Fidel Castro - Lãnh tụ vĩ đại của Cuba, Chiến sỹ cộng sản xuất sắc, Người bạn lớn, thân thiết của Việt Nam


Fidel Castro - Lãnh tụ vĩ đại của Cuba, Chiến sỹ cộng sản xuất sắc, Người bạn lớn, thân thiết của Việt Nam

09/02/2017

 Thứ tư, 30 Tháng 11 2016 15:52

Fidel Castro - Lãnh tụ vĩ đại của Cuba, Chiến sỹ cộng sản xuất sắc, Người bạn lớn, thân thiết của Việt Nam

(LLCT) - Hơn nửa thế kỷ với cương vị là người đứng đầu và lãnh tụ Cách mạng Cuba, Fidel Castro là người đồng chí, anh em thân thiết của lãnh đạo và nhân dân Việt Nam; luôn sát cánh cùng Việt Nam trong những năm tháng gian khổ của cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, cũng như trong ngày vui thắng lợi và công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam trong hòa bình. 

(Fidel Castro thăm Quảng Trị, Việt Nam, 9-1973)

1. Fidel Castro – Lãnh tụ vĩ đại của Cuba

Fidel Castro, tên đầy đủ là Fidel Alejandro Castro Ruz, sinh ngày 13 - 8 -1926, tại làng Biran ở miền Đông Cuba. Tên tuổi của Fidel Castro gắn liền với vận mệnh quốc gia và cuộc sống của toàn thể nhân dân Cuba kể từ khi ông khởi binh tấn công pháo đài Moncada ngày 26-7-1953 chống lại chính quyền quân sự do Batista đứng đầu. Tuy sau trận đánh này, Fidel và nhiều nghĩa quân bị chính quyền độc tài Batista bắt giữ, đưa ra xét xử, nhưng Fidel đã tự bào chữa cho mình một cách hùng hồn bằng bài biện hộ chấn động mang tên: “Lịch sử sẽ phán quyết tôi vô tội”. Fidel Castro bị kết án 15 năm tù, nhưng đã được thả sau 2 năm theo một lệnh ân xá chung và đi đến Mexico. Ở đó, anh gặp một người bí ẩn – một bác sĩ Argentina muốn làm cách mạng bằng đấu tranh vũ trang - Ernesto "Che" Guevara. "Niềm đam mê của Fidel cho Cuba và những ý tưởng mang tính cách mạng của Guevara đốt cháy nhau nhanh như cháy rừng, trong một ngọn lửa dữ dội của ánh sáng… Nếu không có Ernesto Guevara, Fidel Castro có thể sẽ không bao giờ trở thành một người cộng sản. Nếu không có Fidel Castro, Ernesto Guevara có thể không bao giờ có nhiều hơn một lý thuyết Mácxít - một tri thức lý tưởng"[1]

Ngày 25-11-1956, Castro, Che và 80 đồng chí của họ đã lên đường quay về Cuba trên chiếc du thuyền Granma. Các nhà cách mạng tiến hành một chiến dịch đánh du kích kéo dài 2 năm, thâm nhập những thị trấn nhỏ trước khi bao vây Santiago vào cuối năm 1958. Batista chạy trốn tới Cộng hòa Dominican vào đầu năm 1959. Ngày 1-1-1959, quân khởi nghĩa do Fidel lãnh đạo tiến vào thủ đô, chính quyền lâm thời được thành lập. Một năm rưỡi sau đó, Liên Hợp quốc công nhận Fidel Castro là nhà lãnh đạo của nước Cộng hoà Cuba.

Tổng thống Mỹ - Eisenhower ký ban hành một lệnh cấm vận thương mại đối với Cuba trong tháng 10-1960 và cắt đứt quan hệ với Havana ba tháng sau đó.

Tháng 4-1961, cuộc đổ bộ của 1400 người Cuba lưu vong tại Hoa Kỳ vào bờ biển vịnh Con Heo của Cuba với sự giúp đỡ của Hải quân Hoa Kỳ đã nhanh chóng thất bại trước lực lượng vũ trang cách mạng Cuba đầy quyết tâm.

Sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991 khiến Cuba mất đi khoảng 6 tỉ USD viện trợ hằng năm từ Liên Xô.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cuba do Chủ tịch Fidel Castro đứng đầu, hơn 55 năm qua, đất nước Cuba đã có những thay đổi sâu sắc chưa từng có trong lịch sử. Kể từ năm 1961 đến nay, Cuba đã đào tạo 130.000 bác sỹ và có tới 248 bệnh viện công. Tỷ lệ bác sỹ trên bình quân dân số Cuba là 1 bác sỹ/155 người dân. Cuba là một trong những nước đi đầu thế giới về công nghệ vi sinh khi nghiên cứu thành công 4 loại vắcxin phòng ngừa ung thư, nổi bật là ung thư phổi. Cuba cũng quốc gia đầu tiên xóa lây truyền HIV từ mẹ sang con. Hệ thống giáo dục của Cuba đứng đầu Mỹ Latinh. Tỷ lệ giáo viên trên bình quân học sinh là 1 giáo viên/10 học sinh. Cuba đứng số 1 thế giới về tỷ lệ đầu tư ngân sách cho giáo dục, với ngân sách dành cho lĩnh vực "trồng người" chiếm tới 13% tổng sản phẩm quốc nội (GDP)[2].

Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Cuba (4-2016),diễn ra trong bối cảnh tình hình Cuba tiếp tục ổn định; an ninh, chính trị được giữ vững; kinh tế tăng trưởng 4%. Trên lĩnh vực kinh tế, xuất khẩu dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ y tế tiếp tục là ngành kinh tế lớn nhất (Hiện khoảng 65.000 chuyên gia Cuba có mặt ở hơn 80 quốc gia trên thế giới, chủ yếu là bác sỹ, chuyên gia, nhân viên y tế.), mang về cho Cuba khoảng 6-8 tỷ USD/năm. Kiều hối, khoảng 3 tỷ USD là nguồn thu ngoại tệ lớn thứ hai. Lượng khách du lịch vào Cuba tăng mạnh, đến hết năm 2015  Cuba  đón 3,5 triệu khách, tăng 18%, đạt doanh thu hơn 3 tỷ USD[3]. Tuy vậy, kinh tế Cuba tiếp tục phải đối phó với vấn đề tồn tại song song hai đồng tiền và chủ trương thống nhất tiền tệ vẫn chưa được thực hiện bởi tác động của nó tới các doanh nghiệp nhà nước và vấn đề việc làm của người lao động. Trên lĩnh vực đối ngoại, Cuba tích cực triển khai chính sách đối ngoại năng động, đặc biệt với Mỹ, EU và một số nước lớn trên thế giới, cho thấy khả năng Cuba bước vào một giai đoạn phát triển mới, mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong khu vực và trên thế giới. Đây là những những tiền đề quan trọng để Cuba sẽ giành được những kết quả tích cực hơn trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện thành công mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội phồn vinh và bền vững.

Với những thành tựu này, hiện thực Cuba là bằng chứng sinh động khẳng định trong thế giới đương đại, hoàn toàn có thể và cần xây dựng một xã hội khác với xã hội tư bản để đem lại hòa bình, độc lập cho các dân tộc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Và trong những kỳ tích làm kinh ngạc cả thế giới của Cuba này đều ghi dấu ấn đậm nét của vị lãnh tụ tài ba Fidel Castro.

Ngày 18-2-2008, sau 49 năm lãnh đạo Cuba, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã chính thức tuyên bố nghỉ hưu và thôi không giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang cách mạng Cuba. Trong bức thư gửi nhân dân Cuba đăng trên báo Granma, Chủ tịch Fidel Castro khẳng định, ông muốn mở đường để thế hệ trẻ hơn tiếp tục nắm quyền.

Dù không trực tiếp lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc vì lý do sức khỏe, song Fidel vẫn được tham khảo ý kiến trong mọi quyết định chiến lược đối với sự sống còn của cách mạng Cuba. Kể từ khi rời khỏi các chức vụ lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cuba, Fidel Castro vẫn tiếp tục đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp xây dựng đất nước.

Cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng Cuba và nhân loại, Fidel Castro sẽ luôn là vị lãnh tụ vĩ đại, là linh hồn của cách mạng Cuba và trên khắp thế giới. Trong lòng nhân dân Cuba, nhà cách mạng Fidel Castro sẽ mãi mãi là lãnh tụ tinh thần, mãi mãi là Tổng Tư lệnh.

2. Fidel Castro - Chiến sỹ cộng sản xuất sắc

Trong hơn nửa thế kỷ qua, Fidel Castro luôn là một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn, một biểu tượng về một con người kiên cường đấu tranh cho độc lập dân tộc và vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của con người. Là một nhà cách mạng kiệt xuất, ông đã để lại những ấn tượng khó phai không chỉ trong lòng mỗi người dân Cuba mà nhân dân trên khắp thế giới. Ông đứng trong hàng ngũ ít ỏi những vĩ nhân thế giới đã cải biến tiến trình lịch sử và “cùng với mọi người và vì quyền lợi của mọi người” biến thành hiện thực giấc mơ, khát vọng của cả một dân tộc về tự do, phẩm giá, bình đẳng và quyền tự quyết vận mệnh của chính mình.

Dưới sự dẫn dắt của ông, một dân tộc Cuba nhỏ bé về tầm vóc kinh tế - địa lý đã phát huy được những phẩm chất tốt đẹp nhất của mình thành chính sách nhất quán của Nhà nước cách mạng để trở thành ngọn hải đăng cho các phong trào tiến bộ tại Mỹ Latinh cũng như trên thế giới.

Thật khó để nói, dù chỉ là tóm tắt, về sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Fidel: đó là sự giải phóng các dân tộc khỏi ách áp bức; là quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội; là quyết tâm biến giấc mơ chính đáng của con người thành hiện thực; là chủ nghĩa Mácxít Mỹ Latinh; là tinh thần quốc tế chủ nghĩa và đấu tranh vì lợi ích của toàn nhân loại; là việc đưa giáo dục, y tế, thể thao và văn hóa thành những yếu tố trọng tâm trong phát triển con người và xây dựng xã hội công bằng, bình đẳng; là đề cao các giá trị nhân văn và đạo đức cách mạng trong quá trình hình thành con người trong xã hội mới... Các học giả sẽ còn phải nhiều năm nữa để tiếp tục nghiên cứu và đúc rút các bài học từ những di sản cả về lý thuyết lẫn thực tiễn của ông.

Fidel Castro được người Mỹ Latin ca ngợi vì đề cao phẩm giá dân tộc của mình và thái độ ung dung trong ứng xử với Hoa Kỳ."Bất cứ nơi nào ở Mỹ Latinh mà Fidel đến, ông đều đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành" - Wayne Smith - một nhà ngoại giao kỳ cựu Hoa Kỳ từng làm việc ở Havana - cho biết. "Tại sao? Bởi vì ông ấy đã đứng lên đối đầu với Hoa Kỳ, đã nói rằng nơi đâu chúng ta (người Mỹ) đi, thì người Cuba cũng sẽ tới đó".

Đối với phong trào cách mạng thế giới, ông hỗ trợ cách mạng từ Nicaragua đến Angola, hỗ trợ Tổng thống Chile - Salvador Allende và Giám mục Grenada - Maurice, ủng hộ đấu tranh vũ trang chống lại những người bảo thủ cứng rắn ở Venezuela, giúp đỡ chính quyền cách mạng ở Mozambique…

Tháng 7-2006, do tuổi cao, làm việc vất vả, Chủ tịch Fidel Castro bị chảy máu đường ruột, phải phẫu thuật. Sau đó, em trai ông – Raul Castro, bắt đầu lãnh đạo đất nước. Sức khoẻ yếu, phải nghỉ dưỡng bệnh, nhưng Fidel Castro bày tỏ suy nghĩ của mình trong các bài viết cho chuyên mục "Những phản ánh” thường xuyên được công bố trên báo chí Cuba và trên mạng Internet. Ông vẫn tiếp tục có những bài viết phản ánh sắc sảo đăng trên tờ Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba. Tất cả những sự kiện quan trọng ông đều có bài phản ánh, như sự kiện Bin Laden bị Mỹ tiêu diệt trên đất Pakistan, khủng hoảng nợ ở Mỹ và một số nước thành viên EU, cuộc chiến của Mỹ ở Iraq, Afghanistan[4]

Khối lượng tác phẩm đồ sộ cả trong và ngoài nước nói về Fidel ở đủ mọi thể loại, đề tài, hình thức và sắc thái, từ tư tưởng cách mạng, tầm nhìn vĩ mô vượt thời đại, chủ nghĩa anh hùng, trí tuệ sắc sảo, uyên thâm cho tới những giai thoại thể hiện sự gần gũi, bình dị, sẵn sàng sẻ chia với mọi tầng lớp nhân dân hay tấm lòng bao dung, luôn bảo vệ những người yếu thế. Kẻ thù bôi nhọ ông chính vì nỗi sợ hãi sâu sắc trước sức truyền cảm mãnh liệt của người chiến sĩ cộng sản ấy; còn các dân tộc tự do trên thế giới công nhận và tôn vinh ông trong vai trò lãnh tụ cách mạng, người đã theo đuổi hoài bão cao đẹp nhưng cũng đầy hiểm nguy về công bằng xã hội và những quyền lợi chính đáng của mỗi con người và cả dân tộc; bằng niềm tin, trí tuệ và nhận thức cách mạng của mình thách thức không chỉ các thế lực mạnh mẽ gấp nhiều lần về vật chất mà cả các thành lũy tư tưởng tư bản chủ nghĩa đã ăn sâu vào xã hội Cuba cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác. 

3. Fidel Castro - Người bạn lớn, thân thiết của Việt Nam

Hơn nửa thế kỷ với cương vị là người đứng đầu và lãnh tụ Ccch mạng Cuba, Fidel Castro là người đồng chí, anh em thân thiết của lãnh đạo và nhân dân Việt Nam; luôn sát cánh cùng Việt Nam trong những năm tháng gian khổ của cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, cũng như trong ngày vui thắng lợi và công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam trong hòa bình. 

Dưới sự lãnh đạo của Fidel Castro, Cuba là nước đi đầu trong phong trào nhân dân thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam. Cuba cũng là nước đầu tiên công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (tháng 12-1961); là nước đầu tiên thành lập Ủy ban Đoàn kết với Việt Nam (tháng 9-1963); là nước đầu tiên và duy nhất thành lập sứ quán bên cạnh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại vùng giải phóng (tháng 7-1967). Trong một cuộc míttinh quần chúng với hàng chục vạn người tham gia tại thủ đô La Havana, Fidel Castro đã nói: “Không những đường sữa mà cả máu chúng ta cũng sẵn sàng hiến dâng cho nhân dân Việt Nam”[5].

Trong giai đoạn khó khăn nhất, ác liệt nhất của cuộc chiến của dân tộc Việt Nam bởi cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, theo lệnh của Fidel Castro, hai con tàu Jigue và Imias của Cuba đã vượt qua bom đạn để cập cảng Việt Nam.

Ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết, trong hoàn cảnh chiến tranh ở Việt Nam còn rất ác liệt, Fidel Castro là nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên và duy nhất đến thăm vùng mới giải phóng trên tuyến lửa Quảng Trị, một sự kiện có ý nghĩa chính trị đặc biệt trong quan hệ hữu nghị giữa hai nước và gây tiếng vang trong dư luận quốc tế.  

Hình ảnh Fidel Castro với vóc dáng to lớn, oai phong lẫm liệt, trong bộ quân phục xanh ô liu, đội mũ lưỡi trai, đi giày cao cổ, được các chiến sĩ giải phóng bao quanh, đứng trên cao điểm 241 Tân Lâm ở Quảng Trị, vốn là căn cứ lớn của Mỹ mới được ta giải phóng, nơi vẫn còn ngổn ngang xác xe tăng, thiết giáp, đại bác của địch, đã gây ấn tượng mạnh với thế giới.

Phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Fidel dõng dạc hô to như mệnh lệnh: “Các đồng chí hãy mang lá cờ bách chiến bách thắng này cắm tại Sài Gòn!”[6].

Cũng trong chuyến thăm đầu tiên này của Fidel, Cuba đã tặng Việt Nam 5 công trình kinh tế - xã hội vào loại tầm cỡ lúc bấy giờ gồm: Khách sạn Thắng Lợi (Tây Hồ, Hà Nội), Bệnh viện Việt Nam - Cuba (Đồng Hới, Quảng Bình), đường Xuân Mai, Trại bò giống Ba Vì, Xí nghiệp gà Lương Mỹ; tặng bò giống, gà giống và cấp hơn 6 triệu USD để mua thiết bị hiện đại.

Ngoài ra, Cuba còn cử chuyên gia về cầu đường sang Việt Nam tham gia cùng bộ đội Trường Sơn mở rộng đường mòn Hồ Chí Minh; giúp đào tạo trên 1.000 sinh viên Việt Nam ở trình độ đại học và cao học, vận động ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên Hợp quốc… 

Tháng 12-1995 và tháng 2 - 2003, Fidel Castro có chuyến thăm lần thứ hai và thứ ba đến Việt Nam. Qua những chuyến thăm, Chủ tịch Fidel luôn khẳng định, nhân dân Việt Nam mãi mãi là những người bạn, người anh em gần gũi, thân thiết của nhân dân Cuba và tin tưởng chắc chắn rằng tình đoàn kết, hữu nghị và sự hợp tác toàn diện giữa Cuba và Việt Nam sẽ không ngừng được củng cố và phát triển.

Tiếp nối và vun đắp những tình cảm quý báu giữa Đảng và nhân dân hai nước, trong hơn nửa thế kỷ qua, bất chấp những biến động của tình hình chính trị thế giới, tình đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị thắm thiết Việt Nam - Cuba không ngừng được củng cố, trở thành mẫu mực của tình cảm thủy chung, trong sáng, là tài sản vô giá mà hai Ðảng và nhân dân hai nước luôn giữ gìn, vun đắp.

_______________

 

[1] Jorge Castañeda: “Compañero: Cuộc đời và cái chết của Che Guevara".Dẫn theo Đỗ Đức, http://trian.vn/tin-tuc/thoi-cuoc-3570/fidel-castro-bieu-tuong-cach-mang-co-anh-huong-quoc-te-156063

[2] Theo: TTXVN 28/11/2016 22:22'

[3] Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản VN, ngày 19/04/2016 08:56

[4] http://vietnammoi.vn/fidel-castro-huyen-thoai-cach-mang-vi-dai-cua-the-gioi-11629.html.

[5] http://vietnammoi.vn/fidel-castro-huyen-thoai-cach-mang-vi-dai-cua-the-gioi-11629.html

[6] Hoàng Sơn    http://anninhthudo.vn/the-gioi/fidel-castro-nguoi-ban-thuy-chung-cua-viet-nam/710138.antd

 

                                                                               PGS, TS Thái Văn Long

Viện Quan hệ quốc tế-Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

                                                                                        TS Lương Công Lý

Đại học Công nghệ Giao thông vận tải

 

 

Theo Tạp chí Lý luận chính trị điện tử