Hình thức làm việc nhóm và làm bài tập nhóm trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ tại Trường Đại học Luật Hà Nội


Hình thức làm việc nhóm và làm bài tập nhóm trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ tại Trường Đại học Luật Hà Nội

09/11/2016

TS.Nguyễn Ngọc Bích

Trường Đại học Luật Hà Nội

 

Làm việc nhóm là một trong những hình thức tổ chức dạy học trong đào tạo theo tín chỉ tại Trường đại học luật Hà Nội(1). Trong mô hình đào tạo kiểu cũ (đào tạo theo niên chế) chỉ có hai cách thức tổ chức dạy và học chủ yếu là dạy và học ở trên lớp và việc tự học ngoài giờ lên lớp của sinh viên. Trong giờ lên lớp, sinh viên học tập trung dưới sự dẫn dắt trực tiếp của giảng viên. Giờ học trên lớp có thể là giờ lí thuyết hoặc giờ thảo luận, thực hành. Giờ học trên lớp có sự tương tác trực tiếp giữa người dạy là giảng viên, với người học là sinh viên. Tự học ngoài giờ lên lớp của sinh viên được coi là việc cá nhân mỗi sinh viên hầu như không có sự can thiệp nào của giảng viên, của Nhà trường. Trong đào tạo theo tín chỉ, nội dung môn học cũng như từng bài học được phân chia theo các hình thức tổ chức dạy và học bao gồm nội dung của giờ lí thuyết và thảo luận, thực hành trên lớp; nội dung tự nghiên cứu, làm việc nhóm của sinh viên ngoài giờ lên lớp. Ngoài hình thức kiểm tra, đánh giá đối với mỗi sinh viên còn có hình thức kiểm tra, đánh giá đối với một nhóm sinh viên. Làm việc nhóm là hình thức tự học nhưng khác với việc tự học của từng cá nhân sinh viên. Trong làm việc nhóm, yếu tố tổ chức và sự tham gia của nhiều sinh viên đã làm cho hình thức học này có nhiều ưu điểm. Có thể thấy hình thức làm việc nhóm có một số ưu điểm nổi bật sau đây:

Thứ nhất, làm việc nhóm là hình thức tự học giúp sinh viên nắm bắt được nội dung bài học, chuẩn bị bài trước khi đến lớp.

Trong đào tạo theo tín chỉ, nội dung bài học sẽ được triển khai dưới nhiều hình thức dạy và học khác nhau. Những nội dung lí thuyết là kiến thức cơ bản về vấn đề đang xem xét nhưng có những nội dung bài giảng viên không giảng lí thuyết, sinh viên phải tự đọc sách, tài liệu để thu lượm kiến thức. Đối với những nội dung này, thông qua làm việc nhóm, sinh viên có thể trao đổi với nhau để có kiến thức hoặc khẳng định lại những nội dung mà họ còn thấy phân vân. Chỉ trong những trường hợp sinh viên không tìm thấy câu trả lời từ các bạn mình thì mới lựa chọn phương án là hỏi giảng viên. Đối với những nội dung cần chuẩn bị trước cho giờ thảo luận thì chuẩn bị bài và trao đổi ý kiến với các bạn sẽ có hiệu quả hơn so với việc tự học. Thực tế cho thấy nguyên nhân chủ yếu của việc sinh viên không phát biểu ý kiến trong giờ thảo luận là vì họ không chuẩn bị bài trước khi đến lớp. Tổ chức làm việc nhóm hiệu quả là một cách buộc sinh viên phải tham gia chuẩn bị bài trước cùng các sinh viên khác trong nhóm vì các thành viên trong nhóm sẽ tự kiểm tra, đánh giá lẫn nhau. Một nguyên nhân nữa làm sinh viên ngại phát biểu ý kiến trước lớp là do họ sợ câu trả lời của mình bị sai so với đáp án của giảng viên. Nhưng nếu như vấn đề đó sinh viên đã được chuẩn bị kĩ càng, đã thảo luận và thống nhất ý kiến với các bạn thì những ngại ngần này có thể sẽ không còn cản trở sinh viên đưa ra ý kiến về một vấn đề liên quan đến bài học.

Thứ hai, trong làm việc nhóm, sinh viên có nhiều cơ hội phát biểu ý kiến cá nhân.

Nếu so sánh với thảo luận trên lớp thì rõ ràng trong làm việc nhóm sinh viên có nhiều cơ hội hơn để đưa ra ý kiến của mình về các vấn đề có liên quan. Hơn nữa, trong quan hệ bình đẳng và thân thiện với các bạn, không chịu sức ép từ phía giảng viên, sinh viên có thể phát biểu ý kiến của mình một cách thoải mái và thậm chí có thể mạnh dạn đưa ra những ý kiến được coi là ngược với ý kiến chung của các bạn, của giảng viên. Việc sinh viên tự đưa ra được ý kiến cá nhân của mình là mục đích mà đào tạo theo tín chỉ khuyến khích. Khi học tập trên lớp, cả hai thái độ mà giảng viên không mong muốn từ sinh viên đó là quá thụ động, không phát biểu ý kiến, cho rằng mọi ý kiến của giảng viên là đúng, không cần phải bàn cãi; hoặc không đồng ý kiến với giảng viên nhưng không phát biểu hoặc không đưa ra được cơ sở bảo vệ cho ý kiến riêng. Vì vậy, nếu sinh viên được chuẩn bị tốt thì sẽ giảm tối thiểu thái độ tiêu cực nói trên. Có thể nói, làm việc theo nhóm là một trong những cách thức giúp sinh viên tự tin hơn trong các hoạt động học tập.

Thứ ba, làm việc nhóm giúp sinh viên có kĩ năng làm việc tập thể, có thái độ đúng đắn trong tranh luận.

Hiện nay, kĩ năng làm việc tập thể trong các hoạt động học tập của sinh viên, trong đó có sinh viên Trường đại học luật Hà Nội còn yếu. Nếu kĩ năng làm việc tập thể không được rèn luyện thì có thể còn để lại ảnh hưởng lớn khi sinh viên ra trường, trở thành những người làm công tác pháp luật, là những công việc luôn đòi hỏi sự hợp tác của nhiều người. Làm việc nhóm là hình thức học có tính tổ chức, là tự tổ chức trong sinh viên với nhau. Quá trình làm việc nhóm cùng các bạn sẽ giúp cho sinh viên thực hiện các kĩ năng phối hợp làm việc tập thể, sự tuân thủ kỉ luật ngay cả khi không có sự quản lí có tính chất bắt buộc từ giảng viên, nhà trường. Trong một nhóm nhỏ, sinh viên có thể tập các kĩ năng như đưa ra ý kiến cá nhân, tiếp nhận ý kiến của người khác, bảo vệ và giữ quan điểm của mình khi có ý kiến trái chiều... Tất cả các kĩ năng này có thể giúp họ có ý thức tổ chức và thái độ đúng đắn trong học tập, tranh luận hay các hoạt động tập thể, cộng đồng nói chung. Như vậy, làm việc nhóm không chỉ là hình thức học giúp sinh viên tìm kiếm, tích luỹ kiến thức mà còn giúp họ có kĩ năng, thái độ đúng đắn trong học tập. Làm việc nhóm là quá trình chuẩn bị cả về nội dung và tinh thần để sinh viên làm việc có hiệu quả hơn. Đối với sinh viên luật, học luật không chỉ là học thuộc các quy định của pháp luật mà còn học cách đưa ra quan điểm cá nhân trước các quy định của pháp luật và vận dụng pháp luật vào tình huống cụ thể của thực tiễn. Vì thế, việc có ý kiến cá nhân, tiếp nhận hay phản đối ý kiến của người khác là các kĩ năng mà sinh viên cần phải có.

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai đào tạo theo tín chỉ tại Trường trong thời gian vừa qua cho thấy hình thức học làm việc nhóm đã được tổ chức thực hiện chưa tốt, có thể thấy rõ một số bất cập sau đây:

Một là trường đã tổ chức dạy và học theo tín chỉ toàn bộ chương trình nhưng sinh viên vẫn chưa nhận thức đầy đủ làm việc nhóm là một hình thức học cần phải thực hiện trong quá trình học tập. Sinh viên chưa chủ động làm việc nhóm về những nội dung bài học đã được bộ môn sắp xếp cho làm việc nhóm. Giờ thảo luận trên lớp có thể cho phép giảng viên kiểm tra nội dung tự nghiên cứu, làm việc nhóm của sinh viên nhưng nếu phát hiện sinh viên chưa học bài, chưa làm việc nhóm thì giảng viên cũng phải bằng cách thức khác nhau triển khai giờ học vì không thể để giờ lên lớp của mình thành “giờ chết”. Vì vậy, chất lượng của giờ thảo luận trên lớp có thể không cao khi sinh viên chưa chuẩn bị bài, chưa làm việc nhóm.

Hai là trong làm việc, để hoàn thành bài tập nhóm thì sự tham gia của sinh viên cũng chưa đạt yêu cầu. Làm bài tập nhóm cũng chỉ thu hút được một bộ phận nhỏ sinh viên trong từng nhóm, những thành viên khác trong nhóm hoặc không tham gia hoặc chỉ tham gia điểm danh. Thông thường các nhóm chỉ làm việc cùng nhau một hoặc hai lần để thực hiện việc phân công nhiệm vụ của từng cá nhân trong việc hoàn thành bài tập nhóm. Hầu hết các nhóm đều không làm việc cùng nhau để tranh luận về những nội dung chưa rõ ràng, sửa chữa các lỗi trong bài tập, hoàn thiện bài tập trước khi nộp cho giảng viên, thậm chí những sinh viên được phân công cùng một nhiệm vụ cũng không làm việc cùng nhau. Kết quả chấm bài tập nhóm chỉ cho phép giảng viên đánh giá trực tiếp nội dung bài tập còn các yếu tố khác giảng viên không kiểm soát được. Thực tế cho thấy nếu nhóm nào có được những sinh viên tích cực, học khá thì nhóm đó có bài tập chất lượng hơn những nhóm còn lại. Có nghĩa là kết quả bài tập không phản ánh được tính tích cực tham gia của sinh viên trong nhóm. Thực trạng này có một số nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Về chủ quan, nguyên nhân cơ bản nhất là việc sinh viên không có ý thức tự học bài thường xuyên sau mỗi giờ lên lớp hoặc chuẩn bị bài trước mỗi giờ lên lớp mà chỉ học bài khi có kiểm tra, khi thi hoặc làm bài tập khi đến hạn nộp. Như vậy, không chỉ không tham gia làm việc nhóm mà các nội dung tự nghiên cứu được giao sinh viên cũng không thực hiện. Việc sinh viên không học bài nói chung, không làm việc nhóm nói riêng không ảnh hưởng đến điểm học và sinh viên không bị áp dụng bất kì biện pháp cưỡng chế nào.

Về khách quan, việc sinh viên không làm việc nhóm là vì sinh viên chưa thấy được lợi ích của làm việc nhóm. Sinh viên chỉ hiểu làm việc nhóm là hình thức làm việc bắt buộc đối với bài tập nhóm, còn lợi ích mà làm việc nhóm đưa lại đối với các hình thức dạy và học khác sinh viên hầu như không nắm bắt được. Các bộ môn ngoài việc bố trí nội dung bài học không đưa ra các yêu cầu, hướng dẫn sinh viên triển khai thực hiện hình thức học này nên làm việc nhóm hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát. Mặt khác, sinh viên chưa được bố trí thời gian và địa điểm hợp lí để có thể làm việc nhóm.

Về phía Nhà trường và bộ môn không có yêu cầu chính thức về thời gian làm việc nhóm cũng như bố trí địa điểm (các hội trường) cho sinh viên làm việc nhóm. Từ phía học sinh, với hầu hết các môn học theo tín chỉ, trong đó đa số các môn là do sinh viên chọn học nên rất khó cho sinh viên khi sắp xếp thời gian hợp lí để có thể tham gia làm việc nhóm phù hợp với từng môn. Vì vậy, đa số các nhóm chỉ làm việc nhóm giữa hai ca học có môn học với thời gian rất hạn chế chỉ khoảng mười hoặc mười lăm phút. Với thời gian như vậy không thể đáp ứng được yêu cầu cả về nội dung, phương pháp, kĩ năng của làm việc nhóm. Nếu Nhà trường không bố trí thời gian và địa điểm học thì khó có thể yêu cầu sinh viên triển khai hình thức học này.

Để làm việc nhóm có thể phát huy được các ưu điểm trong đào tạo theo tín chỉ cần thiết phải tổ chức lại cách thức học tập này với các giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, các bộ môn cần giới thiệu đầy đủ hình thức tổ chức dạy học liên quan đến môn học của bộ môn mình và yêu cầu đối với từng hình thức dạy học trong tuần 0, trước khi triển khai giảng dạy môn học đó. Ngoài ra, trong đề cương môn học cũng phải nêu lại những hình thức và yêu cầu đối với từng hình thức tổ chức dạy và học một cách rõ ràng để giảng viên và sinh viên có cơ sở triển khai thực hiện.

Thứ hai, kết hợp giữa hoạt động tư vấn học tập với hoạt động hướng dẫn làm việc nhóm. Theo cách thức này bộ môn bố trí giảng viên tư vấn đồng thời là giảng viên hướng dẫn làm việc nhóm, việc tư vấn và hướng dẫn làm việc nhóm được thực hiện tại các hội trường do Nhà trường bố trí. Nhóm sinh viên sẽ làm việc cùng nhau, giảng viên chỉ bao quát, khi có sinh viên hoặc nhóm sinh viên hỏi thì tư vấn hoặc đưa ra các hướng dẫn cần thiết.

Thứ ba, số lượng sinh viên trong một nhóm nên duy trì ở quy mô nhỏ để bảo đảm tất cả các sinh viên trong nhóm đều phải tham gia làm việc nhóm và tăng cơ hội cho sinh viên trong nhóm được phát biểu ý kiến cá nhân của mình. Số lượng sinh viên trong một nhóm khoảng từ 5 đến 7 sinh viên, với các môn học có số tín chỉ nhiều thì quy mô nhóm sinh viên có thể là 8 hoặc 9 sinh viên. Không nên chia sinh viên thành các nhóm với số lượng trên 10 sinh viên một nhóm.

Thứ tư, đối với bài tập nhóm, các bộ môn nên xây dựng các bài tập phù hợp với yêu cầu có sự tham gia của nhiều sinh viên. Hạn chế tối đa bài tập cho từng sinh viên với bài tập cho nhóm sinh viên có yêu cầu như nhau. Mặt khác, trong đánh giá bài tập nhóm cần thiết phải có nội dung đánh giá sự tham gia làm việc nhóm của từng thành viên. Theo đó, việc đánh giá sự tham gia của từng sinh viên trong nhóm có thể chiếm từ 30% đến 50% điểm bài tập, số điểm còn lại dành cho nội dung bài tập của nhóm. Để làm được việc này, tất cả các lần làm việc nhóm đều phải ghi biên bản và biên bản làm việc nhóm phải chi tiết đến từng nội dung mà nhóm đã triển khai thực hiện, ý kiến các thành viên trong nhóm đã phát biểu… để giảng viên có thể đánh giá được sự chuẩn bị và mức độ tích cực tham gia làm việc nhóm của sinh viên. Việc đánh giá của sinh viên trong nhóm, của nhóm trưởng tiếp tục được duy trì để giảng viên có thêm cơ sở đánh giá chính xác từng sinh viên. Như vậy, điểm bài tập nhóm cũng sẽ có sự phân hoá đến từng sinh viên, phần điểm nội dung là giống nhau cho các sinh viên trong nhóm, điểm đánh giá tham gia làm việc nhóm là khác nhau giữa các sinh viên trên cơ sở ý thức tham gia làm việc nhóm của từng người.

Thứ năm, Nhà trường phải bố trí hội trường trên cơ sở lịch tư vấn và hướng dẫn làm việc nhóm của bộ môn cho sinh viên triển khai làm việc nhóm. Hội trường dành cho làm việc nhóm là các hội trường lớn để cùng lúc nhiều nhóm có thể làm việc. Lịch tư vấn của bộ môn và làm việc nhóm của sinh viên chỉ cần một buổi một tuần tương đương với nội dung của một tuần học. Bên cạnh đó, để thuận tiện cho sinh viên sắp xếp giờ học, Nhà trường phải bố trí lịch học cho sinh viên của một khoá vào một buổi trong ngày hoặc chia một khoá thành hai khối, khối học buổi sáng và khối học buổi chiều, buổi còn lại trong ngày bố trí các giờ làm việc nhóm, tư vấn học tập hoặc để sinh viên tự nghiên cứu, tự học hoặc tham gia các hoạt động đoàn, hội. Đào tạo luật theo hình thức tín chỉ là phương thức đào tạo tiến bộ vì hình thức này coi trọng năng lực tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện đã bộc lộ một số điểm hạn chế, vì thế cải tiến dạy và học theo phương thức tín chỉ nói chung, nâng cao chất lượng hình thức hoạt động làm việc nhóm, làm bài tập nhóm nói riêng góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng giảng dạy luật học./.

(1).Xem: Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ ban hành kèm theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15/8/2007 và Thông tư của Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo số 57/TTBGDĐT ngày 27/12/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ ban hành kèm theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15/8/2007; Quyết định của Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội số 2098/QĐ-ĐHLHN ngày 21/8/2014 về việc ban hành Quy chế đào tạo đại học hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ của Trường Đại học Luật Hà Nội thay thế Quyết định của Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội số 2124/QĐ-ĐHLHN ngày 28/12/2010 về việc ban hành “Quy định một số điểm áp dụng Quy chế đào tạo theo tín chỉ”.

Theo Tạp chí Luật học – Số 11/2014