Đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá các môn Lý luận chính trị


Đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá các môn Lý luận chính trị

30/06/2018

Với sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại đã đưa thế giới chuyển từ kỉ nguyên công nghệ sang kỉ nguyên thông tin và phát triển tri thức, đồng thời tác động đến tất cả các lĩnh vực, làm biến đổi nhanh chóng, sâu sắc đời sống vật chất và tinh thần của xã hội hiện nay.

Giáo dục được coi là nền tảng của khoa học công nghệ, là chìa khóa mở ra cho nhân loại những kho tàng tri thức mới, là công cụ để nâng cao ý thức dân tộc, tinh thần trách nhiệm và năng lực của các thế hệ hiện nay và mai sau.

Vì vậy, các quốc gia, từ những nước đang phát triển đến những nước phát triển đều nhận thức được vị trí, vai trò hàng đầu của giáo dục, đều phải đổi mới giáo dục để có thể đáp ứng một cách năng động hơn, hiệu quả hơn, trực tiếp hơn những nhu cầu của sự phát triển đất nước. Trong đó, đổi mới phương pháp dạy học là khâu rất quan trọng, bởi phương pháp dạy học hiệu quả thì mới phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo của người học. Bởi vậy, việc đổi mới giáo dục trước hết là đổi mới phương pháp dạy học là việc làm cần thiết và tất yếu. Đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá là việc cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục nhằm giúp SV chủ động trong việc học, rèn luyện cho SV cách làm việc nhóm, phát huy tính sáng tạo, năng động, cách trình bày một vấn đề khoa học, cách thuyết trình trước đám đông, cách hùng biện và phản ứng trả lời câu hỏi nhanh và đúng.

1. Tại sao phải đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá ở bậc đại học?

- Yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;

- Yêu cầu của sự phát triển khoa học - công nghệ;

- Yêu cầu của sự hội nhập giảng dạy đại học trong khu vực và trên thế giới;

- Yêu cầu của phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ;

- Yêu cầu của sự phát triển nhà trường.      

2. Những thuận lợi và khó khăn trong đổi mới giảng dạy các môn học Lý luận chính trị

* Thuận lợi

- Có giáo trình chuẩn của bộ Giáo dục và đào tạo;

- Đội ngũ giảng viên trẻ, nhiệt huyết với nghề;

- Cơ sở vật chất của nhà trường phục vụ cho việc giảng dạy ngày càng được nâng cao.

* Khó khăn

- Các môn Lý luận chính trị thuần túy là lý thuyết, nên còn nặng kiến thức hàn lâm;

- Giảng dạy lớp đông, khó khăn trong việc giảng dạy và quản lý lớp.

3. Một số kinh nghiệm đổi mới giảng dạy các môn học Lý luận chính trị

3.1. Đổi mới phương pháp trong quản lý lớp

Năm qua, giảng viên Khoa Lý luận chính trị phải giảng dạy với những lớp có số lượng sinh viên rất đông. Vì vậy, việc đổi mới phương pháp quản lý lớp cũng là vấn đề tôi hết sức chú trọng bởi quản lý lớp tốt cũng sẽ gắn liền với kết quả giảng dạy tốt. Với các lớp đông, lớp ghép, chúng tôi đã phân chia lớp ngồi theo dãy bàn và theo sơ đồ lớp. Qua đó, giảng viên có thể bao quát lớp liên tục, không để tình trạng ngủ gật, sử dụng điện thoại trong giờ học, nếu phát hiện trường hợp vi phạm sẽ có hình thức xử lý: mời đứng dậy, trừ điểm chuyên cần,v.v..

3.2. Đổi mới phương pháp trong giảng dạy lý thuyết

Hướng dẫn sinh viên cách đọc tài liệu ở nhà trước khi đến lớp thông qua việc giới thiệu giáo trình và tài liêu có liên quan đến các chủ đề của học phần. Cụ thể với mỗi chủ đề và tùy theo nội dung của chủ đề đó, có thể đưa ra những câu hỏi để sinh viên đọc tài liệu ở nhà và trả lời các câu hỏi đó trước khi đến lớp.

Ở trên lớp, chủ yếu sử dụng phương pháp gợi mở, đưa các hình ảnh liên quan đến nội dung bài học ngay ở đầu tên chương và trong nội dung từng phần, sau đó yêu cầu các em giải thích. Khi thấy các em đã trả lời tương đối hoàn thiện thì giảng viên chốt lại câu trả lời cho câu hỏi đó và giải quyết các vấn đề phát sinh, sau đó chuyển sang câu hỏi khác.

Như vậy, phần giảng dạy của tôi chủ yếu dưới hình thức thảo luận với sự chủ trì của tôi và sự tham gia của cả lớp. Ngoài ra, ở một số chương tôi lồng ghép một số video gắn với nội dung bài học để các em hứng thú hơn và hiểu hơn nội dung của bài. Ví dụ như: khi giảng dạy chương 1 của môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng tôi cho các em xem quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc (phim tư liệu Chân dung một con người); khi giảng dạy chương 2 của môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng tôi cho các em xem phim tư liệu về nạn đói năm 1945, hoàn cảnh đất nước sau chiến tranh; hay trong chương 4 về đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có thể cho các em xem về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Mỗi video sẽ không kéo quá dài ảnh hưởng đến giờ giảng nhưng sẽ đủ để truyền tải nội dung đến sinh viên,v.v…

 3.3. Đổi mới trong giảng dạy các buổi thảo luận nhóm

Mục đích: giúp sinh viên chủ động trong việc học, rèn luyện cho sinh viên cách làm việc nhóm, phát huy tính sáng tạo, năng động, cách trình bày một vấn đề khoa học, cách thuyết trình trước đám đông, cách hùng biện và trả lời câu hỏi nhanh và đúng.

Cách thức tiến hành:

Trước khi lên lớp buổi đầu tiên, giảng viên chuẩn bị những vấn đề thảo luận mang tính tổng quát và gắn liền với thực tế để gửi cho lớp mình giảng dạy. Vào buổi học đầu tiên, giảng viên yêu cầu cán bộ lớp chia lớp thành các nhóm từ 5-10 SV (tùy theo số SV của lớp), lập 1 danh sách tên các thành viên nhóm và chia các cột hỏi-trả lời cho từng thành viên trong các buổi thảo luận cũng như nhận xét cho điểm của giảng viên sau mỗi buổi thảo luận nhằm giúp giảng viên có thể theo dõi quá trình tích cực thảo luận của từng thành viên trong từng nhóm. Sau đó, các nhóm sẽ bốc thăm để chọn chủ đề mà nhóm mình đảm trách, phân công nhiệm vụ cho nhau và làm trên powerpoit. Nhóm thuyết trình phải làm rõ được vấn đề nhóm mình được giao và trả lời các câu hỏi do các nhóm khác đặt ra liên quan đến vấn đề nhóm mình thuyết trình. Các nhóm còn lại cũng phải chuẩn bị vấn đề đó để từng nhóm đưa ra được nhận xét, góp ý và đặt câu hỏi cho nhóm thuyết trình. Các nhóm gửi bài cho giảng viên trước 2-3 ngày.

Cho điểm: dựa trên 4 tiêu chí (nội dung, thuyết trình, trình bày, sáng tạo). Từng thành viên sẽ được cả nhóm cho điểm và giảng viên cho điểm dựa trên quá trình tích cực trong quá trình thảo luận.

Ngoài ra, trong 1 số buổi thảo luận, chúng tôi cho sinh viên chơi 1 số trò chơi gắn với nội dung bài học. Như: Rung chuông vàng; đuổi hình bắt chữ, mở ô chữ ở để trả lời các câu hỏi trắc nghiệm từ cấp độ đơn giản đến phức tạp để kích thích khả năng tự học và niềm yêu thích đối với môn học.

3.4. Đổi mới trong cách đánh giá điểm

- Điểm chuyên cần của sinh viên được đánh giá thông qua việc sinh viên tham dự đủ số giờ lên lớp, và việc chuẩn bị các câu hỏi được đặt ra trước khi đến lớp;

- Điểm thảo luận được đánh giá theo đúng khả năng của sinh viên trong cách lập luận một chủ đề về lý luận chính trị, trong cách thiết kế slide, hình ảnh trình chiếu và tính độc lập, sáng tạo trong cách thể hiện ngôn ngữ thuyết trình của sinh viên,v.v...  

- Điểm kiểm tra giữa kì được tiến hành kiểm tra trắc nghiệm trên máy tính. Đây cũng chính là một bước thực hành để sinh viên có kinh nghiệm và kỹ năng trả lời các câu hỏi trắc nghiệm mà môn học yêu cầu sinh viên đạt được;

 - Điểm thi kết thúc học phần được tiến hành trắc nghiệm trên máy. Biểu điểm này thể hiện quá trình nỗ lực, tích cực của sinh viên.

 Như vậy, thông qua một số kinh nghiệm đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá, có thể thấy các môn học Lý luận chính trị trong thời gian qua đã tạo được ra được những hiệu ứng tích cực. Về phía giảng viên không ngừng nâng cao tri thức, tích lỹ, trau rồi kinh nghiệm, đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng sinh viên; về phía sinh viên tạo được động lực, sự hứng thú trong học tập và cải thiện được điểm số thông qua môn học,v.v.. Vì vậy, đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá không chỉ là “nhân tố quyết định sự thành công của việc tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong nhà trường”[1] mà còn góp phần phát triển con người toàn diện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.

Giảng viên Lê Thu Trang 

 

[1] ĐCSVN: Kết luận của Ban Bí thư về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân (số 94-KL/TW, ngày 28-3-2014), tr.1,2.