Thủ khoa nghèo nhận học bổng thạc sỹ Nhật Bản


Thủ khoa nghèo nhận học bổng thạc sỹ Nhật Bản

02/12/2019

Nguyễn Văn Sơn kết thúc 4 năm học đại học với tấm bằng giỏi, là sinh viên duy nhất đạt học bổng thạc sĩ của Trường ĐH Hiroshima (Nhật Bản).

Keyword đầu tiên có dấu

Em Nguyễn Văn Sơn trong lễ tốt nghiệp đại học chụp cùng thày Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ GTVT

Không phụ sự kỳ vọng, cậu sinh viên nghèo Nguyễn Văn Sơn (Khoa Công trình, Trường Đại học Công nghệ GTVT) - thủ khoa đầu vào đã kết thúc 4 năm học đại học của mình với tấm bằng giỏi. Em là sinh viên duy nhất đạt học bổng thạc sĩ của Trường Đại học Hiroshima (Nhật Bản).

Con đường học vấn không “gãy gánh giữa chừng”

Bạn đọc Báo Giao thông hẳn chưa quên Nguyễn Văn Sơn - chàng thủ khoa Đại học Công nghệ GTVT đã từng suýt bỏ học chỉ vì nhà quá nghèo, không kham nổi tiền nhập học. Sau hơn 4 năm đều đặn được Báo Giao thông hỗ trợ học bổng, đến nay em đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng đạt loại giỏi.

Gặp Sơn tại lễ bế giảng, tân kỹ sư giao thông xúc động nói: “Đỗ thủ khoa đại học em vẫn tưởng mình sẽ phải về nhà nuôi gà, chăm vịt, làm đồng ruộng. Nhờ sự giúp đỡ của Báo Giao thông, Công ty Xây dựng 123, em đã có cơ hội được học tập để rồi được khoác trên mình bộ quần áo cử nhân ngày hôm nay”.

“Em còn nhớ như in ngày nhập học, cả nhà phải bán đi cả nửa tấn thóc. Nhưng khoản tiền thu về hơn 3 triệu đồng chẳng đủ để đóng tiền nhập học chứ chưa nói đến việc thuê nhà trọ, ăn uống. Bố mẹ lại phải đi vay mượn thêm của anh em họ hàng, rồi “vay nóng” hàng xóm. Những ngày đầu nhập học, em gần như không lúc nào yên trong lòng. Hình ảnh mẹ cõng những bao xi măng nặng gần gấp đôi trọng lượng cơ thể để lấy tiền cho em ăn học cứ hiển hiện trong đầu. Em thực sự đã nghĩ đến việc phải bỏ học nửa chừng…”, Sơn tâm sự.

Cậu tiếp lời: “Thần may mắn” đã mỉm cười với em. Sau bài báo đăng trên Báo Giao thông về hoàn cảnh của em, thông qua Quỹ Chung tay vì ATGT của báo, Công ty Xây dựng 123 đã hỗ trợ 100 triệu đồng, mỗi tháng 2 triệu đồng học bổng suốt 4 năm học. Nhờ số tiền này, cùng với tiền học bổng sau mỗi kỳ, em dành dụm để trang trải tiền ăn học”.

Chia sẻ với chúng tôi, chàng kỹ sư vừa tốt nghiệp tiết lộ, hồi còn là học sinh THPT, em cũng học ở mức bình bình, kết quả chỉ đạt học sinh tiên tiến. Khi đỗ thủ khoa Đại học Công nghệ GTVT với 24 điểm, thật lòng em cũng thấy mình chưa có gì đáng nổi trội. Nhưng từ khi em được Báo Giao thông hỗ trợ và được nhập học vào Trường Đại học Công nghệ GTVT, em tự hứa với bản thân phải nỗ lực, phấn đấu hết sức mình để không phụ sự mong mỏi của mọi người.

Keyword đầu tiên có dấu

4 năm trước, chàng thủ khoa ĐH Công nghệ GTVT từng suýt bỏ học vì nhà quá nghèo

Từ khi trở thành sinh viên Trường Đại học Công nghệ GTVT, Sơn không ngừng nỗ lực trong học tập và rèn luyện. Trong suốt 4 năm học đảm nhận chức vụ lớp phó học tập, Sơn luôn là tấm gương sáng khi liên tiếp đạt học bổng, nhiều lần giành giải cao trong các kỳ thi sinh viên giỏi cấp trường. Tháng 5/2018, Sơn đoạt giải Nhì Olympic Cơ học toàn quốc môn Cơ kết cấu. Khoản học bổng học Thạc sĩ vật liệu công trình giao thông tại Nhật trị giá hơn 450 triệu đồng một lần nữa mang lại cơ hội cho chàng kỹ sư trẻ.

“Học hai năm thạc sĩ bên đó đến khi tốt nghiệp em cũng được lựa chọn hoặc công tác ở trường, các trung tâm bên đấy hoặc về Việt Nam. Nhưng em dự định sẽ về Việt Nam để đi làm trả nợ cho gia đình và cống hiến cho ngành GTVT nước nhà”, Sơn nói.

“Chưa từng dám mơ được cho trăm triệu để lo con ăn học”

Keyword đầu tiên có dấu

Nguyễn Văn Sơn (giữa) và ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT CIENCO1 (nguyên Giám đốc Công ty Xây dựng 123) tại lễ kỷ niệm 55 năm ngày Báo Giao thông ra số đầu tiên (31/1/2018). Ảnh: K. Linh

Phấn khởi khi con trai hoàn thành tốt nghiệp đại học loại giỏi, chia sẻ với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Công (46 tuổi), mẹ Sơn xúc động: “Tôi rất muốn được cùng gia đình đến tận Báo Giao thông và gặp nhà tài trợ để cảm ơn sự hỗ trợ to lớn cả về vật chất và tinh thần cho con trai tôi những năm qua. Nếu không có sự hỗ trợ suốt hơn 4 năm học tập ở trường, gia đình tôi khó có thể nuôi con ăn học”.

“Khoản tiền 100 triệu đồng là quá lớn. Từ thuở bé chưa bao giờ tôi dám mơ ai cho mình vài triệu chứ chưa nói đến cả trăm triệu để lo cho con học hành. Nhờ có sự hỗ trợ đó, gia đình không phải vay mượn ngược xuôi hay bị rơi vào cảnh “gánh nợ”, cô Công xúc động nói.

Cô Công cho biết thêm, gia đình đang đi vay khoảng 70 - 80 triệu đồng để chuẩn bị cho Sơn sang Nhật học thạc sĩ. Dù rất khó khăn, gia đình vẫn cố chạy vạy để không phụ ơn giúp đỡ của các nhà tài trợ trước đó. Cả nhà nội ngoại, hàng xóm đều phấn khởi. Dù khó khăn nhưng mỗi người cho vay một ít để lo cho em, sau này trả dần. Cô Công cũng một mực từ chối khi PV ngỏ ý sẽ tiếp tục giúp kêu gọi huy động các nhà tài trợ một lần nữa.

“Em Sơn được hỗ trợ suốt thời gian học đại học gia đình đã phấn khởi biết ơn lắm rồi. Sang bên kia được cho tiền học bổng rồi mình không nên “tham” quá mà dành cơ hội đó cho học sinh khác. Bản thân cô chú càng phải cố gắng để biết thế nào là vất vả cho con ăn học”, cô Công bày tỏ.

Thày Ngô Quốc Trinh, giáo viên chủ nhiệm lớp Sơn chia sẻ, từ khi vào trường, Sơn đã phát huy được tố chất của một thủ khoa. Em học rất tốt, giỏi đồng đều tất cả các môn ngay từ kỳ đầu. Đến nay, trải qua 4 năm học, em liên tục đạt học bổng loại giỏi. Ngoài ra, Sơn cũng tham gia kỳ thi sinh viên giỏi của nhà trường, tham gia đội tuyển Olympic Cơ học toàn quốc. Với những nỗ lực của mình, Sơn liên tục được các doanh nghiệp giao thông trong và ngoài nước quan tâm. Đặc biệt, Sơn đã vượt qua rất nhiều bài thi khó, vinh dự là sinh viên duy nhất của nhà trường đạt học bổng thạc sĩ trị giá 450 triệu đồng của Trường Đại học Hiroshima (Nhật Bản).

Em Nguyễn Viết Chiến, bạn cùng lớp với Sơn chia sẻ: “Em thấy Sơn rất chăm chỉ học tập, các môn đều giỏi, nhất là tiếng Anh, các môn về kỹ thuật giao thông. Học cùng lớp, em cũng như nhiều bạn được Sơn hướng dẫn trong các giờ học rất tận tình. Đạt nhiều thành tích học tập nhưng Sơn cũng rất hòa đồng, vui vẻ với bạn bè. Bạn ấy nhiệt tình tham gia các hoạt động như bóng đá của lớp, của khoa và cả các hoạt động tình nguyện hiến máu trong trường”.

Lê Tươi - Báo Giao thông