Sáng ngày 20/12/2017, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải đã có buổi làm việc với Trung tâm Công nghệ asphalt Quốc gia Hoa Kỳ (NCAT), Công ty Cổ phần LICOGI 16 và Công ty Cổ phần FECON.
Toàn cảnh buổi làm việc
Tham dự buổi làm việc về phía Trung tâm Công nghệ asphalt Quốc gia Hoa Kỳ có GS. Randy West - Giám đốc; về phía Công ty Cổ phần LICOGI 16 có ông Lê Văn Hoặc - Trưởng phòng Quản lý thiết bị cơ giới; về phía Công ty Cổ phần FECON có ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch Hội đồng quản trị; về phía Trường Đại học Công nghệ GTVT có PGS.TS. Đào Văn Đông - Hiệu trưởng, TS. Nguyễn Hoàng Long - Phó Hiệu trưởng, TS. Ngô Quốc Trinh - Trưởng phòng KHCN-HTQT; về phía nhóm Nghiên cứu mạnh về vật liệu và mặt đường của Trường Đại học Công nghệ GTVT (CMPT) có PGS.TS. Trần Hoài Nam - Chuyên gia của Trung tâm Công nghệ asphalt quốc gia Hoa Kỳ- Trưởng nhóm; PGS.TS. Nguyễn Quang Phúc - Phó trưởng Khoa Công trình, Trường Đại học GTVT- Đồng Trưởng nhóm; TS. Nguyễn Ngọc Lân, Trường Đại học GTVT- Thư ký, TS. Trần Ngọc Hưng- Trưởng bộ môn thí nghiệm công trình, Trường Đại học Công nghệ GTVT.
Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS. Đào Văn Đông - Hiệu trưởng Nhà trường đã trân trọng cảm ơn GS. Randy West - Giám đốc Trung tâm công nghệ Asphalt Quốc gia Hoa Kỳ (NCAT), mặc dù công việc cuối năm rất bận rộn tại Mỹ nhưng vẫn dành thời gian để sang Việt Nam dự Hội thảo Quốc tế về các giải pháp kết cấu và công nghệ mặt đường asphalt đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ở Việt Nam do Trường Đại học Công nghệ GTVT tổ chức. PGS cho rằng cả 3 đơn vị NCAT; FECON; LICOGI16 đều là các đối tác hợp tác chiến lược với UTT nên UTT rất mong muốn được làm cầu nối để NCAT chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ về mặt đường bê tông nhựa mới, công nghệ tái chế mặt đường asphalt đã và đang được áp dụng tại Mỹ cho các đối tác FECON, LICOGI 16. Đồng thời PGS cũng đề nghị phía NCAT kết hợp với Trường Đại học Công nghệ GTVT tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn tại Mỹ về học tập các kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tế từ phía NCAT theo nhu cầu của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Cuối cùng, PGS.TS. Đào Văn Đông đề xuất mong muốn hợp tác, xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm ngoài trời với sự hỗ trợ, giúp đỡ từ phía NCAT, FECON, LICOGI 16 nhằm tìm ra các giải pháp nâng cao chất lượng mặt đường bê tông nhựa ở Việt Nam.
GS. Randy West - Giám đốc Trung tâm công nghệ Asphalt Quốc gia Hoa Kỳ mong muốn được hợp tác với UTT, Licogi 16 và Fecon về đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
Phát biểu đáp từ, GS. Randy West - Giám đốc Trung tâm công nghệ Asphalt Quốc gia Hoa Kỳ rất mong muốn được giúp đỡ, hợp tác, chuyển giao công nghệ qua các chương trình đào tạo ngắn hạn tại Mỹ theo nhu cầu của FECON và LICOGI 16, hoặc có thể cử chuyên gia kết hợp với UTT tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn ngay tại Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho FECON, LICOGI 16 nói riêng và các doanh nghiệp của Việt Nam nói chung, đồng thời sẵn sàng hợp tác với UTT thông qua Nhóm nghiên cứu mạnh CMPT để nghiên cứu khoa học, dự án sản xuất tại Việt Nam.
Ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Fecon phát biểu tại buổi làm việc
Cũng tại buổi làm việc, ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Fecon đánh giá rất cao vai trò quan trọng của nhóm nghiên cứu mạnh về vật liệu và mặt đường (CMPT) của Trường Đại học Công nghệ GTVT. Ông Phạm Việt Khoa mong muốn với vai trò là nhóm nghiên cứu mạnh về vật liệu và mặt đường được quy tụ từ các nhà khoa học đến từ Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Việt Nam, các thành viên trong nhóm có thể kết hợp với Trung tâm Trung tâm Công nghệ asphalt quốc gia Hoa Kỳ cùng tìm hiểu, nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới vào các công trình đường bộ tại Việt Nam, đồng thời FECON cũng sẵn sàng hợp tác với Nhóm và NCAT để ứng dụng các công nghệ mới vào các công trình xây dựng của FECON . Về việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, ông Lê Văn Hoặc- Trưởng phòng Quản lý thiết bị cơ giới Công ty Cổ phần Licogi16 đề nghị Trường Đại học Công nghệ GTVT kết hợp với NCAT cần đưa ra các thông tin cụ thể về chương trình đào tạo và gửi cho doanh nghiệp trước để có kế hoạch cử người tham gia, ngoài ra về phía doanh nghiệp cũng sẽ đưa ra các yêu cầu cụ thể để đặt hàng đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp.