Phong cách nghiên cứu Hồ Chí Minh - nội dung và giá trị


Phong cách nghiên cứu Hồ Chí Minh - nội dung và giá trị

26/01/2017

 

 

Phong cách Hồ Chí Minh nói chung, phong cách nghiên cứu nói riêng là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá mà Người để lại cho dân tộc ta. Bởi vậy, học tập và làm theo phong cách nghiên cứu của Người là để mọi tổ chức, cá nhân hình thành tư duy lý luận đúng, hành động thiết thực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phong cách nghiên cứu Hồ Chí Minh là một bộ phận trong tổng thể cấu trúc phong cách của Người, thể hiện trong cách nghĩ, cách viết và quan trọng nhất là thực hành lý luận đó trong thực tiễn. Phong cách nghiên cứu khoa học của Hồ Chí Minh là một quy trình áp dụng từ việc lớn đến việc nhỏ, từ đơn giản đến phức tạp, bắt đầu từ nhận thức lý tính, tiếp nhận, thâu thái các giá trị tư tưởng - lý luận của các đời trước để lại,... hình thành các luận điểm và được vận dụng phù hợp vào thực tiễn.

Xuất phát từ thực tiễn của Việt Nam và thế giới, Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin, vạch ra con đường cách mạng đầy sáng tạo của Việt Nam. Hồ Chí Minh một mặt khẳng định giá trị đích thực của chủ nghĩa Mác – Lê-nin - “Chủ nghĩa chắc chắn nhất, chân chính nhất, cách mệnh nhất” và xác định “Chủ nghĩa Mác – Lê-nin là kim chỉ nam cho hành động” của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Mặt khác, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh còn nghiên cứu vận dụng những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào thực tiễn, trên cơ sở đó, bổ sung và phát triển nhiều luận điểm có giá trị.

Đặc biệt, Hồ Chí Minh có những luận điểm sáng tạo về cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ mới và con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, kinh tế tiểu nông, nghèo nàn, lạc hậu,... đã góp phần làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác – Lê-nin.

Theo Người, quy trình nghiên cứu khoa học là đề xuất ý tưởng, xâu chuỗi chúng thành lý luận, thực hiện lý luận và giải quyết tốt mối quan hệ giữa các nội dung này. Bởi ý tưởng khoa học đúng, chân chính là nguồn gốc của thắng lợi. Song, nguồn gốc đi tới thắng lợi thực sự còn phải tổ chức, phải đấu tranh. Khi đã có ý tưởng, nhận thức đúng, thì sự thành công hay thất bại của ý tưởng đó phụ thuộc vào nơi, cách thức tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài thì ý tưởng có đúng mấy cũng vô ích. Phong cách nghiên cứu Hồ Chí Minh thể hiện một số đặc trưng nổi bật sau:

Nghiên cứu phải đi sâu, đi sát, có điều tra, khảo sát thực tiễn. Tôn trọng thực tế khách quan trở thành yêu cầu tất yếu trong mọi hành động của Hồ Chí Minh. Trước khi quyết định bất cứ công việc gì, bao giờ Người cũng tìm hiểu, thu thập thông tin đầy đủ, có cơ sở lý luận và thực tiễn, đề ra các phương án thực thi hiệu quả, không chủ quan duy ý chí. Trên cương vị là lãnh đạo cao nhất của Đảng, Người cho rằng, “Đảng có hiểu rõ tình hình thì đặt chính sách mới đúng. Mà muốn Đảng hiểu rõ thì cán bộ, đảng viên phải điều tra và báo cáo rõ ràng tình hình từng xã, từng huyện, từng tỉnh, từng khu. Nếu không biết rõ tình hình mà đặt chính sách thì kết quả là “nồi vuông úp vung tròn” “không ăn khớp gì hết”1.

Phong cach nghien cuu

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát mặt trận Đông Khê, ngày 16- 9- 1950. (Ảnh: Tư liệu)

Người yêu cầu, cán bộ, đảng viên phải tập cho mình thói quen làm việc dựa trên điều kiện tôn trọng thực tế, không bóp méo sự thật. Làm việc với tầm nhìn xa, trông rộng, trên cơ sở thực tiễn có những dự báo khoa học về tình hình có liên quan, tránh bị động, bất ngờ, sa vào những công việc mang tính sự vụ thiển cận. Người nói: “Khi ra quyết định công tác, định cách tổ chức, cách làm việc phải căn cứ vào tình hình thực tế về mọi mặt”. Người phê phán gay gắt những cán bộ mắc những bệnh, như: Quan liêu, hình thức, ngồi trong bàn giấy, nghe báo cáo rồi ra quyết định; không đi sâu sát thực tế, xem tận nơi, tận chỗ,... hay “bệnh cận thị”, không thấy xa trông rộng; những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chú những việc tỉ mỉ, v.v. Những người như vậy, chỉ trông thấy sự lợi hại nhỏ nhen, mà không thấy sự lợi hại to lớn.

Cùng với việc điều tra nghiên cứu, nắm được cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề, Hồ Chí Minh còn cho rằng, mọi quyết định đều phải dựa trên kết quả của quá trình phân tích, so sánh, đối chiếu, thấy được những mặt mạnh, mặt yếu, mặt được, mặt mất, những thuận lợi và khó khăn để đưa ra quyết định đúng đắn, phù hợp. Người nói: “So đi sánh lại, phân tích rõ ràng là cách làm việc có khoa học”2. Phong cách nghiên cứu khoa học đòi hỏi gặp mỗi vấn đề phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều, chớ gặp sao làm vậy.

Nhờ có kinh nghiệm và sâu sát thực tế, Hồ Chí Minh đã cùng với Trung ương Đảng đưa ra nhiều quyết định trước những thời điểm có tính bước ngoặt của lịch sử; đồng thời có những chỉ đạo, uốn nắn kịp thời khi phát hiện ra những chủ trương, chính sách chưa phù hợp, phải sửa đổi với thái độ khách quan, biện chứng. Trong kháng chiến cũng như trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước mỗi một chiến dịch, mỗi một trận đánh, hay trước một chủ trương, chính sách nào dù to, dù nhỏ, Hồ Chí Minh đều cùng với tập thể Trung ương Đảng bàn bạc, đánh giá tình hình chủ quan và khách quan, những thuận lợi và hạn chế, những phương án và dự đoán sự thay đổi của tình thế để kịp thời sửa chữa, bổ sung.

Để có thể đi sâu đi sát, điều tra nghiên cứu, Hồ Chí Minh đã giành nhiều thời gian đi xuống các địa phương, cơ sở, gần gũi với nhân dân, hòa mình vào đời sống của đồng bào, đồng chí để xem xét kỹ tình hình. Mặc dù là người lãnh đạo cao nhất của đất nước, nhưng không bao giờ Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định mình ở “ngôi cao”, được hưởng thụ những ưu đãi đặc biệt, dẫn đến thói quen đặc quyền, đặc lợi. Người suốt đời tâm niệm mình là công bộc của nhân dân, lo trước thiên hạ, vui sau thiện hạ. Người lắng nghe ý kiến của đảng viên và nhân dân. Sau khi thành lập chính quyền mới, dù bận trăm công nghìn việc, Người vẫn không bỏ lỡ những dịp gặp gỡ nhân dân, trò chuyện với quần chúng để tìm hiểu, lắng nghe nhân dân. Để sâu sát cơ sở, thuận lợi cho quá trình điều tra nghiên cứu, Hồ Chí Minh còn khéo léo trong việc sử dụng bộ máy, sử dụng cán bộ và những cơ quan giúp việc để nắm được những thông tin cần thiết. Trong quá trình lãnh đạo, Người luôn mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ ý kiến, trình bày sáng kiến của mình. Bằng sự tỉnh táo, khách quan, Người sàng lọc những thông tin sai lệch, thiếu chính xác, lựa chọn thông tin khoa học để tìm hiểu, nghiên cứu, thực hiện.

Nghiên cứu có mục đích, dựa trên chương trình, kế hoạch cụ thể, chi tiết, cẩn trọng, chu đáo. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở chúng ta phải biết quý trọng thời gian, tiết kiệm thời gian cũng quan trọng như tiết kiệm của cải, nhưng tiết kiệm thời gian, ngoài việc làm đúng giờ, đủ giờ còn là làm việc theo kế hoạch, “mọi công việc phải tính toán cẩn thận”. Đó là cách Hồ Chí Minh quản lý và sử dụng thời gian hiệu quả.

Nghiên cứu phải có mục đích rõ ràng, tập trung, có chương trình khoa học cụ thể, có trọng điểm để đạt được mục tiêu trong khoảng thời gian hoạch định là một nội dung của phong cách khoa học Hồ Chí Minh. Người yêu cầu, làm bất cứ việc gì cũng phải có mục đích rõ ràng. “Đích nghĩa là nhằm vào đó mà bắn. Nhiều đích quá thì loạn mắt, không bắn trúng đích nào”3. Tác phong khoa học đòi hỏi khi làm việc, nghiên cứu phải có kế hoạch rõ ràng, từ dài hạn đến ngắn hạn đều phải có mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, con người và thời gian cụ thể.

Những công lao to lớn của Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam từ việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào Việt Nam, đến việc lãnh đạo toàn thể dân tộc đứng lên giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lãnh đạo nhân dân đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đều dựa trên chương trình, kế hoạch dài hạn, ngắn hạn và có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng về mọi mặt, nhất là từ khảo nghiệm thực tiễn để có dự báo, quyết sách đúng.

Lên kế hoạch một cách khoa học, đồng thời phải biến kế hoạch thành hiện thực. Kế hoạch đặt ra để thực hiện chứ không phải để chiêm ngưỡng. Người phê bình cán bộ, đảng viên, đặt kế hoạch, chương trình không xét rõ năng lực của người thực hiện. Thành thử việc gì cũng muốn làm mà việc gì cũng không triệt để. Lên kế hoạch đồng thời phải biết sử dụng kế hoạch một cách linh hoạt và mềm dẻo. Hồ Chí Minh áp dụng nguyên tắc “Dĩ bất biến ứng vạn biến” để xem xét và giải quyết các vấn đề về chiến lược và sách lược một cách hài hòa và hiệu quả.

Hồ Chí Minh quan niệm, muốn nghiên cứu có hiệu quả thì phải “tổ chức thi hành cho đúng”, “kế hoạch một, biện pháp mười, quyết tâm phải hai, ba mươi”. Bởi vì, chương trình kế hoạch có hay đến mấy, nhưng tổ chức thi hành không đúng, thiếu biện pháp thích hợp, bản thân thiếu quyết tâm, hoặc không biết biến quyết tâm của lãnh đạo thành quyết tâm của quần chúng thì mọi chương trình kế hoạch đều không trở thành hiện thực.

Công tác nghiên cứu phải gắn liền với kiểm tra, kiểm soát, giám sát, tổng kết, rút kinh nghiệm. Quán triệt nguyên tắc của V.I. Lê-nin: Lãnh đạo không kiểm tra thì coi như không có lãnh đạo; như vậy, thì chỉ thị, nghị quyết trở thành mớ giấy lộn, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng mỗi khi làm xong một công việc, dù thành công hay thất bại đều phải rút kinh nghiệm đến cội rễ, phân tích rõ ràng rồi kết luận để làm “khuôn phép” cho những công việc khác và đó là “chìa khóa” phát triển công việc. Người nghiên cứu phải biết sử dụng bộ máy, những người cộng sự, những cơ quan giúp việc một cách khoa học, hiệu quả và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới và quần chúng. Muốn vậy, phải luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay, sửa đổi khuyết điểm của mình, đồng thời phải hoan nghênh người khác phê bình mình, phải chống những bệnh hữu danh, vô thực, bệnh hình thức.

Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề tổng kết thực tiễn để rút kinh nghiệm từng việc, từ đó, Người bổ sung kịp thời những chủ trương chưa đúng, chưa đủ và quan trọng hơn là rút ra những kết luận để bổ sung cho lý luận. Quá trình lãnh đạo, Người thường tổ chức sự kiểm tra, kiểm soát thường xuyên từ trên xuống và từ dưới lên một cách hệ thống để đánh giá được hoạt động của cán bộ, đảng viên và đánh giá được những chủ trương, chính sách đề ra có đúng không. Về phía tổ chức Đảng, Người chỉ rõ, cần phải kiểm tra đường lối, kiểm tra việc thực hiện đường lối. Kiểm tra là để Đảng biết rõ hiệu quả của công tác lãnh đạo, biết rõ ai tốt, ai chưa tốt, cơ quan nào tốt, cơ quan nào nhiều khuyết điểm. Kiểm tra tốt thì “bao nhiêu khuyết điểm sẽ lòi ra hết”.

Chính vì tầm quan trọng của công tác kiểm tra, tổng kết, nên Hồ Chí Minh yêu cầu phải tiến hành kịp thời và thường xuyên; phải toàn diện cả công việc và người thực hiện công việc; phải cụ thể, chính xác, dân chủ và khách quan.

Có thể nói, trong nhiều vấn đề về phong cách Hồ Chí Minh thì phong cách nghiên cứu khoa học có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học hiện nay, một bộ phận không nhỏ trong số họ bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trong phong cách nghiên cứu. Đáng lưu ý là có một số ít cán bộ có chức, có quyền cao còn biểu hiện quan liêu, chuyên quyền, độc đoán, hống hách; làm việc nặng theo kinh nghiệm, cảm tính, thói quen tùy tiện, chưa coi trọng tính khoa học trong làm việc. Để góp phần xây dựng phong cách nghiên cứu, cần tiếp tục đổi mới giáo dục, nâng cao nhận thức về tư tưởng và phong cách nghiên cứu của Hồ Chí Minh, gắn liền với tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Phải làm cho mọi cán bộ thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung yêu cầu của học tập và làm theo phong cách nghiên cứu Hồ Chi Minh.

PGS, TS. PHẠM NGỌC ANH, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng

_____________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 307.

2 - Sđd, Tập 5, tr. 337.

3 - Sđd, Tập 5, tr. 463.

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân