“Sinh viên tí hon” từ chối học bổng khuyết tật để làm người thường


“Sinh viên tí hon” từ chối học bổng khuyết tật để làm người thường

27/09/2017

Bị tật bẩm sinh từ khi lọt lòng, Trần Hoàng Long (SN 1997), chỉ cao 1,2m, nhìn bên ngoài như học sinh cấp 1, nhưng hiện đang là sinh viên năm thứ 3 trường đại học Công nghệ GTVT. Điều đặc biệt ở Long là dù bị tật bẩm sinh, nhưng em luôn nỗ lực học tập và cả 3 năm đại học luôn đạt học bổng. Không những vậy, em còn làm đủ mọi nghề để kiếm tiền đỡ đần bố mẹ.

Chủ tịch Công đoàn GTVT VN Đỗ Nga Việt trao học bổng cho các sinh viên học giỏi, hoàn cảnh khó khăn, trong đó có em Trần Hoàng Long

Dạy thêm, làm MC, đóng phim kiếm tiền ăn học

Đến trường đại học Công nghệ GTVT, chỉ cần hỏi cậu “sinh viên tý hon” là từ thày giáo cho đến các bạn sinh viên trong trường đều nhớ ngay đến Trần Hoàng Long, lớp 66DCHT22, ngành Công nghệ thông tin. Sinh ra trong một gia đình làm nông tại huyện Nghĩa Hưng, Nam Định, bố mẹ Long sinh được hai người con, nhưng chỉ có Long là bị tật bẩm sinh, di truyền từ người cha để lại.

Gặp Long sau khi vừa kết thúc buổi học, nhìn bên ngoài em có thân hình tí hon đúng như biệt danh mọi người quen gọi. Với làn da đen, mái tóc xoăn rất giống người ngoại quốc, thoạt nhìn nhiều người sẽ lầm tưởng đó là cậu học sinh cấp 1, nhưng ít ai nghĩ “cậu bé tý hon” đó đã là sinh viên năm 3.

Long kể, để đến trường, sáng sớm, em phải đi bộ hàng cây số ra bến xe Yên Nghĩa bắt xe buýt. Học xong lại bắt xe về phòng trọ. “Suốt 3 năm học, ngày nào cũng vậy, cứ lên xe buýt là em lại nhận được những ánh mắt tò mò của mọi người. Song, cũng không ít người thông cảm và nhường ghế cho em”, Long nói.

Mang một thân hình không bình thường, nhưng Long không hề tự ti và mặc cảm, ngược lại em tỏ ra rất lạc quan, yêu đời. Tâm sự với chúng tôi, “sinh viên tý hon” này luôn toát ra vẻ tự tin. Long chia sẻ, để có được sự tự tin này, em cũng phải trải qua rất nhiều nước mắt.

“Hồi học cấp 2, khi bạn bè nhìn thấy em có thân hình nhỏ bé, không giống các bạn, ai cũng trêu đùa hay cười nhạo. Những lần như vậy, em lại khóc, tự ti, không muốn đi đâu. Nhưng rồi, lớn lên em cũng quen với điều đấy”, Long kể và chia sẻ, vì gia đình là hộ nghèo, bố mẹ khó khăn nên khi trở thành sinh viên, ngoài việc học em đã nỗ lực tìm việc làm thêm. Năm đầu tiên là sinh viên, em đã làm gia sư môn toán cho một số em trong Khu đô thị Royal City. Ban đầu học sinh thấy lạ, cứ nhìn thày chằm chằm. Sau bố mẹ các em giải thích và qua trò chuyện, mọi người mới hiểu và thông cảm hơn.

Công việc dạy thêm thường phải về khuya, đi xe buýt rất bất tiện, Long được bạn bè giới thiệu làm thêm tại một văn phòng chuyên nhập dữ liệu tuyển sinh cho trường Cao đẳng Dược ở Cầu Diễn. Sau một thời gian, em lại chuyển sang làm MC phần trò chơi cho khách du lịch. Đang làm MC trò chơi, có người lại mời Long tham gia đóng phim. Hiện, Long được nhận làm việc cho Công ty Truyền thông Sky và đóng nhiều phim trên kênh Youtube, Super Sky War. Công việc làm thêm cộng với học bổng cũng đủ để em trang trải cuộc sống và đỡ đần thêm cha mẹ.

“Trước đây, khi còn là học sinh, em nghĩ mình chỉ có thể học và làm công nghệ thông tin. Nhưng giờ em lại nghĩ khác, chỉ cần mình chăm chỉ, cố gắng, việc gì cũng có thể làm được”, Long tự tin nói và cho biết, sau này em muốn trở thành một nhà thiết kế web chuyên về lập trình game. Thời gian đầu, khi ra trường nếu chưa xin được đúng công việc mong muốn, em sẽ tiếp tục đóng và quay phim.

Bố dị tật, mẹ vay tiền ngân hàng nuôi con ăn học

Mẹ Long - cô Nguyễn Thị Tám chia sẻ: “Con tôi bị tật bẩm sinh, mang một thân hình bé nhỏ, không thể tự đạp xe 8km tới trường, nên trong suốt 12 năm học, chồng tôi phải tập xe để chở con đến trường. Giữa năm lớp 12, trong một lần đèo con, vì tránh xe khác, chân không tới khung xe đạp điện, chồng tôi đã bị ngã gãy 3 xương sườn. Từ đó, tôi thay chồng chở con tới lớp”.

“Chồng và con trai bị dị tật bẩm sinh, nhưng chưa lần nào đi khám hay điều trị gì. Gia đình chỉ nghĩ là số phận vậy rồi, phải cố gắng chứ đi khám cũng không có tiền để chữa”, cô Tám nghẹn ngào nói và cho biết, Long dù bị như vậy nhưng rất năng động, tự tin và luôn cố gắng học tập. “Tôi nhớ mãi, hồi thi đại học con đạt 23 điểm ngành Công nghệ thông tin, cả nhà mừng rơi nước mắt. Đêm đó, tôi không ngủ nổi vì xúc động, tự hào và cũng thương con. Hiện, mỗi lần đạt học bổng hay nhận tiền làm thêm con đều mang về để đỡ đần bố mẹ”, cô Tám kể.

Chia sẻ thêm về hoàn cảnh gia đình, cô Tám nói: “Chồng bị tật nên không đỡ đần được nhiều. Một mình phải lo việc đồng áng nuôi các con ăn học. Làm nông quanh năm không đủ nuôi hai con, đành phải vay ngân hàng. Giờ số tiền lên gần 200 triệu đồng, không biết bao giờ mới trả được, chỉ mong mỏi ở các con sau ra trường thôi”.

Thầy Lã Quang Trung, giảng viên, chủ nhiệm lớp chia sẻ, Long là sinh viên bị dị tật bẩm sinh nhưng rất có nghị lực vươn lên, chịu khó học tập, học giỏi các môn chuyên ngành. “Tôi ấn tượng và nhớ mãi cách đây 3 năm, khi mới vào trường, Long đã từ chối nhận suất học bổng do nhà trường và khoa trao cho những sinh viên khuyết tật, vượt khó. Lý do Long từ chối là do em không nghĩ mình thua thiệt so với các bạn bình thường khác, mà phải đạt học bổng từ chính năng lực học tập của mình”, thầy Trung kể và cho biết, sau đó em luôn nỗ lực để đạt học bổng bằng chính khả năng của mình.

Em Nguyễn Thị Như Quỳnh, sinh viên lớp 66DCHT22, ngành Công nghệ thông tin bày tỏ rất ngưỡng mộ Trần Hoàng Long. “Long tuy bị tật bẩm sinh nhưng rất chăm chỉ học tập. Chưa bao giờ phải thi lại môn nào. Chúng em cũng xem nhiều phim Long đóng và thấy bạn diễn rất chuyên nghiệp. Lớp em luôn lấy Long làm động lực để cố gắng hơn. Chúng em học hỏi được rất nhiều điều từ Long, nhất là ý chí và nghị lực, dũng cảm vượt qua khó khăn”.

                                                                                                                                                                                               Nguồn: Báo Giao thông