CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI KHU DI TÍCH ĐỀN HÙNG


CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI KHU DI TÍCH ĐỀN HÙNG

18/04/2016

 

Thứ 2 Ngày 18 Tháng 4 Năm 2016

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI KHU DI TÍCH ĐỀN HÙNG


Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong tại Đền Giếng

Lần thứ nhất : Ngày 19/9/1954 sau chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử “Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” trước khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn Đền Hùng làm nơi gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ Đại đoàn Quân Tiên phong (Sư đoàn 308 – Quân đội nhân dân Việt Nam). Không phải ngẫu nhiên mà trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, việc tiếp quản thủ đô đang là một nhiệm vụ mới mẻ đối với Chính phủ và quân đội ta, có ý nghĩa to lớn đối với nhân dân miền Nam và dư luận toàn thế giới. Bác đã chọn Đền Hùng là di tích lịch sử đặc biệt của dân tộc mà mỗi người Việt Nam khi nhắc đến cội nguồn, bao giờ cũng dùng hình ảnh “con Rồng cháu Tiên” “ Con Lạc cháu Hồng”; coi đó là niềm tự hào cho hồn thiêng sông núi, cho tinh hoa và giống nòi của dân tộc mình.

Đền Hùng còn là nơi hội tụ của của con cháu người Việt Nam trong ngày Giỗ Tổ, là điểm hẹn trong tâm tưởng để mỗi người được tự bày tỏ sự thành kính, niềm tôn vinh của mình đối với tổ tiên. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người am tường lịch sử nước nhà, trân trọng quá khứ luôn kế thừa và phát huy những giá trị di sản văn hóa của tiền nhân. Chính vì ý nghĩa thiêng liêng đó mà Người đã chọn thăm Đền Hùng ngay sau khi hoàn toàn thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược Việt Nam.

Đại đoàn quân tiên phong có vinh dự được gặp Bác. Đây là một trong những đại đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta. Trong kháng chiến chống Pháp Đại đoàn đã lập nhiều chiến công xuất xắc, có trung đoàn thủ đô đánh địch hai tháng trong lòng Hà Nội, chặn đứng tấn công của kẻ thù để Trung ương rút lên Việt Bắc lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ. Việc tiếp quản thủ đô là nhiệm vụ nặng nề , trong giai đoạn mới đòi hỏi phải có sự khôn khéo trong việc tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ đối với nhân dân.

Cuộc gặp gỡ của Bác với đại đoàn tại Đền Hùng để ôn lại truyền thống dựng nước hào hùng của Tổ tiên, động viên, cổ vũ, nhắc nhở và giáo dục cán bộ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của dân tộc. Vì vậy sự chuẩn bị của Bác rất công phu. Hành trình của Người đi từ Đại Từ - Thái Nguyên về Đền Hùng, sau đó lại từ Đền Hùng trở về Đại Từ. Được bố trí hợp đồng chặt chẽ với cơ quan văn phòng quân uỷ Trung ương, Bộ Tư lệnh Đại đoàn quân tiên phong và cơ quan văn phòng Phủ Chủ tịch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đi ô tô mang biển số KT.032 ( KT là kí hiệu của Ban kiểm tra 12. Bí danh của văn phòng Phủ thủ tướng). Cùng đi trên xe với Bác có đ/c lái xe (của văn phòng phủ Thủ tướng; có người nói là đ/c Nguyễn Văn Ngọc tức Nên) đ/c Đinh Văn Cấn (người phục vụ, nấu ăn) đ/c Dũng bảo vệ và nhà nhiếp ảnh Đinh Văn Định.

Xe đi từ Đại Từ (Thái Nguyên) – Đoan Hùng. Bác vào thăm một đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam mới ở Lào về, đóng ở đồi Chân Mộng – Phù Ninh. Sau đó đến thị xã Phú Thọ, Bác dừng xe nói chuyện với hai thương binh rồi vào thăm Tỉnh ủy Phú Thọ đóng ở Thanh Hà. Đón Bác tại văn phòng tỉnh ủy có đ/c Phạm Dụ - chánh văn phòng Tỉnh ủy; đ/c Trần Lưu Vỵ, Bí thư ban cán sự kiêm Chủ tịch ủy ban hành chính thị xã Phú Thọ và một số đồng chí khác. Buổi tối hôm đó Bác đến Đền Hùng. Người nghỉ lại đêm 18/9/1954 tại Đền Giếng.

Sáng ngày 19/9/1954 Bác đi thăm các Đền. Đến cây vạn tuế trước của chùa Thiên Quang, Bác nghe đ/c Song Hào, Bí thư Đảng ủy - Chính ủy Đại đoàn quân Tiên phong; đ/c Thanh Quảng, Chánh văn phòng quân ủy Trung ương báo cáo với Bác về tình hình của đại đoàn và kế hoạch đưa bộ đội về tiếp quản thủ đô Hà Nội, Bác qua Đền Trung; rồi lên Đền Thượng - Người đọc những dòng chữ Hán khắc trên quả chuông treo ở cây đại phía cửa cạnh bên trái đền. Sau đó Người chụp ảnh kỷ niệm ở phía trước đền Thượng.

Khi thăm xong các đền trên núi Nghĩa, Bác xuống đền Giếng chờ bộ đội. Khoảng 9h có cán bộ của 3 trung đoàn: Trung đoàn 102 ( Trung đoàn thủ đô); Trung đoàn 36; Trung đoàn 88 (Tu Vũ) và một số tiểu đoàn trực thuộc của Đại đoàn đi từ 5 hướng ( từ núi Thằn Lằn ( Vĩnh Phúc), từ Gia Thanh (Phù Ninh), từ Trại Cờ ( Hiệp Hòa, Bắc Giang), Từ Đại Từ (Thái Nguyên) và từ Phùng ( Hà Nội). Ngoài ra còn có cán bộ đoàn văn công đại đoàn và nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp - phóng viên báo quân đội nhân dân đi cùng.

Bác ngồi trên ngưỡng cửa, đ/c Song Hào và đ/c Thanh Quảng ngồi trên bậc lát gạch, các đ/c cán bộ khác ngồi dưới sân đền (số lượng khoảng gần 100 người).

Bài nói chuyện của Bác đã được chuẩn bị những nội dung chính từ trước. Bác căn dặn và nhắc nhở bộ dội phải thường xuyên học tập, rèn luyện đạo đức, giữ nghiêm kỉ luật, thực hiện tốt chính sách dân vận, giữ vững lập trường giai cấp… Người căn dặn “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước được khẳng định trong câu nói của Người có ý nghĩa vô cùng to lớn, đã định hướng cho các nhà khoa học Việt Nam trong việc nghiên cứu về thời đại Hùng Vương. Làm sống dậy sức mạnh truyền thống của tổ tiên không chỉ bằng sự thức tỉnh lòng yêu nước thương nòi, lòng tự hào về tổ tiên về cội nguồn mà quan trọng hơn là đã chỉ ra một hướng đi mới cho các nhà khoa học nước ta, để sau đó có những công trình, những thành tựu khoa học có tính đột phá, để chứng minh thời đại Hùng Vương là thời kỳ có thật trong lịch sử dân tộc. Sự kiện đó đã mở ra một trang sử mới trong việc nghiên cứu, xây dựng một thiên sử vàng truyền thống Việt Nam phong phú, liên tục và khoa học.

Lời dạy của Bác còn có ý nghĩa sâu sắc là sự tổng kết khoa học về quy luật tồn tại và phát triển của lịch sử dân tộc, dựng nước đi liền với giữ nước. Điều đó có tác dụng giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức dân tộc, cội nguồn và tinh thần đại đoàn kết, vì đó là nguồn sức mạnh vô cùng to lớn, chi phối toàn bộ quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, là động lực cổ vũ lớn lao nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh.
 

Lần thứ 2 : Ngày 19/8/1962 Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đền Hùng trong hoàn cành đất nước bị chia cắt. Miền Bắc đang khôi phục phát triển kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội, là hậu phương vững chắc chi viện cho cách mạng miền Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
 


Bác Hồ thăm Đền Hùng lần thứ hai (1962)

Nhân dịp Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ tổ chức mít tinh kỷ niệm cách mạng tháng 8/1945, Bác đến thăm, dự mít tinh và nói chuyện với Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ.
Người đến thăm Đền Hùng, thắp hương viếng Tổ vào khoảng 9h. Cùng đi với Bác có đ/c Nguyễn Văn Trân, Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng – Bộ công nghiệp nặng, đ/c Nguyễn Khai ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng. Lên đến đền Hạ, các đ/c bảo vệ sợ Bác mệt, xin Bác nghỉ lại và mời Bác xuống núi. Bác nói: “Leo núi phải lên đến đỉnh, cũng như người làm cách mạng không được bỏ dở chừng, đã đi phải tới đích”. Khi lên đền Trung gặp một toán bộ đội đi viếng Tổ, Bác hỏi có mấy cấp, mấy bậc không trả lời được, Bác nhắc: quân sự là phải quan sát địa hình. Lên đền Thượng khoảng 11h trưa. Bác cùng đoàn nghỉ trưa, ăn cơm nắm với dưa cà ở cửa ngách Đông nam đền Thượng. Trước khi về Bác căn dặn các đ/c lãnh đạo tỉnh Phú Thọ “phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến thăm”.

Lời dạy của Bác, vừa mang tính tổng kết, vừa có tính định hướng phát triển quy hoạch Đền Hùng trong tương lai, đã trở thành kim chỉ nam cho biết bao tư duy, tình cảm và hành động của các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau, biết trân trọng quá khứ, giữ gìn đạo lý truyền thống dân tộc, bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những di tích lưu niệm với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Đền Hùng đã được Đảng và Nhà nước ta trân trọng gìn giữ. Những hiện vật gốc tại di tích gắn liền với hoạt động của Bác như quả chuông Bác đã xem, cây đại treo chuông, cửa ngách Đông nam đền Thượng, chùa Thiên Quang – cây vạn tuế, cửa đền Giếng được bảo vệ chu đáo giữ nguyên giá trị gốc.

Tại bảo tàng Hùng Vương đã giành một vị trí trang trọng để giới thiệu về sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đền Hùng thông qua những bức ảnh tư liệu gốc của nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định. Nhiều cuộc hội thảo khoa học về sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đền Hùng được tổ chức nhằm xác định ý nghĩa lịch sử, đặc biệt là xác định giá trị tư tưởng và định hướng của Người đối với sự tồn tại, bảo vệ khu di tích Đền Hùng; xác định việc gắn biển đề ở chùa Thiên Quang, đền Thượng, đền Giếng, dưới chân núi Nghĩa Lĩnh thiêng liêng, xây dựng bức phù điêu có hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ Đại đoàn quân Tiên phong. Năm 2001 bức phù diêu này đã được Bộ quốc phòng xây dựng. Đây là ột công trình có quy mô hoành tráng được ghép từ 83 khối đá xanh có trọng lượng 253 tấn, cao 7m, rộng 12m, không kể phần đế móng, đặt trang trọng trong diện tích hơn 4.000 m2.

Khu di tích lịch sử Đền Hùng là di tích đặc biệt của quốc gia. Bản thân di tích đã là một tài sản có ý nghĩa lớn lao và vị trí quan trọng trong tâm thức của dân tộc Việt Nam. Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Đền Hùng 2 lần, giành cho Đền Hùng sự quan tâm và tình cảm sâu sắc càng làm tăng thêm giá trị và ý nghĩa văn hóa của khu di tích. Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền Hùng là một trong những di tích có vị trí lịch sử lớn trong hệ thống các di tích lưu niệm về Chủ Tịch Hồ Chí Minh ở Phú Thọ. Nghiên cứu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Đền Hùng giúp chúng ta hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, có tác dụng giáo dục truyền thống đối với các thế hệ Việt Nam. Lời căn dặn ân cần, chí thiết của Người đã, đang và sẽ mãi mãi hành trình cùng dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dựng nước luôn xong hành với bảo vệ và xây dựng đất nước. /.

(Đăng theo Sở văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Phú Thọ)