hướng khắc phục, phải khắc phục khi cuộc kháng chiến ngày càng đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải có thêm những phẩm chất mới để tiến hành cuộc kháng chiến thắng lợi.
Hòa bình lập lại, cuộc sống từ chiến tranh chuyển sang yên bình, từ nông thôn chuyển về thành thị. Bác viết "Lời căn dặn các đơn vị bộ đội vào thành": "Ở thành thị tình hình phức tạp, có nhiều sự quyến rũ, làm cho người ta mê muội, tha hóa, trụy lạc. Để tránh những cạm bẫy nguy hiểm ấy, để làm tròn nhiệm vụ cao quý của quân đội nhân dân, toàn thể cán bộ và chiến sĩ ta phải ghi nhớ và làm đúng những lời Bác căn dặn như sau:
- Chớ tự kiêu, tự mãn.
- Chớ rượu chè, cờ bạc, trai gái, hút thuốc phiện.
- Chớ xa xỉ, tham ô, lãng phí.
- Phải kính trọng nhân dân, giúp đỡ nhân dân, đoàn kết với nhân dân.
- Phải giữ gìn tính chất trong sạch, chất phác của người chiến sĩ cách mạng.
- Phải thực hiện cần kiệm liêm chính.
- Phải làm đúng 10 điều kỷ luật.
- Phải luôn luôn cảnh giác về phần thực hiện tự phê bình và phê bình để tiến bộ không ngừng. Bác mong các chú tiến bộ và chúc các chú mạnh khỏe'' (Sđd, tập 7, tr.358)
Mặt khác, trong điều kiện và không khí mới, có thể bước đầu nghĩ đến hạnh phúc của cá nhân, gia đình. Trong thư "Chúc mừng năm mới", Người viết: "Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh", hạnh phúc của cả dân tộc đã đánh đuổi được thực dân Pháp, sống thanh bình trong không khí độc lập và mỗi người nghĩ đến hạnh phúc riêng của gia đình. Tuy nhiên trong không khí của đời sống thành thị, trước cuộc sống phồn vinh, nhiều sức lôi cuốn hấp dẫn, Người cũng căn dặn cán bộ, bộ đội cần tránh bị lôi cuốn vào những đam mê của đời sống thành thị dễ làm hao mòn, thậm chí mất phẩm chất vốn có của con người. Trên những trang viết, Người bắt đầu nói nhiều đến tác hại của chủ nghĩa cá nhân. Thực ra thì ngay từ đầu cách mạng, Người đã phê phán chủ nghĩa cá nhân nhưng tập trung và thể hiện sâu sắc nhất là qua bài viết ở những thời kỳ cuối. Ngày 3-2-1969, Người viết bài "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân". Bài viết chỉ rõ những thành tích trong việc đào tạo những thế hệ cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, nhất là với thanh niên: "Đảng ta đã đào tạo một thế hệ thanh niên cách mạng, gái cũng như trai, rất hăng hái, dũng cảm trong mọi công tác... Song bên cạnh những đồng chí tốt ấy, còn có một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém. Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích của riêng mình trước hết. Họ không lo "mình vì mọi người" mà chỉ muốn "mọi người vì mình". Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ.
Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, thiếu tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm” (Sđd, tập 12, tr.438).
Những lời chỉ bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của đạo đức cách mạng và yêu cầu rèn luyện đạo đức cho thế hệ trẻ, kể cả những cán bộ có trình độ, là rất quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi bước vào cơ chế thị trường, trước tình trạng suy thoái về đạo đức của nhiều cán bộ, đảng viên mà căn bệnh chính là chủ nghĩa cá nhân. Họ chạy theo đồng tiền, chạy theo sự hưởng thụ mà quên trách nhiệm, thậm chí tự hủy hoại những phẩm chất cần có của một cán bộ cách mạng. Trong các tác phẩm cũng như những bài phát biểu, những lời căn dặn của Người, thì đạo đức cách mạng là vấn đề quan trọng, có tính hệ thống, có giá trị bền vững với thời gian./.
GS, NGND HÀ MINH ĐỨC
Theo Báo Quân đội nhân dân cuối tuần